Có bằng chứng mới cho thấy chính quyền Libya thời Muammar Gaddafi đã đóng góp 50 triệu euro cho chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp của ông Nicolas Sarkozy năm 2007.Đây là một thông tin rất bất lợi cho tổng thống Pháp trước cuộc bầu cử vòng 2 chủ nhật tới.
Trang web điều tra Mediapart có trụ sở tại Paris hôm 28-4 đã công bố tài liệu “có tính xác thực cao” về mối quan hệ giữa ông Sarkozy và ông Gaddafi. Đó là một tài liệu bằng tiếng Ả Rập, do giám đốc tình báo Libya thời Gaddafi là Moussa Koussa ký năm 2006. Tài liệu nhắc đến “thỏa thuận trên nguyên tắc hỗ trợ cuộc tranh cử của ứng cử viên tổng thống Nicolas Sarkozy với số tiền 50 triệu euro (khoảng 66 triệu USD)”.
Theo CNN, các số liệu từ năm 2007 về cuộc bầu cử tổng thống cho thấy chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy nhận được 21,3 triệu euro (khoảng 28,2 triệu USD) tiền đóng góp. Từ trước đến nay, Pháp áp dụng luật kiểm soát tài chính đối với các cuộc vận động tranh cử rất gắt gao. Luật pháp Pháp cấm các chính trị gia nhận tiền tài trợ tranh cử từ nước ngoài.
Khó điều tra sớmTheo Mediapart, số tiền 50 triệu euro kể trên đã được chuyển thông qua các tài khoản dưới tên em gái của lãnh đạo đảng cầm quyền UMP Jean-FranÇois Cope ở Thụy Sĩ và Panama. Doanh nhân buôn vũ khí Ziad Takieddine, người đóng vai trò trung gian giữa các chính quyền Ả Rập và chính trị gia Pháp, dàn xếp thực hiện các cuộc chuyển tiền.
Tài liệu trên cũng đề cập một cuộc gặp diễn ra ngày 6-6-2006 giữa đồng minh thân cận với ông Sarkozy là Brice Hortefeux cùng Ziad Takieddine, giám đốc tình báo Libya và giám đốc quỹ đầu tư châu Phi tại Tripoli là Bashir Saleh. Ông Hortefeux, từng giữ chức bộ trưởng nội vụ trong những năm ông Sarkozy cầm quyền, bác bỏ chuyện từng gặp Moussa Koussa.
Ông Takieddine hiện đang bị điều tra về vai trò của mình trong việc gây quỹ tranh cử cho ứng cử viên tổng thống Pháp Edouard Balladur năm 1995. Khi đó ông Sarkozy là người phát ngôn cho chiến dịch này. Các nhà điều tra nghi ngờ rằng phe của ông Balladur đã thu tiền lại quả từ một thỏa thuận bán tàu ngầm cho Pakistan. Ông Sarkozy bác bỏ các cáo buộc liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Balladur năm 1995.
Theo Daily Mail, vì đang là nguyên thủ quốc gia, ông Sarkozy sẽ không bị truy tố khi vẫn còn tại vị nếu như cáo buộc trên là thật. Nhưng nếu ông thất bại trong cuộc bầu cử lần này, một cuộc điều tra toàn diện về gây quỹ tranh cử của ông có thể được tiến hành.
Đánh lạc hướng?Theo AFP, người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy là Nathalie Kosciusko-Morizet đã bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định đây là “màn đánh lạc hướng vụng về và nực cười” do những người ủng hộ ứng cử viên Đảng Xã hội FranÇois Hollande dàn dựng. Ông Hollande là đối thủ chính của ông Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, diễn ra ngày 6-5.
Bà Kosciusko-Morizet cho rằng phe của ông Hollande muốn đánh lạc hướng dư luận sau vụ cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn dính vào vụ bê bối tình dục với cô hầu phòng tại một khách sạn ở New York (Mỹ). Trong khi đó, ông Strauss-Kahn cũng gây ồn ào khi cáo buộc phe ông Sarkozy giật dây vụ bê bối ở New York để ngăn cản ông trở thành ứng cử viên tổng thống.
Các thành viên Đảng Xã hội gây sức ép buộc ông Sarkozy phải trả lời về các cáo buộc trên và yêu cầu cảnh sát mở cuộc điều tra. Trên thực tế, thông tin về việc chính quyền Libya tài trợ cho cuộc tranh cử của ông Sarkozy do chính con trai của cựu lãnh đạo Gaddafi là Saif al-Islam tiết lộ vào tháng 3-2011, không lâu sau khi Pháp cùng NATO can thiệp quân sự vào Libya. Và đến đúng thời điểm một tuần trước bầu cử vòng hai, giới truyền thông và Đảng Xã hội lại lôi ra để “dìm hàng” ông Sarkozy.
“Ông Sarkozy phải trả lại tiền ông ấy đã lấy của Libya để vận động tranh cử. Chúng tôi đã đóng góp, chúng tôi có tất cả bằng chứng và sẵn sàng tiết lộ tất cả” - Saif nói với kênh Euronews khi đó. Tháng 12-2007, ông Gaddafi đã có chuyến thăm đầy tranh cãi đến Pháp, không lâu sau khi ông Sarkozy thắng cử tổng thống. Cựu lãnh đạo Libya còn được phép dựng lều kiểu Ả Rập ngay cạnh điện Elysée. Vụ việc đã khiến dư luận Pháp phản ứng dữ dội.
Theo Tuổi trẻ