NSƯT Hữu Mười suýt mất vai trong 'Bao giờ cho đến tháng Mười' vì... ăn nhót

19/04/2025 14:35 GMT+7 | Giải trí

Chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt tuần này giới thiệu tác phẩm điện ảnh kinh điển Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim khắc họa nỗi đau mất mát người thân trên chiến trường, đồng thời gửi gắm niềm tin vào tương lai đất nước, xứng đáng là một trong những bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Bao giờ cho đến tháng Mười không chỉ là một bộ phim, mà là một tiếng vọng sâu thẳm vào trái tim của hàng triệu gia đình Việt Nam và trên toàn thế giới, những người đã trải qua nỗi đau mất mát người thân trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Với tác phẩm này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chạm đến một nỗi đau chung, nhưng bằng sự nhân văn sâu sắc, ông khép lại bằng sự gửi gắm tương lai đất nước cho thế hệ mai sau, đúng như tuyên ngôn nghệ thuật của ông: "Chỉ có chủ nghĩa nhân văn mới rung động được đến trái tim của nhân loại". 

NSƯT Hữu Mười suýt mất vai trong 'Bao giờ cho đến tháng Mười' vì... ăn nhót - tin cuối tuần - Ảnh 1.

Sự xuất sắc của bộ phim đã được khẳng định qua vô số giải thưởng trong nước và quốc tế, và được CNN bình chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Ảnh: BTC

Theo chia sẻ, tên phim được lấy cảm hứng từ câu ca dao trong tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng: "Bao giờ cho đến tháng mười/ Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta/Gặt hái ta đem về nhà/Phơi khô quạt sạch ấy là xong công". Chính ý tứ sâu xa của câu ca dao này đã thôi thúc NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh lựa chọn câu thơ "Bao giờ cho đến tháng mười" làm tựa đề, đồng thời cũng là câu thơ mở đầu mà nhân vật thầy giáo Khang đọc trong phim.

Kịch bản bộ phim được chính đạo diễn Đặng Nhật Minh chắp bút. Ảnh: BTC

Trong cuộc trò chuyện tại Cine 7 - NSƯT Hữu Mười, người thủ vai thầy giáo Khang, đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện bộ phim. Ông tiết lộ rằng ban đầu mình không phải là ứng cử viên cho vai diễn này, nhưng sau đó đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh tin tưởng lựa chọn. 

Một kỷ niệm "nhớ đời" mà NSƯT Hữu Mười không bao giờ quên là việc ông suýt bị cắt vai khi đã quay được nửa bộ phim chỉ vì một phút "vô kỷ luật" khi ăn nhót trong lúc chờ cảnh quay. May mắn thay, sự động viên của một quay phim đã giúp ông hoàn thành vai diễn và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành "tài tử quốc doanh". Nhìn lại sự việc, NSƯT Hữu Mười đã thấu hiểu sự nghiêm khắc của đạo diễn trên phim trường và tự rút ra bài học về tính kỷ luật trong công việc.

NSƯT Hữu Mười suýt mất vai trong 'Bao giờ cho đến tháng Mười' vì... ăn nhót - tin cuối tuần - Ảnh 3.

Trong cảnh quay đông người của đoàn chèo và NSƯT Lê Vân, NSƯT Hữu Mười tranh thủ trò chuyện với người dân và ăn nhót họ mời, dẫn đến đau bụng. Mải nói chuyện với người chạy máy nổ, ông bỏ lỡ cảnh quay của mình, bị đạo diễn Đặng Nhật Minh mắng và suýt bị cắt vai. Dù buồn, kỷ niệm này khiến ông sau này thấu hiểu sự nghiêm khắc của đạo diễn về kỷ luật trên phim trường. Ảnh: BTC

NSƯT Hữu Mười. Ảnh: BTC

NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về NSƯT Hữu Mười trong vai thầy giáo Khang: "Anh Hữu Mười là một diễn viên giỏi, thời đó mới đi học ra. Trước đó anh Hữu Mười đã đóng vai thầy giáo rồi, nhưng tôi muốn có cái gì đó mới. Khi anh ấy vào vai thì tôi thấy khó có ai thay thế được. Tôi ấn tượng nhất cái ảnh anh ấy đứng trong đám người xem chèo. Khuôn mặt anh ấy lúc đó cảm động, hay quá. Bây giờ tôi cũng không quên được gương mặt ấy, không diễn gì cả mà tất cả trong con mắt. Chỉ một mình anh ấy hiểu vì sao nhân vật Duyên lại bỏ dở vở chèo này".

Một số phân cảnh trong bộ phim. Ảnh: BTC

Đạo diễn Đặng Nhật Minh xem mỗi bộ phim như một lời tâm sự gửi gắm đến khán giả. Với Bao giờ cho đến tháng Mười, ông đã thể hiện rõ phong cách sáng tác tinh tế, sâu lắng của mình. Đặc biệt, phân cảnh phiên chợ âm dương và câu nói đầy ám ảnh của nhân vật Nam: "Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc/ Chỉ có những người còn sống mới có thể làm được điều đó/ Anh đã làm xong phần việc của mình rồi/ Cái còn lại mãi mãi là cái không bao giờ nhìn thấy được" đã truyền tải một triết lý sâu sắc về sự mất mát và hy vọng. 

Đạo diễn cũng chia sẻ rằng, nhiều khán giả nước ngoài sau khi xem phim của ông đều cảm nhận được "chất Việt Nam" sâu sắc, bởi lẽ "Việt Nam ngay trong máu thịt của tôi rồi". Bao giờ cho đến tháng Mười không chỉ là một ký ức điện ảnh Việt đáng trân trọng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian, chạm đến những giá trị nhân văn.

Lan Hương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm