Manuel Pellegrini: 'Real Madrid thiếu mô hình quản lý hữu hiệu'

01/06/2013 19:37 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sau 9 năm cầm quân ở Tây Ban Nha, Manuel Pellegrini sẽ nói lời chia tay với La Liga vào hôm nay, trong trận Malaga gặp Barcelona trên sân Camp Nou, để sang dẫn dắt Manchester City ở nước Anh.

Trả lời phỏng vấn tờ El Pais, chiến lược gia người Chile nhận định Real Madrid, đội bóng mà ông từng dẫn dắt, thiếu một mô hình quản lý hữu hiệu.

* Ông đã từng dẫn dắt Villarreal, Real Madrid và Malaga. Ông thích mô hình nào nhất?

- Mô hình lý tưởng để lãnh đạo một thể chế bóng đá thuộc về Villarreal, một tấm gương trên mọi mặt. Công việc ở Villarreal có trật tự và được phân định rõ ràng. Tuy xuống hạng, nhưng họ có một cơ cấu hiện đại, một nền tảng hành chính và thể thao vững chắc.

Tôi rất tiếc cho Madrid bởi vì mỗi năm họ đều bỏ ra một khoản đầu tư khổng lồ nhưng không biết cách sử dụng nó và thiếu hẳn một mô hình quản lý hữu hiệu. Ở đây quyền lực quá tập trung và thiếu niềm tin giữa những thành viên.

Còn Malaga thì không thuộc một mô hình nào cả. Một ý tưởng nảy sinh, thế là người ta bỏ nhiều tiền vào đó, nhưng chưa bao giờ có nền tảng cho sự phát triển.

* Tuy nhiên, công việc của ông vẫn được đánh giá cao ở cả ba đội bóng. Với tư cách HLV, bí quyết để vượt qua sóng gió là gì?

- Tôi nghĩ mình có hai tính cách khác nhau. Một hướng ra bên ngoài và một hướng vào trong CLB, nơi tôi nêu ra những đòi hỏi để tìm kiếm thành tích. Đáng tiếc là tại Madrid, khi tôi đặt ra một loạt những đòi hỏi ban đầu, nó không được đáp ứng và có thể điều đó làm tôi phải chia tay sớm.

Nhưng tôi ra đi với lương tâm thanh thản. Chúng tôi đã chơi tốt, chiến đấu trước một Barca hùng mạnh cho đến phút cuối cùng. Tại Malaga, tôi cũng kiên quyết đưa ra những đòi hỏi mà mình cho là đúng. Ở Villarreal tôi gặp ít vấn đề hơn nhiều.

* Ông đòi hỏi gì ở Real Madrid?

- Tôi không đồng ý với một vài việc nhưng tôi chỉ nói trong nội bộ. Tôi không biết hình ảnh của tôi bên ngoài có phải là một HLV chỉ biết vâng lời và mềm yếu hay không, nhưng cần CLB tin tưởng vào những ý đồ của tôi.

Madrid đã không làm như thế. Thí dụ, tôi muốn có Arjen Robben cùng Wesley Sneijder và tôi nghĩ mình đã không nhầm. Thời gian cho thấy tôi đúng. Giờ đây, Robben là nhà vô địch châu Âu. Năm 2010, Sneijder cũng được thế với Inter, và cả hai đều là á quân World Cup cùng Hà Lan.

* Liệu chế độ lưỡng cực ở Liga sẽ tồn tại đến bao giờ?

- Không có khả năng phá vỡ chế độ lưỡng cực ở Liga. Sự mất cân đối về thu nhập giữa Barcelona và Real Madrid với phần còn lại là quá lớn và ngày càng tăng. Năm 2004, khi tôi đến Tây Ban Nha, đội hình của Valencia, Atletico hoặc Sevilla cũng có sức cạnh tranh ngang ngửa với Madrid hoặc Barcelona.

Bây giờ khả năng tranh đua với hai ông lớn này là số không. Điều đó rất tệ cho Liga. Các thể chế quản lý bóng đá Tây Ban Nha cần phải hành động nhanh chóng. Ở Anh hoặc Đức, các khoản thu nhập hài hòa hơn. Không thể nào phát triễn mỗi khi có một cầu thủ chất lượng xuất hiện thì lập tức Madrid hoặc Barca lại lấy mất.

* Nhảy từ Malaga sang Manchester City, ông không đắn đo sao?

- Sự nghiệp của tôi gắn với các thách thức. Tôi sẽ rời Malaga để đến với một dự án rất quan trọng. Tôi hy vọng ở CLB mới, tôi có thể làm việc và cống hiến theo cách của mình.

Tất cả các đội bóng mà tôi dẫn dắt đều chơi với một phong cách được định hình rõ ràng và nhận được sự khen ngợi, dù các điều kiện không cho phép tất cả đều giành chiến thắng. Lối chơi đó luôn gắn với những giá trị nhất định.

Nếu nơi tôi đến là một thể chế lớn thì lối chơi đó phải gắn với nhu cầu giành danh hiệu. Một khi đã về với một CLB như Man City, Bayern, Chelsea, Madrid hay Barcelona thì rõ ràng lối chơi phải song hành với đòi hỏi chiến thắng.

* Ông đã có dịp xem những sân golf của Manchester chưa?

- Ở nơi nào thì tôi cũng có cuộc sống của tôi. Tôi có đời sống riêng và có những thứ đam mê song song cùng bóng đá, như chơi golf, đọc sách, chơi tennis và thưởng thức văn hóa. Nó rất quan trọng với tôi.

Không một câu lạc bộ nào có thể hạn chế những hoạt động đó của tôi. Nếu ai đó chỉ biết bóng đá không thôi thì người đó biết rất ít về môn thể thao này và cả về cuộc sống.

* Ông đem theo gì từ Tây Ban Nha đến Anh?

- Chín năm hạnh phúc lớn lao ở một đất nước đón nhận tôi một cách tuyệt vời. Thậm chí tôi còn giành được sự yêu mến ở cả Madrid, bất chấp một chiến dịch có hệ thống được tạo ra nhằm bôi nhọ hình ảnh của tôi và gây nên cuộc chia tay sớm vào năm 2010.

Tôi sẽ thấy nhớ La Liga. Điều đó thật không dễ dàng với một HLV Nam Mỹ sau nhiều năm làm việc tại châu Âu như tôi.

* Phải chăng bóng đá Đức đang ở giai đoạn cao trào?

- Bóng đá Đức luôn rất ổn định. Bây giờ người ta nói đến một cuộc cách mạng bởi vì có hai đội bóng của nước này vào chung kết Champions League. Cách nay một năm, mô hình là của Barcelona, đội bóng thống trị thế giới.

Tôi không biết có nên nói sự thay đổi ở tầm quốc gia không, nhưng trong quản lý một thể chế, điều có giá trị là sự nghiêm túc của những người đứng đầu. Bóng đá Đức luôn là tấm gương về sự nghiêm túc của những nhà quản lý. Bóng đá Anh cũng vậy.

Khang Chi (lược dịch từ El Pais)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm