Cuarơ Nguyễn Thùy Dung: Xe đạp là đam mê và hạnh phúc cuộc đời

08/03/2013 10:12 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Đến với xe đạp đơn giản chỉ vì niềm đam mê, cô tiểu thư gốc Hà thành chính hiệu không ngờ rằng, cuộc đời mình từ đây khởi đầu cho những câu chuyện với niềm vui là chủ đạo.

Cái ngày xe đạp nữ VN xuất hiện một trong những VĐV xuất sắc nhất là tháng 2 năm 2004, khi Thùy Dung đi theo một cô bạn gần nhà đến SVĐ Quần Ngựa (Hà Nội) để tập chơi. 

Thuỳ Dung dự tính thi đấu nốt năm 2013 rồi sẽ giải nghệ để lập gia đình. Ảnh: Dương Thu

Cô tiểu thư mê tốc độ

Cái “máu” tốc độ thấm vào Dung theo thời gian. Nhận thấy cô học trò có năng khiếu, HLV Trần Quốc Tuấn (bây giờ đã giải nghệ) khi đó nhanh chóng đưa Dung vào đội xe đạp của Thủ đô để tập tành bài bản. Cô tiểu thư sinh ra trong một gia đình có 3 anh em (Dung là con giữa và là phận gái duy nhất của gia đình) không có máu thể thao, nhưng quyết tâm theo đuổi xe đạp chuyên nghiệp cho bằng được.

Dù bố mẹ ra sức ngăn cản đứa con gái “dở người” của họ, vì “cái nghiệp buôn bán của ông bà dư sức nuôi em ăn học” nhưng cái khát khao của tuổi trẻ đã chiến thắng mong muốn nơi đấng sinh thành.

Xe đạp Hà Nội với sự góp mặt của Nguyễn Thùy Dung nhanh chóng tạo nên những tiếng vang nhất định trong làng thể thao. Vừa chính thức đi vào con đường chuyên nghiệp (2006), Thùy Dung đã nhanh chóng góp mặt vào thành phần ĐT xe đạp VN. Dung là VĐV xe đạp sở hữu thể hình lý tưởng (cao 1m68, nặng 63kg) với sở trường là những cú nước rút và cá nhân tính giờ.

Một năm sau đó, cái tên Nguyễn Thùy Dung bắt đầu đều đặn xuất hiện trong bảng vàng xe đạp nữ VN với 3 chiếc HCV VĐQG và 2 chiếc Áo xanh ở 2 giải truyền hình An Giang và Hà Nội cho xe đạp Hà Nội. Sự nghiệp tưởng chừng bằng phẳng với cô bé vừa bước qua tuổi trăng tròn thì cũng là lúc Dung nếm trải những cay đắng do niềm đam mê mang đến.

Đắng cay chuyện nghề

Để sống cùng xe đạp, Thùy Dung đã chấp nhận đánh đổi những thú vui đời thường như các bạn bè đồng lứa khác. Khi nhiều đứa trẻ ở tuổi Dung vẫn tuổi ăn học như thường thì Dung đã phải đổ mồ hôi để nếm trải đầy đủ những nắng, mưa, bụi đường. Hy sinh một phần tuổi trẻ, Dung còn phải tự thân vận động gia đình để giúp cô mua sắm trang thiết bị rất đắt đỏ như xe để tập luyện và thi đấu.

Dù có thành tích, nhưng phía địa phương Hà Nội nơi Dung tập luyện vẫn không có những khoản hỗ trợ, bồi dưỡng để trang trải cho Dung phần nào. Khi đó, nhận thấy tài năng của Dung, đội đua xe đạp Cấp thoát nước môi trường Bình Dương (CTN.MTBD) đã quyết tâm có được chữ ký của cuarơ gốc Hà thành.

Ở một môi trường được tạo điều kiện thuận lợi hơn về chế độ đãi ngộ lẫn lời hứa “đua xong sẽ được một suất nhân viên của Công ty” từ lãnh đạo CTN.MTBD, Thùy Dung bỏ qua lời đe nạt từ đội xe đạp Hà Nội (Dung còn hợp đồng với xe đạp Hà Nội đến năm 2010) để Nam tiến.

Rắc rối phát sinh từ đây. Khi Thùy Dung tham dự bất cứ giải đấu nào trong màu áo đội đua đất Thủ thì cô đều bị Hà Nội kiện tụng. Vì thế, Dung không thể tham gia một giải đua nào trong vòng 2 năm rưỡi liên tiếp.

Quãng thời gian đó với Dung như một cực hình, bởi lẽ hàng ngày Dung chỉ tập chay để duy trì phong độ rồi đứng làm khán giả xem đồng đội thi đấu. “Nhiều lúc, tôi cảm thấy chán nản đến cùng cực. Đã không ít lần, tôi có ý định giã từ niềm đam mê từ thuở bé của mình vì tình người sao mà bạc bẽo quá. Nhưng do sự động viên của người thân và đồng đội, tôi đã có động lực vượt qua 2 năm rưỡi khắc nghiệt đó”.

Cũng nhờ ý chí không bỏ cuộc, nên sau thời gian mãn án treo giò, Thùy Dung đã không mất nhiều thời gian để gây dựng lại tiếng tăm của mình trong làng xe đạp VN.

Điều thiệt thòi của môn thể thao này là chế độ đãi ngộ của nó không thể sánh với nhiều môn khác. Ở CTN.MTBD, Thùy Dung hưởng mức lương 7,5 triệu đồng/tháng, cộng với tiền đẳng cấp cũng hơn 1 triệu đồng. Số tiền đó chỉ tương đối cho một VĐV xe đạp đỉnh cao vì “với ai chi tiêu tiết kiệm thì có thể dư ra một ít nhưng với tôi, nó chỉ đủ để bù vào tiền ăn, rồi bồi dưỡng thêm. Để duy trì sức khỏe cho xe đạp chuyên nghiệp thì ngoài ăn thêm cho đủ chất, em còn phải mua thêm thuốc bổ cho mình. Tính ra cũng không dư dả gì”.

Những ý tưởng đầu hàng số phận đã được phác thảo. Nhưng cuối cùng, đam mê của Dung vẫn chiến thắng khó khăn khách quan.

Bước ngoặt cuộc đời

Dung mới sang tuổi 23, nhưng xe đạp đã mang lại cho cô gái gốc Hà thành này đầy đủ những xúc cảm cuộc đời. Bỏ qua những khó khăn, với Thùy Dung, cuộc sống bây giờ thật hạnh phúc nhờ Dung biết tự hài lòng với những gì đang nắm chắc trong tay. Nam tiến để đầu quân cho CTN.MTBD là quyết định sáng suốt trong sự nghiệp của Dung. Vì với mức thu nhập đã kể, so với nhiều nơi, cũng là cao và đủ cho Dung sống với đam mê. Ngoài ra, Dung còn được tạo điều kiện để có một công ăn việc làm ổn định sau khi giải nghệ.

Song điều hạnh phúc nhất mà Dung có được lúc này là “sở hữu” riêng cho mình người bạn trai đồng nghiệp Bùi Minh Thụy. Mối tình giữa 2 cuarơ này đã kéo dài hơn 7 năm trời và có thể, đây sẽ là một trong những chuyện tình đẹp nhất của thể thao VN. Năm 2006, khi cùng tập trung ĐTQG ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 2 (TP.HCM), cả 2 đã gặp phải tiếng sét ái tình. Sự hiền lành, chất phác của anh “Hai Lúa miền Tây” (lời Thùy Dung-PV) đã chinh phục được cô gái Hà thành không dễ gần.

Cặp đôi Thụy-Dung cho đến lúc này là một mối tình hoàn hảo của thể thao VN. Cô gái gốc Hà thành xinh đẹp và chàng “Hai Lúa Nam Bộ” đã tính đến chuyện “ký hợp đồng trăm năm”. Thùy Dung tếu táo: “Mỗi khi thi đấu ngoài Hà Nội, anh Thụy đều đến thăm gia đình tôi và bố mẹ tôi đã đồng ý. Vấn đề lúc này chỉ là thời gian. Tôi vẫn còn lời hứa thi đấu cho CTN.MTBD đến hết năm 2013 và phải hoàn thành. Tôi dự định sẽ giải nghệ vào năm 2014 để dành thời gian cho gia đình. Tôi cũng như nhiều phụ nữ khác, cũng mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Nhưng nếu tôi nghỉ đua, anh Thụy vẫn phải thi đấu để có tiền mà nuôi tôi chứ”!

Đó sẽ là những dự tính của thì tương lai. Còn bây giờ, Thùy Dung đang thi đấu cùng CTN.MTBD ở giải xe đạp quốc tế Bình Dương mở rộng 2013. Giải đấu tương đối thành công khi đồng đội của Dung là Cẩm Lệ đang trên đường tiến tới danh hiệu Áo vàng danh giá nhất cuộc đua. Đây là giải đấu “tập huấn” trước thềm giải vô địch châu Á 2013 mà Dung là một thành viên của ĐTQG. Xa hơn nữa, khát khao của Dung là chinh phục được tấm huy chương ở SEA Games 27 trên đất Myanmar vào cuối năm. Đó là chiếc huy chương mà Dung còn thiếu trong sự nghiệp của mình.

Đánh đổi tuổi xuân, nhan sắc để hy sinh cho niềm đam mê, nhưng đam mê chẳng hề phụ bạc cô tiểu thư gốc Hà thành. Ngược lại, nó còn mang đến cho cô niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời. Mồ hôi vì thế, cũng là vàng ròng đấy chứ!

Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm