La Liga & Luật công bằng tài chính: Quá muộn cho sự thay đổi

20/07/2011 19:02 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH Cuối tuần) - Đầu tuần, Ban tổ chức La Liga (LFP) đã họp bàn để ra điều luật mới về chi tiêu cho các CLB tại Tây Ban Nha để chuẩn bị sẵn sàng cho Luật Công bằng tài chính (FFP) mà UEFA sẽ chính thức áp dụng vào mùa giải 2012-2013. Vấn đề là hình như họ đã hành động quá muộn. Ngay cả khi FFP được áp dụng ngay lúc này, “sức khỏe tài chính” của các CLB Tây Ban Nha cũng không khá lên nổi.

Hôm 11/7, Tây Ban Nha kỷ niệm tròn 1 năm ngày họ vô địch World Cup 2010. Chiến tích vĩ đại ấy được tô điểm thêm với chức vô địch Champions League của Barcelona và chức vô địch châu Âu của đội U21 Tây Ban Nha. Rõ ràng bóng đá xứ đấu bò đang ở vào một giai đoạn cực kỳ thịnh vượng. Nhưng “sức khỏe tài chính” của họ thì lại đang ở vào tình trạng báo động.

Liệu Luật Công bằng tài chính của UEFA có ngăn được Real Madrid tạo ra những vụ chuyển nhượng Cristiano Ronaldo mới? -Ảnh AP

Tổng cộng đã có 22 CLB tại Tây Ban Nha đệ đơn xin bảo hộ phá sản từ khi Las Palmas mở ra trào lưu này năm 2004. Hồi thứ Sáu, Racing trở thành CLB thứ 6 bị vỡ nợ trong 20 CLB đang chơi ở hạng đấu cao nhất của Tây Ban Nha là Primera Liga, sẽ khởi tranh vào ngày 21/8. Đa số các nhà điều hành và các chuyên gia kinh tế đều nhận ra nguồn gốc của vấn đề. Đấy là sự gia tăng đến mức điên rồ chi phí chuyển nhượng, việc bơm phồng quỹ lương, sự phân chia bất công bản quyền truyền hình và sự vô trách nhiệm của những nhà quản lý vốn đã tồi tệ mặt tính toán.

Khi Luật Công bằng tài chính của UEFA còn 1 năm nữa là áp dụng, Real Madrid và Barcelona đã kịp đào xong một chiếc hố ngăn cách họ và phần còn lại của La Liga để cuộc đua song mã giữa họ sẽ tiếp tục duy trì trong một thời gian rất, rất dài nữa. Rõ ràng điều luật của UEFA đã đến quá chậm. Barcelona đang ở trong một giai đoạn thịnh vượng về mặt con người khi lò đào tạo La Masia của họ đang sản sinh ra hàng loạt tài năng sáng giá, vừa dùng được mà vừa có thể bán được.

Pep Guardiola cũng thích một biên chế gọn nhẹ nên đạo luật của FIFA cũng không ảnh hưởng gì lắm đến họ. Với Real Madrid, Chủ tịch Florentino Perez đã đối phó bằng cách mua xong các ngôi sao hàng đầu đồng thời trẻ hóa lực lượng triệt để khi ký với hàng loạt những cái tên như Sami Khedira, Mesut Oezil, Angel di Maria, Nuri Sahin, Jose Callejon... Vả lại với mối quan hệ của mình với chính quyền thành phố, Perez hoàn toàn có thể phù phép ra vài trăm triệu như cái lần ông bán sân tập của CLB cho Hội đồng thành phố với cái giá không thể tin nổi là 480 triệu euro.

Giám đốc điều hành Javier Gomez của Osasuna nói: “Cấu trúc của giải vô địch và cách vận hành của nó đang gặp vấn đề về hệ thống. Bây giờ phân nửa số CLB Tây Ban Nha đang được bảo hộ phá sản theo một xu hướng không thể tránh khỏi”.

Theo công ty kiểm toán toàn cầu Deloitte, tổng thu nhập của giải vô địch Tây Ban Nha trong mùa bóng 2009-2010 đã tăng nhiều hơn bất kỳ giải đấu nào tại châu Âu: 8% so với năm cũ, tức tăng gần 2,3 triệu USD, nhưng hết 1,2 triệu USD trong số này thuộc về Real và Barca. Số tiền gia tăng ấy cũng chả giúp ích gì nhiều cho 18 CLB còn lại, nơi mà khả năng quản lý kém của các ông chủ được “trợ giúp” thêm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. Chỉ có một số lượng CLB ít ỏi trả lương cho các cầu thủ nghiêm túc và đều đặn. Hơn 100 cầu thủ trên xứ đấu bò vẫn còn đang bị nợ 43 triệu USD tiền lương. Mùa bóng vừa qua, các cầu thủ Hercules gần như là... đá từ thiện.

Luis Rubiales, Chủ tịch Hiệp hội các cầu thủ Tây Ban Nha (AFE) nói: “Cách đây ít lâu, LĐBĐ Romania có gửi thư cho tất cả các cầu thủ của họ và bảo đừng ký bất kỳ hợp đồng nào trừ phi nó thực sự rõ ràng. Ý họ bảo là đừng đến Tây Ban Nha vì chẳng còn xu nào ở đó đâu. Tôi không thể lạc quan trước tình hình này vì cũng như xã hội Tây Ban Nha, giải pháp chỉ xuất hiện khi những thứ tồi tệ nhất đã xảy ra”.

Có thể nói chính Real Madrid phải chịu phần lớn trách nhiệm cho việc sa sút “sức khỏe tài chính” tại Tây Ban Nha với sách lược “galactico” của họ. Trong vòng chưa đầy 10 năm, Real đã thảy vào thị trường chuyển nhượng hơn nửa tỷ euro và nâng mức lương kịch trần lên gấp 3. Việc Real ồ ạt mua sắm cũng khiến các CLB cuống cuồng tăng cường lực lượng và tự nhấn mình vào vũng nợ. Giáo sư kinh tế Jaume Llopis từ Đại học Navarra nói: “Các ngân hàng không chịu cho các CLB nhỏ mượn tiền vì sợ họ không có khả năng chi trả trong khi sẵn sàng mang 141 triệu USD cho Real mua một cầu thủ. Đấy là điều vô lý”.

Một trong những bước ngoặt đẩy La Liga vào thực trạng hiện nay diễn ra năm 1990 khi các luật cho phép tư nhân sở hữu các CLB với hy vọng các mạnh thường quân sẽ giúp CLB xóa nợ và có sự giám sát tốt hơn về ngân sách CLB. Chỉ có 4 CLB không vận dụng điều luật này mà vẫn trung thành với truyền thống, tức CLB phải thuộc quyền sở hữu bởi các thành viên và vận hành bởi chủ tịch theo cách thức bầu chọn 4 năm/lần. Đó là các CLB Barcelona, Real Madrid, Osasuna và Athletic Bilbao.

Không như 2 đại gia lắm tiền nhiều của nhưng cũng nợ như chúa chổm, 2 CLB xứ Basque Osasuna và Bilbao dù có ngân sách eo hẹp nhưng vẫn sạch nợ. Họ chủ yếu sử dụng những cầu thủ trẻ tự đào tạo và đấy cũng là nguồn thu nhập chính của 2 CLB không được truyền thông ưu ái này. Đặc biệt là Osasuna, trong tiếng Basque có nghĩa là “sức khỏe”, lại càng phải cân đối chi tiêu hết sức chặt chẽ vì thành phố nhỏ Pamplona chỉ cho họ một lượng CĐV ít ỏi và một thu nhập giới hạn.

Giám đốc điều hành Javier Gomez của Osasuna nói: “Không hề có tranh cãi gì nữa. Đây là con đường duy nhất. Bạn có thể nhìn sự việc từ bất kỳ quan điểm nào nhưng bóng đá nguyên thủy và tự nhiên phải thuộc về CĐV, những người sống chết với nó”.

Công trình nghiên cứu của Jose Maria Gay, giáo sư của Đại học Barcelona, số tiền lỗ của các CLB la Liga mùa 2009-2010 là 140 triệu trong khi tổng số nợ đã lên đến con số 4,8 tỷ USD. Giáo sư Gay nói: “Chúng ta đang ở vào giai đoạt tột đỉnh thành công của bóng đá Tây Ban Nha và sự xuống dốc là điều được nhìn thấy trước. Có 2 thị trường nổi bật mà bóng đá Tây Ban Nha cần học hỏi: “Bundesliga tự quản lý rất nghiêm túc trong khi Ligue 1 và Ligue 2 tuy nhỏ hơn nhưng rất minh bạch và trung thực. Đó là mô hình kinh tế tốt nhất và khỏe mạnh nhất”.

Luật Công bằng tài chính của UEFA cũng khích lệ việc thay đổi luật tại Tây Ban Nha, vốn không có hình phạt cho xuống hạng hay trừ điểm vì quản lý kém. Giám đốc Gomez của Osasuna lại nói: “Án phạt rất cần thiết và. Nếu không, chúng ta sẽ lại rơi vào một vòng tròn cũ kỹ”. Cần thiết theo ý của Gomez là tránh cho Liga vỡ nợ mà thôi. Chứ làm gì có khái niệm công bằng ở La Liga này. Real Madrid và Barcelona sẽ vẫn là ông kẹ tại Tây Ban Nha trong chục năm nữa, chắc chắn là vậy.

Thu Trang


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm