Trần Mạnh Dũng: Không còn là “Peter Pan”

16/03/2013 13:32 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - 17 tuổi đá mùa V-League đầu tiên, 19 tuổi có tên trong đội hình U23 Việt Nam chinh chiến SEA Games (2009, trên đất Lào); 21 tuổi tiếp tục là nòng cốt của đội bóng trẻ Việt Nam ở sân chơi SEA Games 2011; và ngay lúc này, Trần Mạnh Dũng là một trong những hạt nhân của ĐT Việt Nam thi đấu các trận vòng loại Asian Cup 2015, cùng với các đàn anh như Lê Tấn Tài hay Huỳnh Quốc Anh…

Sự thăng tiến vượt bậc của chàng trai có thân hình khá mảnh khảnh và thoạt nhìn, không nghĩ anh là cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp và đang trải qua mùa V-League thứ 3 liên tiếp trong màu áo V.NB. Nhưng, Dũng “con” nay đã lớn thật rồi!

Cũng là một “dị nhân”

Cao 1m67, nặng chỉ chừng hơn 50 kg, Trần Mạnh Dũng bị cho là suy dinh dưỡng từ bé và nếu ngày đó, y học Việt Nam phát triển như ở trời Âu, hẳn gia đình Dũng đã gõ cửa bệnh viện để tiêm loại thuốc kích thích tăng trưởng (HGH) như Lionel Messi đã từng được điều trị, để con em mình tiếp tục niềm đam mê với môn thể thao nặng tính đối kháng như bóng đá. Nhưng, đã không có liều thuốc HGH nào và Mạnh Dũng vẫn chơi bóng, thậm chí còn phát tiết sớm hơn cả các đồng đội cùng trang lứa. Vậy, Dũng “con” có thứ gì đặc biệt?

Đấy là đôi chân, với các động tác nhanh như thể những nhát kéo khi có bóng trong chân. Với kỹ thuật cá nhân điêu luyện, cùng với sự lì lợm khi đối mặt với rất nhiều các đối thủ hộ pháp, thân hình nhỏ gọn của Mạnh Dũng vô tình lại được xem là một lợi thế khi dốc bóng hay làm động tác giả qua người. Xét ở cả 2 khía cạnh là tốc độ bứt phá ở cự ly ngắn cũng như tốc độ với bóng, Dũng đều nhanh hơn người khác ít nhất nửa bước chân. Thêm động tác cài (nửa) người, Mạnh Dũng dễ dàng chiếm thể thượng phong khi một đối một.


Không sở hữu thể hình lý tưởng nhưng với phẩm chất kỹ thuật khéo léo cùng lối chơi thông minh, ở bất cứ đội bóng nào và với bất cứ HLV nào, Mạnh Dũng cũng đều được trọng dụng. Ảnh: VSI

V.NB ở 2 mùa V-League vừa qua với Trần Mạnh Dũng, khi bám biên phải, lúc lệch trái và thi thoảng bó vào trong làm nhiệm vụ của một người điều phối, thực sự là một đội bóng đáng gờm. Ở một góc nhìn nào đó về chuyên môn, Trần Mạnh Dũng hữu dụng hơn đồng đội Danh Ngọc và thậm chí cả đàn anh Mai Tiến Thành là vì thế. Đó cũng là lý do mà Dũng thường được cất nhắc khi các vị trí đá biên thuần túy không phát huy tác dụng. Dũng vào sân không phải để trám chỗ, mà các HLV tin rằng, anh có thể tạo đột biến ở trung lộ.

Để ý rằng, từ Vientiane (Lào 2009), đến Jakarta (Indonesia 2011) và ĐT Việt Nam lúc này, các HLV cấp độ ĐTQG đều rất thích dùng Mạnh Dũng cho các tiêu chí chiến thuật đa dạng mà họ đề ra. Ngoài kỹ năng kiểm soát trái bóng và dốc bóng ở tốc độ cao như đã nhắc, Mạnh Dũng còn có thể chuyền bóng tốt bằng cả 2 chân. Ở V.NB, nếu như Danh Ngọc có thể độc lập tác chiến để đem về các bàn thắng, thì hàng công của đội bóng này vẫn được hưởng lợi rất nhiều từ những đường chuyền như đặt của cầu thủ đeo số áo 21.

Truyền nhân của ai?

Nhìn vào Mạnh Dũng, có thể thấy ngay sản phẩm đặc thù của bóng đá Nam Định là khổ người nhỏ, kỹ thuật và tinh quái. Nhưng bóng đá Nam Định, hay chính xác hơn là Công nghiệp Hà Nam Ninh, kể từ sau thế hệ anh em nhà Văn Dũng, Văn Sỹ khuyết hẳn những thần tượng. Thậm chí ngay cả giai đoạn ngắn ngủi mà Nam Định thăng hoa (2004-2006), khá nhất cũng chỉ cỡ Trung Kiên, Duy Hoàng, Quang Huy là cùng. Họ đều từng là tuyển thủ QG, nhưng hiếm ai được sắm vai kép chính, hiếm ai được xem là hạt nhân.

Với lò đào tạo nức tiếng miền Bắc như Nam Định, như thế bị xem là yếu, thậm chí kém. Mạnh Dũng may mắn sinh ra cùng thế hệ những người trẻ đầy tài năng của bóng đá thành Nam như anh em nhà Danh Ngọc, Nhật Nam, hay Chu Ngọc Anh, Lâm Anh Quang, Hữu Khôi (sau đó một chút)…, nhưng thiệt thòi quá lớn cho Dũng và các đồng đội, khi thời điểm họ chớm nở cũng là lúc bóng đá Nam Định tuột dốc không phanh. Từ V-League 2009, chỉ sau 3 năm, giờ họ đang ngụp lặn ở giải hạng Nhì và không biết ngày nào trở lại. Đấy là vấn đề cơ chế.

Trở lại với Mạnh Dũng. Anh đã có thể là một Trung Kiên “đệ nhị” nhờ óc sáng tạo trong lối chơi và cả sự đa năng trên hàng công, nhưng Dũng lại thua đàn anh ở chất thủ lĩnh. Sau Văn Sỹ, Trung Kiên là đội trưởng tuyệt đối của Nam Định, trước khi khăn gói vào TMN.CSG và mất tích cho đến lúc này. Xa hơn nữa, Dũng cũng hao hao giống Văn Tuấn (cầu thủ đeo áo số 7, từng học xong Đại học mới bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp), nhưng Tuấn chơi bóng cũng không thật sự nổi, thậm chí còn thua cả Dũng về danh tiếng…

Sẽ không bao giờ cần phải cố gắng tìm cho được cái tên mà Mạnh Dũng sẽ là truyền nhân, bởi đơn giản, Dũng là ngoại lệ, là khác biệt, thậm chí là duy nhất. Lý do là bởi không đơn giản để V.NB bỏ ra đến hơn nửa chục tỷ đồng để đem về Hoa Lư một cầu thủ mới đôi mươi, chỉ có một thân hình nhỏ thó và ít có khả năng gây sát thương lên khung thành đối thủ. Phải, Dũng đi bóng và chuyền bóng hay bao nhiêu, thì anh sút bóng dở bấy nhiêu. Có thể bởi Dũng lười ra chân. Đây có lẽ là nhược điểm duy nhất mà Mạnh Dũng cần khắc phục, nếu muốn vươn đến đỉnh cao.

Thay lời kết

Với Trần Mạnh Dũng và lứa cầu thủ đầy tài năng của anh, đáng ra bóng đá thành Nam có thể đã sở hữu đầy đủ những cơ sở cho cuộc trở lại sàn diễn đỉnh cao V-League sau 2 mùa giải liên tiếp rớt 2 hạng. Nhưng tiếc là bóng đá Nam Định đã không có cơ hội để cho những người như Dũng phát tiết tài năng ngay trên mảnh đất quê hương. Thuận theo cơ chế thị trường, lãnh đạo đội bóng Nam Định quyết định “bán lúa non”, và những người như Mạnh Dũng, Danh Ngọc, Văn Duyệt… đã ra đi theo cách đó.

Việc Dũng (và đồng đội) cập bến V.NB giống như một sự giải thoát, với cầu thủ không phải là người duy nhất hưởng lợi, mà cả nền bóng đá vì thế cũng được nhờ. Thử hỏi, nếu Danh Ngọc và Mạnh Dũng còn thi đấu trong màu áo đội hạng Nhì Nam Định, họ có cơ hội lên ĐTQG lần này không?! Rất khó! Bản thân Văn Nam, trung vệ cùng lứa với Danh Ngọc, Mạnh Dũng, cũng phải cần đến rất nhiều đặc cách, sau khi đồng đội Lâm Anh Quang bất ngờ bẻ ngang sự nghiệp. Sự ra đi của những người như Dũng là sự thất bại với bóng đá Nam Định. Sự thật không thể chối bỏ!

Với đầy đủ những cơ sở đã và đang tạo dựng, Mạnh Dũng còn có thể tiến xa, nếu anh tiếp tục biết chắt chiu các cơ hội và cách ly được mình với những thói hư tật xấu của đời sống bóng đá.

2,5 tỷ để đổi lấy tự do

Cũng như Danh Ngọc hay hàng loạt các cầu thủ trẻ thành Nam thế hệ 88-90 khác, Mạnh Dũng đã phải chồng đủ 2,5 tỷ đồng để chuộc lại bản hợp đồng đào tạo có giá trị đến năm… 3000?! Theo người trong cuộc, phần lớn họ kể từ khi vào tập trẻ tại Nam Định đều không biết bản hợp đồng đào tạo nó tròn méo như thế nào, nhưng bất cứ ai có ý định đào tẩu trước 25 tuổi đều có giá như nhau: 8 tháng x 300 triệu đồng = 2,4 tỷ đồng. Trường hợp của Danh Ngọc do tự ý rời CLB chủ quản khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo nên đã phải tiền mất tật mang (dính án kỷ luật của VFF) là vì thế.

Lượt  trận thứ 2 V-League 2013, ở cuộc đối đầu được mong đợi giữa V.NB và HN.T&T trên sân Ninh Bình, Mạnh Dũng đã bất ngờ có một bàn thắng rất đẹp và “dị”, hoàn toàn không giống với phong cách của anh và chắc chắn nó không dành cho một cầu thủ cao dưới 1m70. Sau đường căng ngang vào trong của đồng đội, Dũng như thể từ dưới đất chui lên rồi đánh đầu ngược (hệt như pha lắc đầu của Công Vinh vào lưới Thái Lan trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008) và mành lưới của Dương Hồng Sơn rung lên. Bàn thắng từ khá sớm của Dũng đã đem về chiến thắng 2-0 chung cuộc cho V.NB.

Với SEA Games 27 được tổ chức tại Myanmar vào cuối năm nay, đây được xem là giải đấu dành cho Mạnh Dũng và lứa cầu thủ thế hệ 9x của anh. So với những Thanh Hào, Văn Thắng, Văn Quyết, Hoàng Thịnh, Danh Ngọc, Xuân Hùng hay Quang Hùng…, Mạnh Dũng không hề thua kém về năng lực, cũng như kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao tại các sàn diễn quốc tế. Nhưng cũng tựa như 2 kỳ SEA Games trước, nếu không muốn thất bại là… mẹ của thất bại, những người như Dũng phải biết hòa quện trở thành một khối thống nhất. Đấy là bài toán không đơn giản cho các HLV.


Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm