02/06/2020 05:58 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Như thể trò chơi gấp giấy origami, nhưng nhà điêu khắc Lê Thị Hiền - cựu giảng viên khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - người góp phần đào tạo những thế hệ các nhà điêu khắc trẻ năng động hiện nay - đã chọn “gấp” những tấm thép sơn màu bằng một kỹ thuật khó hình dung, thư thái và nhẹ nhõm. 6 tác phẩm điêu khắc “gấp thép” của bà đang được trưng bày trong triển lãm Thép và vải tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
1. Có thể nói, trong triển lãm Thép và vải, các tác phẩm điêu khắc “gấp thép” của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền không chỉ là điểm nhấn, mà nó còn là tín hiệu đơn nhưng đa sắc cho sự biểu cảm đầy nữ tính. Bằng một tư duy khúc chiết trong việc xử lý khối hình đa diện, bà đã làm cho thép trở nên quyến rũ, uyển chuyển mà cũng rất tự nhiên trong những không gian sắp đặt khác nhau.
Các tác phẩm được bà trưng bày sắp đặt lần này gồm: Cổng và gió, Sóng nghiêng, Tháp, Sen, Sen đôi... đã tạo thành một series các tác phẩm đồng hiện từ một dạng khối hình gần nhau.
Đó là các thiết kế hình khối vuông rỗng lòng và các nếp gấp tạo ra các tiết diện tam giác ở một cạnh. Tuy nhiên, với sự thay đổi tương tác của ánh sáng, nhà điêu khắc đã diễn đạt những sự vận động của cảm xúc rất tinh tế qua từng tác phẩm. Chúng như thể tạo ra những vũ điệu của khối và màu.
Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền cho rằng tự thân các tác phẩm đã nói rõ ràng khúc chiết ý tưởng của nghệ sĩ. Và thông qua các tác phẩm của mình, bà muốn đem đến cho người xem sự thưởng ngoạn bằng mắt một cách mãn nhãn.
Trong quá trình sáng tạo, Lê Thị Hiền thử trên rất nhiều chất liệu khác nhau, mỗi chất liệu có một cách riêng để thể hiện, từ lúc thai nghén tác phẩm, suy nghĩ, chắt lọc, thực hiện, cho đến lúc trình làng… bà nói: “Chẳng dễ tí nào”.
Với thép cũng vậy, bà đã phải thử rất nhiều lần để tìm ra cách bẻ, gấp thép một cách hiệu quả nhất làm sao mỗi nếp gấp nó không được xoắn vặn và thay thế được hoàn toàn cho kỹ thuật hàn, tạo nên sự tinh tế cho tác phẩm.
Tương tự như vậy, Lê Thị Hiền đã chọn màu hồng sen làm màu chủ đạo. Vì theo bà, màu hồng sen làm cho kim loại trở nên nhẹ nhõm, tươi sáng, mang lại cảm giác bay bổng cho người xem.
Chia sẻ về kỹ thuật thực hiện các tác phẩm điêu khắc này, nhà điêu khắc cho biết:“Ở các tác phẩm điêu khắc hiện đại, tính kỹ thuật và khoa học là rất quan trọng. Ví dụ như hàn hay bẻ một nét gấp với thép là vô cùng khó, phải tính toán rất cẩn thận để khi nét gấp đó kết thúc nó phải tạo ra sự vững chãi cho khối. Nếu ta tính sai một li, thì tác phẩm sẽ dễ bị vặn hoặc méo. Đấy là điều không được phép với các điêu khắc thép tấm mỏng. Chính vì thế, tôi thích tạo sự mở rộng về không gian bằng các hiệu ứng thị giác ảo”.
2. Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền (sinh năm 1957) được xem là một trong những tác giả nữ thuộc thế hệ thứ nhất của giai đoạn mỹ thuật Việt Nam thời đổi mới. Tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 1986, bà từng nhận học bổng học tập, lưu trú sáng tác tại Canada và Bỉ. Bà liên tục tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật, workshops, trại sáng tác điêu khắc ở Việt Nam và nhiều quốc gia. Có lẽ thời gian này đã giúp hình thành nên lối tư duy trong các tác phẩm điêu khắc của Lê Thị Hiền.
Gần 3 thập kỷ hoạt động nghệ thuật sôi nổi trong và ngoài nước, các tác phẩm điêu khắc của Lê Thị Hiền đều được xây dựng kỹ lưỡng từ các nghiên cứu, thể nghiệm về hiệu quả tạo hình và khả năng tự biến đổi dưới sự tác động của nguồn sáng. Nghệ thuật của bà mang tinh thần, ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc đương đại, đặc biệt là kỹ thuật cắt, gấp các tấm kim loại đã tạo những dấu ấn sáng tạo riêng biệt.
Những ai từng tới thăm nơi làm việc hoặc từng là sinh viên, đồng nghiệp của bà sẽ rất ấn tượng về phương pháp và tinh thần làm việc khoa học, kỹ lưỡng, khác với hình dung của nhiều người về “tính tùy hứng” của nghệ sĩ.
“Tôi biết chị Lê Thị Hiền làm hoa sen bằng thép từ rất lâu rồi. Trong hàng nghìn người làm thép, cách xử lý với các tác phẩm trừu tượng của tác giả là sáng tạo. Tôi đánh giá cao cách tô màu cho kim loại. Bởi vậy nên, tôi rất muốn dọc sông Hương ở Huế đến mùa Phật Đản, thay vì thả sen giấy hãy đặt những bông sen thép thế này. Như thế sẽ tạo ra một không gian đương đại rõ ràng” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân chia sẻ khi thăm triển lãm.
Hoài Thương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất