PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Báo chí có trách nhiệm dọn dẹp, kể cả 'rác' văn hóa

20/06/2014 08:03 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Là độc giả của TT&VH nên khi theo dõi loạt bài Sốc vì “rác” ca từ đăng tải trên báo, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tỏ ra rất bức xúc. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), PGS.TS Minh Thái trò chuyện với TT&VH về vai trò của báo chí trong đời sống.

Sau khi nghe trực tiếp hai ca khúc: Phiếu bé ngoanTan Ka Ka (Ganja), PGS. TS Minh Thái đã phải thốt lên: “Đến mức này thì không còn lời nào để nói nữa, vì nó đã đi tận đáy của phản thẩm mỹ rồi”.

* Bà đánh giá thế nào khi yếu tố tình dục đã được một số bạn trẻ đưa vào làm nội dung ca khúc, được họ thể hiện bằng một thứ ngôn từ mà khi nghe tất cả những người nghe bình thường đều đỏ mặt xấu hổ?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

- Giới trẻ bây giờ chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nên trong cách biểu hiện về tình dục ngày càng phóng túng, thậm chí còn hơn cả “Tây”. Giờ chuyện phòng the không còn là chuyện kín, nhiều người muốn gọi sự vật với đúng tên của nó, muốn đưa cả chuyện phòng the vào cả bài hát.

Nhiều người trẻ vì chông chênh về văn hóa nên tưởng học nước ngoài và bê nguyên xi về là hay, quá mù là ra mưa thôi.

Tôi không phủ nhận trong giới âm nhạc ngầm có những tài năng, họ có thể là một nguồn nhân lực cho nền âm nhạc chính thống. Nhưng rất tiếc là nhiều người đã không xác định được miền hoạt động của mình. Họ có thể sáng tác ca khúc đề tài về phòng the để nghe trong một không gian nào đó. Nhưng việc họ đưa lên những trang âm nhạc trực tuyến phổ biến cho tất cả mọi người thì thật khó chấp nhận.

* Dường như người Việt chúng ta khá dễ dàng trong việc du nhập yếu tố văn hóa nước ngoài, và dung nạp rất nhanh?

- Tiếp biến văn hóa là xu hướng tất yếu, nhưng tiếp biến như thế nào chứ không thể bê nguyên xi. Như truyền hình thực tế, mấy chục chương trình được nhập về, nhưng tỉ lệ thành công rất ít. Nếu Việt hóa không tốt thì còn bị phản ứng, như trường hợp thí sinh cởi đồ trong một chương trình mà báo chí đã nêu.

Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, tôi không gọi đó là tiếp thu văn hóa nữa, có vẻ hơi nghiêng sang hướng đua đòi. Muốn tiếp thu văn hóa từ bên ngoài, thì bản thân mình phải có nền tảng trước đã, sau đó phải biết tiếp thu một cách có chọn lọc. Lấy ví dụ về Nguyên Lê, nghệ sĩ này đã kết hợp nhạc Jazz phương Tây với dân ca Việt Nam, khiến chính người phương Tây cũng phải thích mê. Đó mới là tích hợp văn hóa trong âm nhạc một cách đích đáng. Còn lại tiếp thu mà không xử lý qua một bộ lọc thì chỉ có thể ra những sản phẩm sống sít mà thôi.

Giờ là thời của internet, phát tán thông tin rất dễ nên sức tàn phá cũng rất mạnh. Cơ quan quản lý cũng không thể dùng các biện pháp thô bạo như đóng cửa các trang mạng. Cuối cùng vẫn phải là trang bị giáo dục, thẩm mĩ cho từng công dân, tự họ có bộ lọc của mình, tự hiểu cần tiếp thu những gì có lợi cho mình.

* Bà đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong bối cảnh đời sống văn hóa rất nhiều thách thức như vậy?

- Nhiệm vụ của báo chí là phải phản ánh mọi mặt vấn đề đời sống văn hóa, xã hội, trong đó báo chí phải biểu thị hai thái độ: một là biểu dương những hiện tượng tốt để cổ súy cho xã hội phát triển lành mạnh, hai là phản biện xã hội. Và tôi cho vẻ đẹp nhất của báo chí hiện đại chính là phản biện xã hội.

Xã hội Việt Nam hiện nay đang có nhiều lệch chuẩn, có quá nhiều vấn đề cần phải phản biện, mà hiện tượng “rác” ca từ chỉ là một trong những số đó. Đây không chỉ đơn thuần là rác ca từ, mà phải gọi là rác ngôn ngữ mà các nhà văn hóa đã nêu nhiều năm qua. Báo chí có trách nhiệm dọn dẹp những rác rưởi đó, bằng chính tư duy phản biện xã hội của mình.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!


Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm