29/07/2016 05:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Đại diện các đội bóng tham dự Toyota V-League 2016 khi được Thể thao & Văn hóa hỏi ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ với việc VPF tổ chức đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm từ những nền bóng đá tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới là Đức.
Ông Lê Hồng Cường (TGĐ CTCP thể thao – bóng đá Bình Dương)
Chúng tôi học hỏi được khá nhiều điều bổ ích từ những chuyến đi Nhật Bản và Hàn Quốc vừa rồi. Chẳng hạn như mùa giải vừa qua đi Hàn Quốc, tôi đã học được cách làm quảng cáo trên sân. Mọi năm CLB không có 6 cái bảng quảng cáo ở khán đài A thì năm nay chúng tôi đã bổ sung. Đó cũng là cách để tăng nguồn thu cho CLB mà lâu nay chúng tôi đã bỏ qua.
Việc bóng đá Việt Nam vừa có GĐKT lẫn HLV thể lực người Đức thì chuyện các CLB Việt Nam năm nay sang Đức học tập theo tôi nghĩ là hợp lý. Người Đức có cách làm bóng đá nổi tiếng khoa học, hàng đầu thế giới, từ chiến thuật đến thể lực đều tốt thì cả thế giới phải học chứ không riêng gì chúng ta.
Đi học không có nghĩa là bê nguyên mô hình hoạt động của người ta về làm ở nước mình, CLB mình mà phải có chọn lọc, phù hợp với tình hình thực tế. Đi Đức lúc này có thể tranh thủ được sự giúp đỡ của nước bạn khi chúng ta đang thuê người của họ về làm việc ở đất nước mình.
Tôi nghĩ ý kiến của dư luận bao giờ cũng có tính 2 mặt. Tất nhiên là sẽ có điểm được và chưa được sau mỗi chuyến đi. Điều đó thì chúng ta phải ngồi lại với nhau sau mỗi năm, bàn thảo xem rút được kinh nghiệm gì sau một năm học hỏi mô hình tổ chức trên đất bạn. Tôi cơ bản ủng hộ chuyến đi này vì suy cho cùng kinh phí cũng là từ nguồn các CLB bỏ ra cả.
Ông Đặng Xuân Huy (Chủ tịch CLB Đồng Tháp)
Theo tôi nghĩ đề nghị của VPF là phù hợp, nhưng nếu CLB nào không có nhu cầu đi thì trừ tiền ra trả cho họ. Còn CLB Đồng Tháp thì đồng ý với cách này. Tôi cho rằng, việc đi học tập ở các nước bạn là rất hay, ít nhiều chúng ta cũng học tập được từ quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới.
Có thể về chất lượng chuyên môn, chất lượng cầu thủ chúng ta chưa thể so sánh được với các nước mà chúng ta đi học như Hàn Quốc hay Nhật Bản và sắp tới là Đức nhưng cách họ tổ chức giải đấu và mô hình CLB chuyên nghiệp thì phải học.
Vừa qua, các CLB ở V-League cũng đã có ít nhiều về sự thay đổi tích cực như công tác truyền thông của CLB, rồi việc tặng quà, tạo sức hút cho khán giả đến sân... Sau chuyến đi Hàn Quốc hồi đầu mùa giải này trở về thì tôi cũng đã áp dụng cho Đồng Tháp.
Tôi thấy hiệu quả đã tăng rõ rệt so với những mùa giải trước. Hiện tại thì CLB Đồng Tháp vẫn chưa có quyết định sẽ đi Đức hay không, vì tôi còn phải họp lại với ban lãnh đạo, bản thân tôi không tự đưa ra quyết định được. Tất nhiên mọi thứ sẽ được minh bạch với những người khác, CLB tính toán kế hoạch tài chính chi tiết cho chuyến đi rồi mới trả lời VPF.
Ông Võ Thành Nhiệm (GĐĐH CLB Long An)
Đi học mô hình tổ chức CLB, giải đấu chuyên nghiệp ở các nước có nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam thì không bao giờ thừa. Long An cũng đang tổ chức mô hình CLB chuyên nghiệp như cách thức người Nhật đang làm, đó là nhiều nhà tài trợ cùng gánh vác nuôi đội bóng địa phương.
Bóng đá Việt Nam yếu hơn họ thì không có nghĩa chúng ta tự ti, không học hỏi họ. Họ 10, mình đi học được 1 thì cũng hay lắm rồi. Hiện tại công việc của chúng tôi rất bận rộn và sẽ họp bàn để cử xem ai đi, Chủ tịch CLB hoặc GĐĐH hoặc Trưởng đoàn sẽ đi.
Ông Trần Minh Tâm (Chủ tịch CLB XSKT Cần Thơ)
Chúng tôi đồng ý theo đề xuất của VPF. Việc học tập kinh nghiệm từ các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới là rất cần thiết. Việt Nam xuất phát sau nên việc học tập thế này là rất bổ ích, có thể tránh những sai lầm từ bài học của các nước đi trước.
Trước đây chúng tôi đã đi thăm mô hình tổ chức CLB và giải đấu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đã áp dụng được cho CLB, hiệu quả cũng đã thấy rõ ràng.
Qua các chuyến đi học được rất nhiều thứ, nhưng tuỳ theo điều kiện cụ thể mà áp dụng vào tình hình CLB hiện tại.
Chúng tôi đã học hỏi được cách xây dựng mối quan hệ công chúng giữa CLB, đội bóng với CĐV, với người dân, với chính quyền địa phương, với các nhà tài trợ, công tác tổ chức trước, trong và sau trận đấu, tìm hiểu hệ thống đào tạo trẻ cấp CLB, cấp Liên đoàn.
Vấn đề quan trọng là lãnh đạo các CLB trong nước qua nghe nhìn tại các CLB nước ngoài có thể soi rọi tại CLB mình và có những trao đổi với nhau, từ đó rút ra xem mình học được gì, có thể áp dụng gì cho CLB của mình.
Ông Bùi Xuân Hòa (Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng)
Chuyện VPF đề nghị sang Đức học tập bằng cách trừ tiền hỗ trợ cho CLB là bình thường vì đó là khoản tiền hỗ trợ hằng năm và năm nào cũng vậy cả. Đó là tiền thưởng cho CLB.
Nên nhớ, đó là hình thức tự nguyện, tức CLB nào muốn thì đi, không thì thôi chứ không bắt buộc. Riêng với SHB Đà Nẵng, chúng tôi vẫn cần thời gian để đưa ra quyết định bởi hiện tại vẫn còn quá sớm nhưng chuyện đi học thì tốt thôi, quan trọng lãnh đạo có cho đi hay không chứ đi thì quá tốt rồi.
Không nhiều thì ít học tập được những cái hay ở họ. Trước đây, tôi cũng đã đi Nhật, Hàn Quốc và học rất nhiều, mở mang đầu óc. Nhất là ở chuyến đi Nhật, riêng bản thân thu lượm được nhiều thứ. Đó là cách thức tổ chức trận đấu, tổ chức CLB, cách kiếm tiền,…
Việc đi học là rất tốt và quan trọng là đội bóng thực hiện, áp dụng được chừng nào mà thôi. Còn chuyện học ở nhiều nước thì không có gì vô lý cả. Nền bóng đá châu Âu thì chất lượng hơn mình nhiều rồi.
Không nên cứ luẩn quẩn trong nước. Nếu cứ luẩn quẩn thì sao phát triển được. Tôi cũng biết mọi người thường suy nghĩ đây là cuộc đi chơi, không học được gì đâu. Nhưng nói thế là không phải. Học được hay không là tùy ở mình còn chắc chắn sẽ học được nhiều rồi.
Nam Giao – Việt Hà – Quốc Tài
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất