Tiêu cực trong bóng đá Việt Nam: Sống trong sợ hãi

30/07/2014 16:25 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Khi cơ quan an ninh thông báo sẽ mở rộng điều tra các nghi án tiêu cực trong bóng đá, thay vì khoanh vùng theo dạng án điểm, hẳn không ít người đã và đang tim đập chân run.

Theo chia sẻ của những người làm bóng đá như Trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, huấn luyện viên trưởng V.Ninh Bình Nguyễn Văn Sỹ..., có thể vấn nạn tiêu cực không chỉ dừng lại trong nội bộ các cầu thủ.

Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi sẽ đề cập đến một khía cạnh khác có liên quan, trong đó phải kể đến cung cách điều hành bóng đá cấp CLB. Một phần nguyên nhân dẫn đến việc cầu thủ “bán mình cho quỷ” có lẽ cũng xuất phát từ đây.

Áo mặc một lần...

Sau khi đã “chọn” suất chơi “play-off” (với đối thủ xếp thứ 3 ở giải hạng Nhất 2014 là XSKT.Cần Thơ), lãnh đạo CLB HV.An Giang quyết định thanh lý với nhóm cầu thủ người thập phương bao gồm: Phạm Ngọc Quốc, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Minh Tùng và Nguyễn Minh Nhựt. “GĐĐH và HLV nói với chúng tôi rằng, do chúng tôi chơi thiếu nhiệt tình ở mùa giải vừa qua, nên quyết định thanh lý hợp đồng”, một trong số những người này cho biết.

Ngoài thủ thành Nguyễn Minh Nhựt, 3/4 các cái tên vừa nhắc ở trên đều chơi trong đội hình chính của HV.An Giang trước khi bị “ra đường”. Câu hỏi đặt ra là nếu biết họ “không nhiệt tình và hết mình” với đội bóng, tại sao lãnh đạo cũng như HLV trưởng vẫn tiếp tục tin dùng?! Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hoá, hiện HV.An Giang vẫn còn nợ lương, thưởng, tiền ăn và tiền “lót tay” lên đến cả tỷ đồng (cho 4 người này). Đây chính là mấu chốt của vấn đề.

Cụ thể, tiền thưởng cho 2 trận hoà HA.GL và Hải Phòng, tiền ăn trong 3 tháng gần nhất, tiền lương tháng 7 và tháng 8 vẫn chưa được thanh toán. Ngoài ra, HV.An Giang hiện vẫn đang thiếu Nguyễn Công Thành 380 triệu đồng, Nguyễn Minh Nhựt 380 triệu đồng, Phạm Ngọc Quốc 190 triệu đồng và Minh Tùng 80 triệu đồng tiền “lót tay” (phí chuyển nhượng cho các bản hợp đồng ký 1 năm). “Cứ về đi, khi nào có tiền chúng tôi sẽ chuyển vào tài khoản”, thông báo cuối cùng mà họ nhận được.

Khỏi phải nói, nhóm cầu thủ HV.An Giang rất bất bình với cách trả lời của lãnh đạo CLB. Phải chăng, “vắt chanh bỏ vỏ” đang là trào lưu mới và cầu thủ hẳn đã có đủ lý do để “làm liều”, ví như việc dàn xếp tỷ số chẳng hạn?!

Và chuyên nghiệp kiểu Việt Nam

Trên thực tế, chuyện đội bóng thiếu lương, thưởng và cả tiền lót tay cầu thủ... trở nên quá đỗi bình thường trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính diện rộng vẫn tiếp tục đè lên địa hạt bóng đá. Mới đây, người của V.Ninh Bình cũng thông báo là họ mới chỉ nhận được tiền lương cho đến tháng 3/2014, trong khi vẫn tiếp tục phải nai lưng ra tập để chuẩn bị cho các trận đấu ở vòng tứ kết AFC Cup 2014. Song, cái cách giải quyết vấn đề mới là điều đáng bàn.

Năm ngoái, vụ K.Kiên Giang, rồi mấy vụ nữa..., cũng khá ầm ĩ, rồi “xong xuôi tất cả lại về”. Giờ đến lượt người láng giềng HV.An Giang cũng hành xử theo cách tương tự: Thanh lý hợp đồng trước thời hạn để không phải trả nốt số dư nợ cũ. “Theo tôi được biết, trong tuần này sẽ có thêm 4, 5 đồng đội nữa phải ra đường. HV.An Giang sẽ chỉ giữ lại 14 cầu thủ người bản địa và 3 cầu thủ ngoại quốc cho trận tranh vé vớt với XSKT.Cần Thơ”, vẫn lời cầu thủ nọ.

“Vô phúc đáo tụng đình”, song trong tình huống bất đắc dĩ, nhóm cầu thủ HV.An Giang cho biết sẵn sàng xách trát ra hầu toà. Chỉ có điều, ai dám chắc rằng năm sau, cái tên HV.An Giang còn tồn tại trên bản đồ bóng đá Việt Nam?! Các bài học như K.Kiên Giang, N.Sài Gòn, XMXT.Sài Gòn..., vẫn còn chưa ráo mực. Thiệt thòi vẫn luôn thuộc về người làm thuê, ở đây là đội ngũ cầu thủ. Song cách mà các CLB, địa phương và các ông chủ điều hành bóng đá như thế, mới thực sự đáng lo ngại.

Đã có quá ít những định hướng, cam kết và cả giúp sức khi cần, từ cơ quan điều hành nền bóng đá (VFF) và BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (VPF). Bao năm qua, bóng đá Việt Nam cấp CLB vẫn là chuyện “đèn nhà ai nấy sáng”.


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm