18/02/2014 16:31 GMT+7 | Thể thao
Trong tôn chỉ của phong trào Olympic có đoạn: “Điều quan trọng nhất ở các kỳ Thế vận hội không phải là chiến thắng, mà là sự tham gia, giống như điều quan trọng nhất của cuộc đời không phải là thành đạt mà là đấu tranh. Điều quan trọng không phải là chinh phục, mà là tranh đấu hết mình”.
Ít có điều gì ngoạn mục và gây cảm xúc trong thể thao như việc chứng kiến các VĐV của nước mình diễu hành trong lễ khai mạc, dưới ngọn quốc kỳ vào ngày bắt đầu Olympic. Chúng ta sẽ được tận hưởng bầu không khí thể thao và lễ hội, được khâm phục những con người phi thường tìm cách phá các kỷ lục, để nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn.
Nhưng di sản của những kỳ Thế vận hội như thế là gì? Phải chăng Olympic đã trở nên quá đắt đỏ và tốn kém, trở thành một mục tiêu của tranh cãi chính trị và những toan tính bên ngoài thể thao?
Theo nguồn tin của báo chí phương Tây, Olympic mùa Đông Sochi 2014 đã tiêu tốn hơn 50 tỉ USD, khiến đây là kỳ Thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử, vượt qua mốc 44 tỉ USD chi ra cho Olympic Bắc Kinh (mùa hè) 2008, và tổng chi cho Olympic Sochi lớn hơn tổng số tiền chi cho 21 kỳ Thế vận hội mùa Đđông trước đó cộng lại. Lần gần nhất giải được tổ chức ở Vancouver, nước chủ nhà Canada, bỏ ra 8 tỉ USD.
Điều thứ nhất, những khoản chi phí như thế sẽ làm ngợp các nước nghèo và đặt ra tiền lệ không tốt, để rồi từ giờ về sau chỉ những quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất mới được làm chủ nhà Olympic. Cũng đã có quá nhiều tranh cãi bên ngoài thể thao được gợi lên liên quan tới kỳ Thế vận hội, khi mà chủ nhà Nga bị nghi ngờ và vặn vẹo đủ chuyện, từ chi phí tổ chức, an ninh, vấn đề người đồng tính..., mà các lập luận thường là gượng ép, mang đậm màu sắc chính trị hơn là xây dựng và đóng góp.
Phải chăng đã qua rồi những ngày Thế vận hội chỉ thuần túy là một dịp để những người giỏi nhất thi tài thể thao? Ngoài việc bị chính trị hóa, các kỳ Olympic cũng đã bị thương mại hóa, mà rõ ràng nhất là London 2012, khi người ta rao bán tất cả mọi thứ, từ thương hiệu quốc gia Anh cho tới những chiếc xâu chìa khóa.
Trở lại với vấn đề chi phí tổ chức Thế vận hội. Theo tạp chí Forbes, chỉ có 4 người trên cả hành tinh này có tài sản nhiều hơn 50 tỉ USD và có lẽ đã tới lúc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nên đặt ra một mức trần chi phí tổ chức Thế vận hội có các nước đăng cai, dù họ giàu có tới đâu. Nếu Nga hay Trung Quốc có thể chỉ chi 25 tỉ USD cho Olympic theo mức trần (vẫn là gấp ba lần Vancouver), thì phần tiền còn lại có thể được dành cho những mục đích khác, cũng tốt đẹp không kém.
Mọi người hâm một đều muốn xem một kỳ Olympic hoành tráng, muốn thấy các VĐV ở trong điều kiện tranh tài tốt nhất và muốn những điều tốt đẹp nhất cho những người nỗ lực nhất, nhưng liệu 17 ngày của một sự kiện thể thao có đáng cái giá đã bỏ ra?
Hải Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất