Hấp dẫn CĐV như Olympic Việt Nam

13/03/2015 06:13 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Hàng trăm CĐV TP.HCM đã chấp nhận bỏ 2 tiếng đồng hồ chỉ để xem thầy trò HLV Miura tập luyện trên SVĐ Thống Nhất chiều qua. Đội bóng còn non trẻ này vẫn nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn.

Dù không có trận đấu nào của giải nữ VĐQG 2015 như ngày tập đầu tiên của đội tuyển Olympic Việt Nam, nhưng vẫn có tới hàng trăm CĐV có mặt trên khán đài SVĐ Thống Nhất để xem thầy trò HLV Miura tập luyện.

Các CĐV tỏ ra hào hứng đến độ khi các cầu thủ tập dứt điểm dưới sân, không thiếu những tiếng ồ tiếc nuối hoặc vỗ tay reo mừng theo những cú sút của họ. Có lẽ đã rất lâu rồi, SVĐ Thống Nhất vốn hiu hắt khán giả giờ đây mới được trải nghiệm cảm giác thưởng thức bóng đá.

Điều khá ngạc nhiên là với những em nhỏ mà phóng viên có dịp tiếp xúc, khi hỏi tại sao các em lại đến sân và thần tượng bóng đá của các em là ai thì nhận được câu trả lời hết sức hồn nhiên: Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh hay Xuân Trường.

Không phải những cầu thủ ở giải Ngoại hạng Anh, hay Ronaldo, Messi ở La Liga hàng ngày các em được xem và nghe ra rả trên các phương tiện truyền thông, việc các em nhỏ thần tượng những cầu thủ trẻ trong nước và mong muốn làm được những điều như Công Phượng và các đồng đội đã làm thực sự là tin mừng với cả tương lai của nền bóng đá.

Bên ngoài SVĐ Thống Nhất chiều qua, có khá nhiều CĐV đến sân mua vé xem trận giao hữu sắp tới và vào sân xem thầy trò HLV Miura tập luyện. Các quầy vé tại SVĐ Thống Nhất không mở nhiều, nhưng so với cảnh tượng “cháy” vé ở giải U19 quốc tế hồi đầu năm 2014 thì không khí mua vé hôm qua không xôm bằng.

Dẫu vậy, các quầy vé này không hiểu vì sao lại đóng cửa khá sớm. Đó chính là cơ hội tốt cho dân phe vé có dịp hoạt động nhan nhản trước cửa SVĐ. Bất cứ ai đi ngang cũng nhận được sự chào mời và tất nhiên, lúc này giá vé được đẩy lên cao hơn giá gốc gấp 2 lần.

Vé khán đài A1, A2, A3 là những địa điểm đẹp nhất để dành cho các đối tác của VFF và nhà tài trợ chỉ có số lượng hạn chế (khoảng 2.000 vé) và phát hành theo mệnh giá 150.000 đồng hầu như không tìm được.

Thế nhưng, nếu người mua chấp nhận bỏ ra với giá cao hơn 3 lần, dân phe vé cũng sẵn sàng phục vụ. Vé khán đài A4, A5 và B có mức giá 100.000 đồng/vé được dân phe vé đẩy lên 200.000 đồng.

Với các CĐV đã có kinh nghiệm thưởng thức các trận đấu ở sân Thống Nhất, có lẽ không ai vội vã bỏ tiền ra để sở hữu những tấm vé chợ đen có giá chênh lệch so với giá gốc như thế. Những cơn sốt vé ảo như thế chỉ là sản phẩm được tạo ra từ thị trường chợ đen nhằm đánh vào tâm lý hiếu kỳ và lo sợ hết vé thật của những người yêu bóng đá chân chính. Nhưng nếu biết nhẫn nại, có lẽ không khó để các CĐV mua được một chiếc vé vào cổng với giá gốc khi đến sân sát giờ bóng lăn.

Tình yêu bóng đá cũng là một kênh kinh doanh của những kẻ vụ lợi. Trong kinh doanh, thị trường luôn đúng. Sản phẩm ở đây là Olympic Việt Nam đang tạo ra tâm lý hy vọng từ những CĐV nước nhà và việc bỏ ra vài trăm nghìn để sở hữu một chiếc vé vào cổng không là vấn đề.

Nhưng dù gì, các CĐV cũng nên tỉnh táo để không là miếng mồi cho dân phe vé. Dù TP.HCM hiện tại không có bóng đá đỉnh cao và rất lâu rồi người dân Sài thành không được sống trong bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt, nhưng 2 vạn ghế ngồi trên SVĐ Thống Nhất có lẽ dư sức phục vụ những người thật sự yêu bóng đá tại TP.HCM.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm