18/10/2015 10:51 GMT+7 | Âm nhạc
(giaidauscholar.com) - Cách đây một thập niên, tháng 11/2005, chương trình Toyota Classics lần thứ 9 đã đón chào sự xuất hiện của Nhà hát Nhạc kịch Budapest (Hungary) và nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn. Chương trình đã gây tiếng vang rất lớn. Ngày 22/10 tới đây, Nhà hát Nhạc kịch Budapest sẽ trở lại Hà Nội trong một đêm nhạc đẳng cấp.
Siêu nhãn hiệu
10 năm trước, khi Nhà hát Nhạc kịch Budapest cùng Đặng Thái Sơn thực hiện chuyến lưu diễn Toyota Classics 2005 tại một số thành phố lớn của châu Á, tại Hà Nội đã gây nên cơn sốt vé hiếm hoi cho giới công chúng kinh viện tại thủ đô. Vé chợ đen lúc ấy đã lên đến cả triệu đồng.
Đêm đó tại Nhà hát Lớn, dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng István Sislló, hơn 50 nghệ sĩ trong đó có những danh ca như Zsuzsa Kalocsai, Zoltán Nyari, Monika Fischl hay Dániel Vadasz cùng một kịch mục phong phú, đa dạng đã cống hiến cho người yêu nhạc Việt Nam một đêm diễn tuyệt vời. Đặng Thái Sơn cũng đã chơi xuất thần trong phần trình diễn tác phẩm của Grieg.
Chương trình đã làm nên “sự kiện” Đặng Thái Sơn và Nhà hát nhạc kịch Budapest. Toyota Classics lần thứ 9 góp phần đưa Đặng Thái Sơn vào một trong 11 gương mặt châu Á nổi bật trên các phương tiện truyền thông của châu lục do báo The Nation (Thái Lan) bình chọn trong năm 2005.
Đó cũng là lần đầu tiên công chúng Việt Nam được thưởng thức tài nghệ của một siêu dàn nhạc nổi tiếng của châu Âu, nhiều năm liền nhà hát này được trao tặng danh hiệu “superbrand” (siêu nhãn hiệu), một bảo chứng thượng thừa về chất lượng.
Nhà hát Nhạc kịch Budapest là một trong những nhà hát lâu đời và thành công nhất của thủ đô Budapest, Hungary. Năm 1923, thành phố Budapest quyết định thành lập Nhà hát Operetta Metropolitan dành riêng cho thể loại operetta (operetta bao gồm những vở opera ngắn, có quy mô nhỏ với những đoạn thoại nói, ca khúc và vũ điệu). Ở châu Âu lúc ấy, dàn nhạc này chỉ đứng sau dàn nhạc Vienna và Budapest trở thành “thủ đô” thứ hai của operetta.
Giờ đây mỗi năm, Nhà hát Nhạc kịch Budapest diễn hơn 500 buổi với khoảng 400 nghìn lượt khán giả. Dàn nhạc còn tham gia nhiều dự án hợp tác với các nhà hát đến từ St.Petersburg, Bucharest, Yekaterinburg, Prague, Salzburg Erfurt… cũng như thường xuyên lưu diễn tại nhiều thành phố và quốc gia tại châu Âu và châu Á.
Năm 2013, Nhà hát Nhạc kịch Budapest trở thành một trong những “Hungaicum” (một thuật ngữ dùng để chỉ những thứ mang đậm nét đặc trưng và tính cách của đất nước và con người Hungary) và được đưa vào danh sách “Các báu vật quốc gia của Hungary”.
Với bề dày như vậy, sự trở lại của Nhà hát Nhạc kịch Budapest tại Hà Nội vào ngày 22/10 tới trong chương trình Toyota Classics 2015 báo hiệu sự trở lại của những đẳng cấp quốc tế.
Sự trở lại lần này sẽ thiếu 2 gương mặt của một thập niên trước, là nhạc trưởng István Sislló và nghệ sỹ Đặng Thái Sơn. Thay vào đó sẽ là nhạc trưởng László Makláry và nghệ sỹ vĩ cầm, Hoàng Tuấn Cương.
Nhạc trưởng László Makláry là một người khá nổi tiếng ở châu Âu, từng làm việc cùng nhiều dàn nhạc danh tiếng. Ông thường xuyên chỉ huy những buổi hòa nhạc và tham gia ghi âm với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Hungary, Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh Hungary. Dàn nhạc Giao hưởng MASV Hungary, Dàn nhạc Giao hưởng Telekom, và Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Operetta và Nhạc kịch Budapest.
Ông từng nhận được giải thưởng Artisjus và Érdemes Muvész (giải thưởng cho nghệ sĩ xuất sắc). Năm 1983, album opera rock Stepen, The King do ông chỉ huy được xem là một đột phá ở Hungary lúc ấy và giờ đây đang là của hiếm của dân sưu tầm.
Người Việt Nam duy nhất được mời trong đêm nhạc Toyota Classics lần này là nghệ sĩ vĩ cầm Hoàng Tuấn Cương. Sinh năm 1979, bố là Giáo sư Hoàng Cương (nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM), ngay từ 7 tuổi Tuấn Cương đã trở thành học sinh nhạc viện và làm học trò của bố.
Với tài năng được đánh giá cao, một mình Cương “ẵm” gần hết những giải thưởng lớn như giải nhất cuộc thi Violon Tài năng trẻ năm 1989 tại TP.HCM, giải nhất cuộc thi Âm nhạc Quốc gia mùa thu lần thứ nhất năm 1990 tại Hà Nội. Sau đấy, ở tuổi 14, Tuấn Cương đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi quốc tế Ludwig Spohr (Freiburg, Đức), hai năm sau anh lại đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế Max Reger (Đức).
Sau đó Hoàng Tuấn Cương sang Đức theo học bổng của Quỹ Freiburg và từ năm 2004 đến nay Tuấn Cương là thành viên của bè Violon I trong Dàn nhạc Philharmonic State Orchestra Hamburg (Đức).
Dòng hải lưu đẳng cấp
Với 19 năm có mặt đều đặn, Toyota Classics là thương hiệu cổ điển lâu bền nhất tại Việt Nam hiện nay.
Trong gần 1/4 thế kỷ qua, kể từ khi những chính sách văn hóa mở cửa, Việt Nam đón nhận rất nhiều làn gió mới mà nổi bật nhất là âm nhạc đại chúng. Từ 1990 đến nay có rất nhiều gương mặt pop, rock từ Âu đến Á đã đến Việt Nam và tạo nên một diện mạo âm nhạc mới mẻ thế nhưng cổ điển vẫn luôn là dòng nhạc bị xếp sau cùng vì thiếu sân chơi và thiếu những gương mặt đẳng cấp.
Nhưng rồi đã có những dòng hải lưu cổ điển xuất hiện, phát pháo đầu tiên mang tên Hennessy Concert (1996) với sự xuất hiện của cây cello trứ danh Rostropovich, giọng soprano của nữ danh ca người Mỹ Barbara Bonney hay tiếng đàn của thần đồng Lang Lang… Một năm sau, 1997, sau 7 năm vòng quanh châu Á, lần đầu tiên Toyota Classics đến Việt Nam.
Lần đầu tiên đó, năm 1997, Toyota Classics gây “choáng” giới nghe nhạc hàn lâm bằng đêm biểu diễn của Dàn nhạc thính phòng Hoàng gia Thụy Điển, nhạc trưởng tài hoa Mats Liljefors cùng cây sáo vàng Anna Norberg và nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn sau đó phải thốt lên: “Mats biết cách “kỳ cọ” dàn nhạc cho đúng kiểu, giúp tôi không phải nói nhiều mà vẫn đạt tới hiệu quả mong muốn”. Toyota Classics trở thành sự kiện văn hóa của năm 1997.
Từ đó trở đi, những đêm hòa nhạc Toyota Classics trở thành thánh đường của công chúng mê cổ điển và mở thêm biên độ người nghe. Hải trình âm nhạc đẳng cấp này đưa người Việt du lịch qua nhiều vùng đất âm nhạc với các dàn giao hưởng danh tiếng từ Vienna, Nagoya, Cadaques, London cho đến Đông Bắc Đức, Praha, Firenze, New York…
Điều thấy rõ nhất ở sức thu hút của Toyota Classics là mang tính xã hội hóa khá cao. Gần 20 năm qua, chương trình không chỉ phục vụ cho giới hàn lâm mà còn “kéo” được thêm số đông những công chúng ngoại đạo.
Tờ The Rappler của Philippines từng bình luận: “Khi mà thế giới cổ điển vẫn còn khá xa lạ và khởi đầu khá khó khăn với những nước chưa thật sự phát triển thì Toyota Classics suốt 25 năm qua đã làm được điều phi thường. Họ có thể tập hợp những nhân vật xuất chúng của thế giới cổ điển trên cùng một sân khấu và biến những đêm hòa nhạc thành một sợi dây chia sẻ cảm xúc bất tận”.
Trong 25 năm qua Toyota Classic đã thực hiện 170 buổi hòa nhạc, với 214.000 khán giả tại 14 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất