Phim Trung Quốc, Iran nặng ký với Cành cọ vàng ở Cannes lần thứ 66

19/05/2013 06:56 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - 2 đạo diễn từ 2 đất nước có chế độ kiểm duyệt phim khá chặt chẽ này đã đưa những bộ phim có chủ đề hết sức táo bạo tới LHP Cannes để tranh giải Cành cọ vàng.

Phim Thiên chú định (A Touch of Sin) của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha đề cập đến những vấn đề xã hội của Trung Quốc. Còn phim The Past của nhà làm phim Iran Asghar Farhadi lại nghiên cứu sâu vào những sự bí ẩn của lòng người.

Phim "màu sắc võ hiệp" trong bối cảnh hiện đại

Phim Thiên chú định của Giả Chương Kha mô tả những vấn đề "nhạy cảm" của xã hội Trung Quốc: nạn tham nhũng, sự hám danh lợi, bạo lực, tội ác và khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo. “Tôi là người thích tự do sáng tạo và tôi luôn cố gắng không làm phim theo cách tự tiết chế” – Giả Chương Kha cho biết.

Phim Thiên chú định kể về 4 người ở 4 tỉnh khác nhau của Trung Quốc đương đại. Một người thợ mỏ tức giận nổi dậy chống lại những người lãnh đạo tham nhũng trong làng anh ta. Một công nhân tỉnh lẻ về nhà nhân dịp Tết Nguyên đán đã cố gắng hàn gắn mối quan hệ vợ chồng rạn nứt của mình và cuối cùng để cho cây súng săn lên tiếng. Một nhân viên xinh đẹp tại một tiệm mát-xa đã bị đẩy vào sự cùng cực và buộc phải cầm con dao cắt quả đâm một gã nhà giàu khi bị ông ta tấn công tình dục. Một công nhân trẻ chuyển hết nghề này sang nghề khác nhằm cố gắng cải thiện được số phận của mình, cuối cùng đã tự vẫn.

Cảnh trong phim Thiên chú định

Giả Chương Kha cho biết, ông lo lắng khi thấy ngày càng có nhiều chuyện bạo lực được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và muốn kịch tính hóa những câu chuyện đó cho khán giả Trung Quốc.

“Người ta thường nghe được những sự kiện bạo lực trong xã hội, nhưng họ nhanh chóng quên đi. Không thể tiến bộ được nếu phớt lờ hoặc che giấu bạo lực” – Giả Chương Kha nói. Ông cho rằng những đề tài mình mô tả trong phim không quá "nhạy cảm” bởi chúng đã được đưa tin trên báo chí Trung Quốc và internet.

Song Giả Chương Kha nhấn mạnh rằng những câu chuyện này không phải là sản phẩm của nền chính trị, kinh tế hay công nghệ thời hiện đại. “Với những người sống cách đây 100, 200, 300 năm trong thời phong kiến, động cơ hành động của họ cũng chẳng khác gì ngày nay. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của internet, với những con tàu chạy tốc độ cao, song con người có thay đổi không?” - ông đặt câu hỏi.  

Giả Chương Kha bắt đầu có cảm hứng làm bộ phim này khi đi tìm bối cảnh cho một dự án điện ảnh khác. Ông kể rằng trong hành trình đó, ông thấy ấn tượng với những dãy núi, những con sông và nhận ra rằng tinh thần con người cũng trường tồn như cảnh vật.

Sau đó ông đã viết kịch bản phim và tạo nên 4 nhân vật là dân thường nhưng có tinh thần cao quý, giống các đại hiệp trong những bộ phim võ hiệp.

Thiên chú định là phim nhựa thứ 7 của Giả Chương Kha. Các bộ phim trước của ông thường xoáy đến sự thay đổi trong cuộc sống hằng ngày ở Trung Quốc đương đại trong thời kỳ toàn cầu hóa. Ông nổi tiếng với phong cách làm phim theo thuyết duy thực. Tuy nhiên, với Thiên chú định, lần đầu tiên Giả Chương Kha cố gắng làm phim với phong cách mới và đây là bộ phim hành động đầu tiên của ông.

Cảnh trong phim The Past

Câu chuyện đầy xúc cảm về mối quan hệ cá nhân

Còn The Past của đạo diễn Iran từng đoạt giải Oscar Asghar Farhadi là câu chuyện vô cùng tàn nhẫn có bối cảnh ở Paris cùng khu vực phụ cận. Dàn diễn viên trong phim chủ yếu là người Pháp. 

Farhadi quay các bộ phim trước đều ở Iran, trong đó có A Separation – tác phẩm điện ảnh đoạt giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất năm 2012. Phim The Past là câu chuyện kể về một người đàn ông Iran (Ali Mosaffa) trở về Pháp để hoàn tất chuyện ly hôn với vợ cũ là một phụ nữ Pháp (Berenice Bejo). Tuy nhiên, giữa họ lại nảy sinh những bí mật, những lời nói dối, các rắc rối liên quan đến con cái và tình yêu mới của cô.   

Bộ phim này đã được trình chiếu tại LHP Cannes vào hôm 17/5 và được đánh giá là những ứng cử đầu tiên của giải Cành cọ vàng.

Giống như tác phẩm điện ảnh trước đó của Farhadi, phim The Past là câu chuyện đầy xúc động, song không trực tiếp đề cập đến khía cạnh chính trị. Farhadi thấy hạnh phúc khi ông vẫn phát triển được mạch làm phim: khảo sát động lực của các mối quan hệ riêng tư.

“Tôi có thể dành cả sự nghiệp của mình để khai thác chủ đề này mà không cảm thấy mệt mỏi” -  Farhadi bày tỏ và cho biết ông chưa tính sẽ làm gì tiếp theo. 

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm