CĐV: Tiền đạo của một nền bóng đá

29/04/2013 18:50 GMT+7 | V-League

(giaidauscholar.com) - Các khán đài V-League bỗng nhiên đông đúc trở lại một cách bất ngờ khi mà mùa giải 2013 được tiên đoán là đầy trắc trở với những người làm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng liệu những hy vọng về một nền bóng đá rốt cuộc cũng trở lại với cội rễ của nó: khán giả, có được dài lâu?

Sự kiện các cổ động viên kéo đến sân trong các trận đấu ở V-League ngày một đông được xem như một hiện tượng lạ, 10 năm mới có một lần. Người trong cuộc kỳ vọng rằng, từ hiện tượng, nó sẽ phát triển thành bản chất. Tuy nhiên, để có được điều này, bóng đá Việt Nam cần một cuộc cách mạng về tư duy, cũng như cung cách làm bóng đá. Khó, nhưng không phải không thể.

Cổ động viên là tiền đạo

Cùng với truyền thông, cổ động viên được ví như một trong hai tiền đạo theo sơ đồ 4-4-2 quen thuộc của bóng đá. Đây là mô hình chuẩn mà Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã và đang áp dụng, đồng thời truyền bá nó cho hầu hết các liên đoàn thành viên. Chiến lược này đã được du nhập về Việt Nam từ cách đây nhiều năm, nhưng tiếc rằng, qua đợt khảo sát mới đây nhất, không một câu lạc bộ Việt Nam nào đạt chuẩn. 



CĐV SLNA cuồng nhiệt bậc nhất V-League. Ảnh: V.S.I

Cứ thiếu trước, hụt sau, từ sân bãi đến hệ thống đào tạo, trong đó vai trò của một trong hai “tiền đạo” là cổ động viên chưa thực sự được xem trọng.Khi bóng đá được phát triển từ một trò chơi, đến môn thể thao vị thành tích, rồi trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền, thì truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ở các nền bóng đá phát triển, cũng như các giải đấu hàng đầu như Champions League, Euro hay World Cup, quyền lợi lớn nhất của các đội bóng thu về là tiền bản quyền truyền hình, chứ không chỉ là những gói tài trợ mà họ ký với các đối tác. Và để truyền hình, hay truyền thông, chịu bỏ tiền mua các trận đấu, khán giả là một trong những điều kiện tối quan trọng.

Chỉ khi khán giả kéo đến sân, đội bóng, rộng hơn là ban tổ chức trận đấu và giải đấu, mới bán được quảng cáo, mới hy vọng ký được các hợp đồng tài trợ và được truyền hình… Mối quan hệ tương hỗ giữa truyền thông và khán giả là rất rõ ràng. Và cũng tựa như sơ đồ bóng đá 4-4-2 cổ điển vẫn còn rất thịnh cho đến ngày nay, họ chính là cặp tiền đạo lý tưởng nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu, vai trò của “cặp tiền đạo” này cũng được ý thức đầy đủ. Cụ thể tại Việt Nam, khi phần lớn người xem đá bóng chưa có thói quen bỏ tiền xem truyền hình.

Với giải đấu hàng đầu như V-League đã vắt qua 13 năm tuổi, nhưng có quá ít các sản phẩm có thể bán được. Thậm chí có giai đoạn, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải gõ cửa nhà đài, để hy vọng họ sẽ truyền hình một vài trận đấu. Cũng tựa như thế, các hội cổ động viên hoạt động khá riêng lẻ và tự phát là chính, chứ chưa đi vào quy củ. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản, chúng ta chưa có sự đồng bộ trong chiến lược phát triển nền bóng đá chuyên nghiệp về lâu dài. Hệ lụy của cung cách làm bóng đá, khi một thời gian dài, các câu lạc bộ được khoán trắng cho các ông bầu.

Và cuộc cách mạng cái đầu

Ở Việt Nam, nếu có một cái đầu cấp tiến khi kết hợp bóng đá với doanh nghiệp, đó phải là ông Đoàn Nguyên Đức, chủ nhân câu lạc bộ và tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với hẳn một đội bóng chơi V-League suốt 10 năm nay và thành công. Ngay khi HA.GL hết thịnh, bầu Đức vẫn dõng dạc tuyên bố, kể từ khi đầu tư vào bóng đá, doanh thu của Tập đoàn HA.GL tăng chóng mặt. Cho đến bây giờ, hiệu quả kinh doanh mà bóng đá đem lại cho HA.GL là rất khó cân đo đong đếm. Nhờ bóng đá, mà các thương hiệu sản phẩm của HA.GL được biết đến nhiều hơn.

“Tôi không cần quan tâm báo chí viết xấu hay tốt về đội bóng của tôi, chỉ cần các thương hiệu HA.GL xuất hiện với tần suất đều đặn trên mặt báo, trên truyền hình là chúng tôi có lời”, bầu Đức từng phát biểu như thế, trong một phút cao hứng. Khác với phần lớn các ông bầu bóng đá nội, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức xác định rõ, ông không chơi bóng đá, mà là kinh doanh bóng đá. Việc đầu tư quảng cáo thương hiệu HA.GL trên sân Emirates của đội bóng Anh nổi tiếng Arsenal, cũng như việc phối hợp với đối tác khổng lồ Anh quốc mở học viện bóng đá trẻ, là những ví dụ.

Ông Đức đã ý thức và trao vai trò quan trọng bậc nhất cho tiền đạo truyền thông, tuy nhiên, người đá cặp còn lại trên hàng công: đội ngũ CĐV, khó thể nói là HA.GL của ông đã làm tốt. Ở “tiểu Emirates” Pleiku, khán đài vẫn còn rất nhiều chỗ trống, khi HA.GL chơi các trận đấu trên sân nhà. Sự thật bắt đầu từ những thất vọng với đội bóng, sau ngót 10 năm đội bóng phố núi vắng bóng trên bục nhận danh hiệu. Người của “Gỗ”, thuộc cấp của bầu Đức, biết rõ điều này và họ vẫn đang cố gắng từng ngày trong việc nâng tầm chất lượng đội bóng.

Trong hầu hết mọi địa hạt của xã hội, thành công bắt đầu từ ý tưởng, sự khả thi của kế hoạch và chiến lược thực hiện nó. HA.GL của bầu Đức có thể chưa mỹ mãn, nhưng bước đầu, ý thức hệ như thế được xem là khá cấp tiến. Trái lại ở hầu hết các câu lạc bộ tại Việt Nam, dù nguồn lực cổ động viên - khán giả là rất tiềm năng, nhưng họ lại không tận dụng được, hay ít nhất cũng chưa ý thức đúng vai trò của tiền đạo thứ hai này. Những nhà quản lý bóng đá đã chỉ ra rằng, chỉ khi nào lấy khán giả làm trọng tâm cho sự phát triển, bóng đá mới hy vọng có đất sống.

Vĩ thanh

Cảm giác được thi đấu trên các khán đài “động” rất sướng, nên nói khán giả là cầu thủ thứ 12, kể cũng không ngoa chút nào. Đấy là khi đội bóng được tựa lưng vào khán giả, để chiến đấu và chiến thắng. Sức bật và sự phản kháng vì thế rất dữ dội. Trong rất nhiều những thời khắc khó khăn nhất, cổ động viên trung thành là liều thuốc thần duy trì sự sống cho đội bóng. Từ giải Ngoại hạng Anh, đến giải vô địch Đức, từ Old Trafford, đến Bay Arena và chảo lửa Vinh (Nghệ An) hay Lạch Tray (Hải Phòng), sức sống trên khán đài giữ vai trò tối quan trọng.

Trong tương lai gần, muốn V-League phát triển, mô hình SLNA phải được nhân rộng nhiều hơn nữa. Thành công của bóng đá đến từ khe cửa cổng soát vé của sân vận động. Quy luật bất biến và cả thế giới đã làm rồi, chúng ta, thay đổi hay là không gì cả?!

“Tôi không sinh ra ở mảnh đất này và có thể, tôi cũng sẽ không gắn bó với Xi Măng Vicem Hải Phòng cho đến hết sự nghiệp, nhưng cổ động viên đất Cảng chắc chắn đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Chỉ chơi bóng ở Lạch Tray, với những khán đài chật ních và hừng hực không khí cổ động, tôi mới hiểu thế nào là bóng đá chuyên nghiệp. Tôi đảm bảo rằng, sẽ không một ai phải hối tiếc điều gì cả, nếu một lần được thi triển ở Lạch Tray. Các cổ động viên ở đây thật tuyệt vời”, tiền đạo đội tuyển quốc gia và XMV.HP, Nguyễn Quang Hải.



Trần Hải
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm