Thầy lang cho các tỉ phú

26/09/2010 07:07 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Với bóng đá Việt Nam, trên khía cạnh y học, dường như không có khái niệm cấp cứu và tiến bộ. Hoặc có, thì từ khi bắt mạch cho tới lúc bốc thuốc, động dao kéo, mà làm khẩn trương cũng mất vài tháng.

1. Văn Quyến cuối cùng cũng được lên đường đi mổ cổ chân ở Singapore (chi phí chủ yếu là có người hảo tâm tài trợ). Từ lúc cầu thủ người Nghệ An nhăn mặt ôm cổ chân ngã xuống sân tập Mỹ Đình cho tới lúc lên máy bay là 14 ngày.

Còn từ lúc Văn Quyến có vấn đề với cái cổ chân ấy cho tới khi được phát hiện là bao nhiêu lâu? Quyến không biết. SLNA không biết. Có lẽ không ai biết. Chỉ có một điều chắc chắn là nó sắp trở thành mãn tính, và như thế, dám khẳng định là chấn thương ấy có từ khá lâu rồi.

Văn Quyến vẫn còn may mắn hơn rất nhiều cầu thủ khác. Một đàn em của Quyến ở CLB SLNA, là Công Minh, kể từ khi chấn thương xảy ra, phát hiện, rồi được mổ, kéo dài tới hơn nửa năm.


May cho Messi là anh không sinh ra và không chơi bóng ở V-League. Nếu không, chưa chắc Messi được khẳng định là sẽ quay trở lại sân cỏ sau 10 ngày kể từ khi anh là nạn nhân của pha đạp thô bạo của Tomas Ujfalusi.


Quy trình khám chấn thương của Messi như sau: chiều tối Chủ nhật anh rời sân trên cáng. Ngay trong đêm, Messi được sơ cứu. Sáng hôm sau, Messi được xác định rõ ràng chấn thương tại Bệnh viện Barcelona và nghỉ 10 ngày. Nếu điều xấu xảy ra, Messi vỡ mắt cá chân, hoặc gãy xương, có lẽ anh sẽ được mổ ngay buổi chiều thứ Hai và chờ bình phục. Tức là có vắt qua 1 đêm, thì nó cũng chỉ kéo dài khoảng 14 tiếng.



Y tế cho BĐVN thô sơ từ cái cáng trở đi

2. Ở Khánh Hòa, mỗi khi Quang Hải bị đau sau các pha va chạm trên sân, anh cũng được chăm sóc, xịt thuốc tê, chườm đá. Nhưng “bác sĩ” chăm sóc cho anh lại là Nguyễn Tí, một trợ lý chuyên môn, đi lên từ cầu thủ.

Cứ cho là Quang Hải sẽ về Navibank.SG với giá 10 tỉ đồng, thì rõ ràng, tỉ phú tiền Việt này được chăm sóc về mặt y tế bởi một ông thầy lang thiếu bằng cấp, không sử dụng thuốc Đông y mà lại mạnh dạn kê thuốc Tây.


Ở V-League, ngoài Khánh Hòa, còn có khá nhiều CLB không có một bác sĩ thể thao thực thụ hoặc các cầu thủ không được chăm sóc bởi những bác sĩ giỏi. Navibank.SG, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Ninh Bình, SLNA… Phước Tứ ở mùa vừa rồi bị chấn thương cơ đùi, CLB không chẩn đoán chính xác, và sau khi bệnh viện thể thao cũng nhầm, Tứ đành phải nhờ bác sĩ ở Nhổn mới có lộ trình bình phục.


3. Các CLB hầu hết đều có ngân sách hàng chục tỉ đồng/năm. Họ đều thưởng vài trăm, thậm chí cả tỉ đồng cho một chiến thắng. Khá nhiều CLB bỏ hàng chục tỉ đồng để mua cầu thủ trước mùa giải. Thế thì tại sao công tác y học lại trì trệ?


Thiếu bác sĩ giỏi chuyên về thể thao không phải vấn đề, vì 3 năm trước HP.HN đã từng thuê được bác sĩ ngoại phục vụ đội bóng. Có một vài CLB đi lên từ bao cấp, vẫn giữ thói quen “bỏ ra cả triệu đồng đi nhậu, nhưng lại tiếc 500.000 khám bệnh tổng quát 2 lần/năm”. Nhưng với các CLB doanh nghiệp, có những ông chủ cấp tiến, vẫn ra nước ngoài khám chữa bệnh, lại vẫn dùng thầy lang chữa bệnh cho các cầu thủ mà ông ta (doanh nghiệp) bỏ ra cả tỉ đồng để mua về thì sao? Nếu không phải là mục tiêu của ông ta là chỉ làm bóng đá trong vài năm và việc sử dụng cầu thủ như thế cũng chỉ trong giai đoạn với các mục tiêu ngắn, thì là lý do gì?


Nói một cách hài hước, bóng đá Việt Nam có lẽ không cần trưởng ban y học, chỉ cần vị Táo y tế, một người biết tổng kết và rút tỉa những điều được và chưa được, chứ không có trách nhiệm gì cả.


Vũ Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm