13/04/2022 05:10 GMT+7 | SEA Games 32
(giaidauscholar.com) - 19 năm sau kể từ SEA Games 22, Việt Nam lại là chủ nhà của một kỳ đại hội thể thao khu vực và mục tiêu đứng ở vị trí số 1 toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương tiếp tục được đặt ra. Dù vậy, sẽ có những kỳ vọng rất khác biệt về thành tích thi đấu ở 2 kỳ đại hội, theo phân tích của ông Nguyễn Hồng Minh - người từng đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 22.
Công tác tổ chức gặp nhiều thách thức
* Thưa ông Nguyễn Hồng Minh, SEA Games 31 chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận. Trong vai trò là Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 22 vào năm 2003 và nhiều năm công tác trong lĩnh vực TDTT, ông nhận thấy những điểm khác biệt gì về công tác tổ chức của Việt Nam ở 2 kỳ đại hội?
- Việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 thể hiện vai trò và trách nhiệm của TTVN đối với phong trào thể thao Đông Nam Á và kỳ đại hội này cũng diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự khác biệt so với năm 2003. Đất nước thời điểm này có tiềm lực mạnh mẽ hơn, phát triển hơn và vị thế của TTVN cũng khác trước rất nhiều.
Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn ở cấp châu lục, điển hình như Asian Indoor Games 2009, Asian Beach Games vào năm 2016, rồi rất nhiều các giải đấu cấp châu lục và thế giới. Riêng đối với SEA Games, đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai và cùng kinh nghiệm từ các sự kiện lớn nói trên, đem tới những thuận lợi nhất định.
* Để tổ chức thành công SEA Games 31, theo ông cần hội tụ những điều kiện như thế nào và việc triển khai công tác tổ chức kỳ đại hội lần này có sự khác biệt nào đáng kể?
- Để tổ chức một sự kiện thể thao có quy mô lớn như SEA Games, thì cần đáp ứng 4 điều kiện. Một là chuẩn bị cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ thi đấu. Hai là chuẩn bị lực lượng VĐV tham gia thi đấu để giành thành tích tốt. Ba là chuẩn bị đội ngũ điều hành để tổ chức thành công và cuối cùng là tạo cơ sở như biện pháp tích cực để nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước.
Việt Nam có những thuận lợi về hệ thống sân bãi, nhà thi đấu khá đa dạng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi đấu. Kinh nghiệm tổ chức, điều hành cũng đã hình thành trong nhiều năm qua. Đặc biệt, những địa phương tổ chức SEA Games 31 cũng đã từng tổ chức SEA Games 22 nên mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ hơn.
* Nhưng ngoài những thuận lợi, chắc hẳn sẽ có không ít thách thức trong bối cảnh hiện tại?
- Có những thuận lợi nhưng tôi cho rằng, còn rất nhiều thách thức đặt ra với các nhà tổ chức, bởi quỹ thời gian còn lại là không nhiều và phải chạy đua với thời gian. Tôi chỉ nêu một ví dụ như việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ thi đấu. Theo luật thi đấu quốc tế thì trang thiết bị, dụng cụ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và việc mua sắm, lắp đặt trang thiết bị đến lúc này ở một số môn vẫn chưa hoàn thành trong khi thời gian không còn nhiều.
Ngoài ra, đối với SEA Games, ngoài việc tổ chức thi đấu thành công, việc chuẩn bị cho lễ khai mạc cũng đặc biệt quan trọng. SEA Games 22, chúng ta có 5-6 tháng để tập dượt mới đem tới một lễ khai mạc để lại nhiều ấn tượng và trở lại với SEA Games 31, rõ ràng, sự chuẩn bị cho lễ khai mạc đang gặp áp lực rất lớn về thời gian. Chưa kể những công tác khác về lễ tân, khánh tiết, giao thông, hậu cần, tình nguyện viên… cũng phải triển khai rất đồng bộ trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa.
Nâng cao chất lượng thành tích thi đấu
* SEA Games 22 được coi là bệ phóng để TTVN bắt đầu hành trình vươn tầm trở thành 1 trong 3 quốc gia dẫn đầu về thể thao trong khu vực. Kể từ đó đến nay, TTVN đã có vị trí vững chắc trong tốp 3 và ông nhận thấy sự chuẩn bị lực lượng VĐV cho kỳ đại hội này như thế nào?
- Để chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 22, ngay từ năm 1997, TTVN đã xây dựng một chương trình thể thao quốc gia để có VĐV thi đấu. Khoảng 2.000 VĐV được huấn luyện, đào tạo theo nhiều hình thức khác nhau để chọn lọc ra gần 1.000 VĐV thi đấu 32 môn tại SEA Games 22 và giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng huy chương.
Sau 20 năm, công tác chuẩn bị lực lượng VĐV của TTVN đã thành nề nếp, khi chúng ta có lực lượng VĐV chuyên nghiệp, có một số ngôi sao đạt tới trình độ châu lục và thế giới. Về tổng thể, lúc này, TTVN có đầy đủ VĐV để tham gia SEA Games 31 với số môn thể thao đa dạng hơn và có thêm nhiều hi vọng tranh chấp huy chương trong các cuộc thi đấu.
* TTVN đặt mục tiêu đứng ở vị trí số 1 toàn đoàn tại SEA Games 31 với việc giành khoảng 140 HCV trong cuộc thi đấu ở 526 nội dung của 40 môn thể thao. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
- Việc đặt mục tiêu đứng ở vị trí số 1 toàn đoàn là phù hợp trong thời điểm hiện tại. TTVN tham gia SEA Games 31 với lực lượng rất hùng hậu, dự kiến với 965 VĐV (534 nam, 431 nữ) và tham gia thi đấu ở cả 40 môn trong chương trình. Việc tham dự với số lượng VĐV đông đảo và thi đấu trên sân nhà là lợi thế để đoàn TTVN hoàn thành nhiệm vụ này.
Theo dự báo của tôi, TTVN sẽ có trên 50% số lượng HCV đến từ các môn Olympic và ASIAD khi giờ đây lực lượng của TTVN có nhiều VĐV xuất sắc. Số HCV còn lại sẽ đến từ các môn võ và môn thể thao của Đông Nam Á. So sánh với các kỳ đại hội gần đây, cơ cấu số lượng HCV giành được là tương đồng nhưng thời điểm này, những đòi hỏi về “chất” ở các tấm huy chương sẽ cao hơn.
* Sự đòi hỏi như ông nói cụ thể là gì?
- Cần nhớ rằng, ngay sau SEA Games 31 là ASIAD 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 và đây là đấu trường mà TTVN phải đặt nhiều hơn quyết tâm chinh phục hay nói cách khác là phấn đấu giành thành tích cao hơn. Sẽ thực sự là vấn đề nếu như TTVN dồn toàn lực cho SEA Games mà thiếu đi sự quan tâm, đầu tư để giành thành tích tốt ở ASIAD. Trong các cuộc thi đấu ở SEA Games, nếu VĐV Việt Nam giành được HCV mà thành tích tiệm cận được với ASIAD và Olympic thì rất là tuyệt vời.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, TTVN phải nỗ lực để đứng ở vị trí thứ nhất tại SEA Games 31 và đồng thời đặt ra yêu cầu về thành tích của các VĐV ở nhóm các môn ASIAD và Olympic. Đây là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng thành tích trong thi đấu. Ở nhiều nền thao khác ngay trong khu vực, họ cũng đã phải tính toán tới việc tập trung và lựa chọn cho đấu trường nào làm trọng tâm và ưu tiên nguồn lực để chinh phục để giành thành tích ở đấu trường đó.
Trở lại với kỳ SEA Games tới, cá nhân tôi cũng rất mong muốn, TTVN sẽ thành công trong vai trò tổ chức, lẫn giành được thành tích cao trong các cuộc thi đấu để nâng cao vị thế trên trường quốc tế, đồng thời, làm điểm tựa tâm lý để chinh phục các đấu trường cao hơn. Tôi chia sẻ với những khó khăn trong suốt quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội với những người làm công tác thể thao trong thời gian qua và mong muốn sẽ được chứng kiến một kỳ SEA Games thành công với những dấu ấn đặc biệt mà TTVN mang tới.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Vũ Lê (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất