Chứng 'cuồng' sao, nhìn từ One Direction

06/04/2015 08:15 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Người hâm mộ khóc, thậm chí một số được cho là đã tự tử, vì nam ca sĩ Zayn Malik rời khỏi nhóm nhạc One Direction. Trong mắt họ, anh không chỉ là ngôi sao, mà còn như thần thánh.

Hành động tự tử kể trên do 6 fan nữ có độ tuổi từ 11 đến 15 tiến hành. Các em đã cùng nhau thực hiện hành vi dại dột này chỉ ít ngày sau khi Malik tuyên bố bỏ One Direction. Danh tính những người tự tử không được công bố.

Các fan khác không tự sát, nhưng thi nhau thể hiện cảm xúc, nhiều nhất là khóc. Hàng loạt người hâm mộ đã quay và đăng lên YouTube đoạn phim mình khóc lóc bên bức ảnh của Malik, để bày tỏ sự tiếc nuối.

Yêu sao dễ hơn yêu người bình thường

Bàn về hiện tượng cuồng ngôi sao nhân vụ "lùm xùm" của nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất thế giới này, trang Cosmopolitan đã hỏi ý kiến Robert Klitzman, giáo sư ngành tâm thần học của Đại học Colombia ở Mỹ. Klitzman đã phân tích tâm lý của một nhóm người đặc thù - các fan của One Direction - để đưa ra lý giải chung cho hiện tượng cuồng ngôi sao đang ngày một đa dạng qua góc nhìn truyền thông.

Theo Klitzman, vì đã xem, nghe và cảm nhận về One Direction nói chung, Zayn Malik nói riêng, trong một thời gian dài, nên người hâm mộ cảm thấy tình cảm gắn liền với Malik. Con người được lập trình thần kinh và tâm lý để có tình cảm với những gì họ có thể nhìn thấy, nghe, và giao tiếp. Với người nổi tiếng, họ có thể giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp và điều đó cũng làm nảy sinh tình cảm một cách tự nhiên.

“Chúng ta có thể yêu kem vani, yêu mẹ mình, yêu chồng hoặc vợ mình, và cũng có thể yêu một người nổi tiếng” – Kiltzman cho rằng những tình cảm đó khá tương đồng.

Đem lòng yêu một nghệ sĩ còn dễ dàng hơn yêu một người bình thường, bởi các nghệ sĩ thường chứa đựng những tố chất sau: quyến rũ, gợi cảm. Họ thường nói, hát hoặc diễn về tình yêu, cảm xúc. Khả năng tuyệt vời của một nghệ sĩ là truyền cảm. Khi biểu diễn, họ bộc lộ cảm xúc từ bên trong mình ra và để khán giả cảm thấy điều đó. Trong vai trò khán giả, chúng ta cảm nhận. Cùng với quá trình đó, người nghệ sĩ càng trở nên hấp dẫn trong mắt khán giả. Kết quả là mọi người thường có cảm xúc rất mạnh mẽ về những người nổi tiếng. Đối với một số cá nhân, người nổi tiếng giống như vị thần của họ.

Mất mát có thực, nhưng thể hiện thái quá

Có một khác biệt lớn nhất giữa tình yêu dành cho người nổi tiếng và những tình yêu còn lại của chúng ta. Đó là chúng ta thường không quen biết nhân vật nổi tiếng mà mình yêu, dù chúng ta có thể từng gặp họ ngoài đời.

Điều này khiến tình yêu còn mãnh liệt hơn, vì chúng ta không nhìn thấy những điểm xấu của người nổi tiếng. Nói cách khác, trong mắt chúng ta, họ luôn đẹp không tì vết.

Hôm 5/4, Zayn Malik bị MC truyền hình Bill Maher so sánh với Dzhokhar Tsarnaev, kẻ đánh bom cuộc đua marathon ở Boston (Mỹ) hồi năm 2013. Maher nói rằng cả hai có gương mặt, mái tóc xoăn giống nhau và đều là người Hồi giáo. Lập tức, hàng triệu người hâm mộ của One Direction và Malik đã lên Twitter chỉ trích Maher, cho rằng Malik đáng được tôn trọng.

Trong đó, có một người hâm mộ viết: “Zayn không phải kẻ khủng bố. Anh ấy là một vị thần Hy Lạp”. Một người khác viết: “Zayn là một thiên thần. Hành động của Bill Maher thật đáng ghê tởm”.

Cho dù các fan này có cường điệu hay không, không thể phủ nhận được văn hóa hâm mộ các nhóm nhạc thần tượng đã tạo ra tâm lý “coi thần tượng như thần thánh”.

Người cho “Zayn là thiên thần” đã dẫn chứng hành động ca sĩ này làm từ thiện ở châu Phi hay rơi nước mắt khi gặp một fan khiếm thị. Không phủ nhận đó là những hành động tích cực, những cử chỉ đẹp. Nhưng rõ ràng một người bình thường cũng có thể làm điều này, không nhất thiết phải là thần thánh.

Vì vậy, Kiltzman khuyến cáo dư luận rằng trong văn hóa hâm mộ, đôi khi mọi thứ bị cường điệu so với bản chất của nó. Người hâm mộ đăng ảnh hoặc đoạn phim cho thấy chính họ đang khóc lóc thảm thiết, nước mắt chảy trôi cả lớp mascara đen. Tại sao phải đau khổ một cách ồn ào như vậy?

Kiltzman phân tích: “Trên mạng, người ta tuyên bố những điều có thể họ không hề làm. Chẳng hạn, họ tuyên bố sẽ tuyệt thực một tuần vì đau khổ, nhưng ai chứng thực được điều đó. Có khi họ chỉ làm quá lên. Internet đánh lừa người ta theo nhiều cách”.

Mặc dù vậy, sự hâm mộ hay tình yêu sâu nặng vẫn khiến người ta đau khổ thực sự. Chẳng hạn, khi The Beatles tan rã hay khi Whitney Houston qua đời, không chỉ người hâm mộ họ mà khán giả yêu nhạc bình thường cũng cảm thấy mất mát. Trường hợp của Zayn Malik và One Direction cũng vậy. Việc một thành viên rời ban nhạc có thể xem như mất mát, nhưng sẽ là quá tiêu cực nếu vì thế mà người ta tự sát.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm