09/07/2018 19:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nói về tình yêu với thể thao, đặc biệt là với môn thể thao vua, dòng họ nhà giáo Nguyễn Lân từ lâu được nhiều người ca ngợi là một trong những dòng họ mê bóng đá nhất Việt Nam.
Trong dòng họ "ngoại đạo" với thể thao ấy nổi tiếng nhất là PGS-TS Nguyễn Lân Trung - một nhà ngôn ngữ học hiện đang công tác tại VFF và PGS-TS, nhạc sĩ Lân Cường - một chuyên gia đầu ngành về nhân chủng học, hiện đang công tác tại Hội Khảo cổ học Việt Nam.
Từ thủ môn Cường “còi” đến nhà đo đạc thể lực cầu thủ
Năm 1951, khi vừa tròn 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Lân Cường đã sang học tập tại Khu học xá ở Nam Ninh (Trung Quốc). Ông kể: "Đội bóng của chúng tôi có anh Vũ Mão (sau này là Chánh văn phòng Quốc Hội), anh Trần Thế Dân (sau này là NSND. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh), anh Dương Nghiệp Chí (sau này là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT)… họ đều là những chân sút cừ khôi. Đá giao hữu với các đội thiếu niên của Trung Quốc, chúng tôi toàn thắng, nhưng thi đấu bóng rổ thì lại thua họ rất đậm. Xương cẳng tay trái của tôi hồi đó đã gãy tới 3 lần vì tôi là thủ môn, mặc dù người tôi nhỏ bé nhưng bắt bóng lại rất điệu nghệ, luồn lách, nhào lộn như vượn. Phải cái thân hình bé nhỏ nên anh em hay thét lên trên sân bóng… "Cường còi” phát bóng lên đi!”.
Sau này, khi về công tác ở Viện Khảo cổ học ông được bầu 2 khóa liền làm Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (nay là Viện Hàn lâm KHXHVN) nên tổ chức không biết bao nhiêu trận đấu bóng đá cho các đơn vị trong cơ quan. Sau này mọi người đều nói đấy là thời kỳ đỉnh cao nhất của phong trào bóng đá của các chàng trai khoa học xã hội…
Ngày 1/10/1996, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn viên chức Việt Nam được thành lập, Nguyễn Lân Cường và 27 người khác được bầu vào BCH. 1 năm sau (10/1997), ông được Công đoàn VCVN giới thiệu tham gia vào Liên đoàn Bóng đá VN, và đã trúng cử cùng 35 đại biểu khác. Đó là nhiệm kỳ III của Liên đoàn do ông Phan Văn Muôn làm Chủ tịch. "Vì làm công tác nhân học nên các anh ở Liên đoàn muốn tôi tham gia vào việc đo đạc, tính toán sự phát triển thể lực của các cầu thủ" - ông Cường nhớ lại. "Nhưng rồi công việc chẳng đi đến đâu nên tôi lại phục vụ một mảng khác cho Liên đoàn - chụp ảnh các trận đấu lớn làm hồ sơ lưu trữ…
Ca khúc về bóng đá 10 năm “giấu” trong ngăn kéo
Một trong những kỷ niệm đối với PGS-TS Nguyễn Lân Cường trong nhiệm kỳ III đó là được đón ngài Joseph S.Blatter - Chủ tịch FIFA thăm Liên đoàn và chứng kiến cái đêm lịch sử 2/9/1998, khi đội tuyển Việt Nam "đánh gục" đội tuyển Thái Lan trên SVĐ Hàng Đẫy trong khuôn khổ giải Tiger Cup.
Hẳn nhiều người còn nhớ đêm 2/9/1998, ở phút thứ 15, Trương Việt Hoàng chọc thủng lưới Thái Lan, đến phút 70 Hồng Sơn lại ghi bàn, và chỉ còn 10 phút nữa thì kết thúc trận đấu… bất thần tiền đạo Văn Sĩ Hùng băng lên sút bóng vào lưới của Thái Lan.
Ông Cường kể: "Tôi bị cuốn đi theo dòng người trên chiếc xe máy dọc theo đường Nguyễn Thái Học, qua Hai Bà Trưng... lạc giữa rừng cờ đỏ sao vàng và tiếng hô vang trời: “Việt Nam vô địch”, “Việt Nam chiến thắng”. Ngay cái khoảnh khắc cuồng nhiệt ấy, bỗng tôi bật lên tiếng hát: Hà Nội đêm nay không ngủ, Việt Nam chiến thắng Việt Nam - Hồ Chí Minh. Và ngay đêm ấy tôi hoàn thành ca khúc Việt Nam chiến thắng!”.
Sáng hôm sau ông mang bản nhạc đến báo Hà Nội Mới, đề nghị ban biên tập đăng vào số ra ngày 5/9 để đón đầu chiến thắng với đội Singapore mà tối đó là trận chung kết. Không những không được đăng mà nghiệt ngã hơn vào tối hôm ấy, đội tuyển con cưng của chúng ta đã để thua tuyển Singapore trong trận chung kết, khiến bóng đá nước nhà tuột mất "ngai vàng", còn nhạc sĩ Lân Cường phải đút ca khúc vào ngăn kéo cho nó … "ngủ” đúng 10 năm, để đến đêm 28/12/2008, trên sân vận động Mỹ Đình, khi cái đầu của Công Vinh bật cao làm nên lịch sử - Việt Nam vô địch Đông Nam Á, thì ca khúc Việt Nam chiến thắng của ông mới được vang lên ngay trên Đài Tiếng nói Việt Nam và trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Tối 7/1/2009, trong đêm Gala vinh danh đội tuyển, ông vinh dự được lên sân khấu trao tận tay cho huấn luyện viên trưởng Calisto 32 đĩa CD để làm món quà nhỏ tặng cho cả đoàn…
Còn về World Cup năm nay, PSG-TS, nhạc sĩ Lân Cường vắn tắt bằng 3 từ: Quá tuyệt vời. Ông nói: “Tôi gần như chẳng bỏ trận nào. Điều khác với các kỳ World Cup trước là có quá nhiều bàn thắng, mà nguyên nhân chính là các đội đều chơi tấn công. Công nghệ hỗ trợ cũng làm cho khán giả yên tâm hơn về sự công bằng”.
Vài nét về PGS-TS, Nhạc sĩ Lân Cường PGS-TS, Nhạc sĩ Lân Cường nổi tiếng là chuyên gia đầu ngành về nhân chủng học cũng như các công trình nghiên cứu, phục chế một số nhục thân của các nhà sư ở các chùa: Đậu, Tiêu Sơn và Phật Tích... Ông theo học âm nhạc từ năm 10 tuổi tại Khu học xá Việt Nam ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, sau đó hoạt động âm nhạc nghiệp dư trong phong trào học sinh - sinh viên Thủ đô từ năm 1958-1964 với vai trò chỉ huy hợp xướng. Từ năm 1975-1979 là chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng các cơ quan TƯ. Hiện ông là Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, chỉ huy Đoàn hợp xướng Hanoi Harmony thuộc Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông đã viết 5 bản hợp xướng và hàng chục ca khúc trong đó có 14 tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà nội qua các thời kỳ. Có thể kể về hợp xướng có: Bài ca địa chất, Tiếng ca trên bè gỗ và các ca khúc Con búp bê của em, Về đi em, Vị tướng của lòng dân, Chào Thăng Long - Hà Nội của em, Cảm xúc Hoàng thành, Em chịu thôi, Đèn đỏ thì dừng đèn xanh mới đi, Chú bộ đội dạy cho em cái chữ, Có em - cô gái may hậu cần. |
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất