02/09/2019 09:34 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(giaidauscholar.com) - PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ vừa được trao tặng Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội (một trong 4 hạng mục của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội) của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Và cũng chỉ sau đó không lâu, vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ông lại tiếp tục có tên trong 10 gương mặt được đề cử nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Danh hiệu và giải thưởng ấy chính là sự ghi nhận cho những cống hiến của một con người đã có hơn nửa cuộc đời lặng lẽ, cần mẫn nghiên cứu để có được những công trình nghiên cứu bề thế, mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội.
Bền bỉ với những công trình nghiên cứu
PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ sinh năm 1937, quê gốc làng Hạ Đình (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ông là sinh viên khóa 1 của Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rời giảng đường đại học năm 1959, ông được điều động đi dạy sử trung học phổ thông ở Hà Nam rồi Hà Nội. Năm 1990, ông được mời về làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại thuộc trường Đại học Tổng hợp, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại năm 1984 và đến năm 1996, ông được công nhận chức danh Phó Giáo sư.
Trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn từ 30 - 40 năm nay, PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ là một tên tuổi không mấy xa lạ. Ông đã “định danh” tên tuổi của mình bằng những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội bên cạnh những tên tuổi lớn khác như: Trần Quốc Vượng, Hữu Ngọc, Nguyễn Vinh Phúc...
Nói đến PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ không thể không nhắc đến những công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trải dài qua nhiều thế kỷ trong quá khứ, và trải rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và lịch sử, văn hóa. Đó là: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (1993); Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (2010); Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội; Tuyển tập tư liệu phương Tây (2010, cb); Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011); Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018)… “Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội” (2018). Gần đây nhất, tháng 9/2019, ông ra mắt hai cuốn sách mới: “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng” và “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội; Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945, cb”.
Bên cạnh đó, ông còn cho ra mắt nhiều cuốn sách dịch thuật như: “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (J. Barrow)”, “Những người châu Âu ở nước An Nam (Ch. Maybon)”, “Tiểu sử một đô thị (W. Logan)”…
PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cho hay, ngay từ thời điểm bắt đầu hành trình nghiên cứu khoa học ông đã xác định sẽ tiếp cận theo góc nhìn khoa học, chứ không phải nghiên cứu theo hướng “hồi cố”. “Vào thời điểm đầu những năm 80 thế kỷ trước, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long - Hà Nội ở các kho tư liệu quý là khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo 2 ngoại ngữ này từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa được ai khai thác trước đó” - PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ chia sẻ.
Kể từ cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi Economic History of HaNoi in the 17th,18th,19th centuries (xuất bản năm 2002) trên cơ sở chỉnh lý, bổ sung luận án tiến sĩ của mình, cho đến nay ông vẫn luôn âm thầm, bền bỉ đọc và viết như “công nhân cần mẫn đào tìm quặng” để đều đặn hàng năm lại ra mắt những đầu sách viết, sách dịch, sách hiệu đính và nhiều bài tạp chí nghiên cứu... Ngoài ra ông cũng đang hoàn thành bản thảo cuốn “Lịch sử Việt Nam tập 10 - Đàng Ngoài 1593 - 1771” (thuộc Đề án khoa học xã hội cấp Quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”.
PGS.TS Vũ Văn Quân khi đánh giá về các công trình nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ có viết: “Đọc Nguyễn Thừa Hỷ, người ta thấy rất rõ sự uyên bác của tri thức và sự lịch lãm trong văn chương, nhất là những công trình về lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Có lẽ đó là sự kết hợp và thẩm thấu của một văn hóa Thăng Long nghìn xưa với một văn hóa thị dân khá thuần thục thời cận đại”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhận xét: “PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ là người Hà Nội lâu năm, rất hiểu Hà Nội và quan trọng nhất luôn thể hiện sự hiểu biết Hà Nội trên ngòi bút của một nhà khoa học. Đặc biệt anh đi vào lĩnh vực không phổ biến lắm là kinh tế, điều đó hết sức cần thiết bởi ta đừng quên kinh tế cũng làm nên nền tảng của văn hiến”.
Đau đáu, thiết tha với Hà Nội
Ngôi nhà của PGS. TS NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nằm ngay trên phố Huế. Chỉ vài bước chân là ông có thể xuống phố, hòa với nhịp sống sôi động của Hà thành. Ấy thế nhưng gần 20 năm qua, chứng bệnh viêm đa khớp đã khiến ông đi lại khó khăn. Dù chỉ quẩn quanh trong nhà nhưng ông vẫn dõi theo cuộc sống của Hà Nội qua những thông tin trên mạng internet hàng ngày và đặc biệt ông vẫn bền bỉ viết và cho ra đời các tác phẩm cả nghiên cứu, dịch thuật và hiệu đính.
Là người sinh ra và gắn bó nhiều năm với Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ bảo rằng ông hiểu và cảm nhận được nhiều cái hay, cái đẹp của mảnh đất Hà thành nhưng không vì thế mà sách viết về Hà Nội của ông chỉ “tô hồng” cho Hà Nội. Năm 2018, ông cho ra đời cuốn “Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội”. Cuốn sách như sự nối dài những trăn trở của ông về Hà Nội, đã được đề cập trong công trình trước đó với cách viết gần gũi, đi vào những chủ đề hết sức thiết thực đối với Hà Nội hôm nay.
Ở phần cuối cuốn sách, khi viết về “Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh”, PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ đã dồn nén nhiều tâm tư của mình về chất lượng thị dân Thăng Long - Hà Nội. Ông trăn trở: “Những con người Hà Nội đích thực, sau khi tìm hiểu về những quãng đời chìm nổi của đô thị này, làm sao lại không tự hào về một truyền thống lâu đời của lòng yêu nước, tinh thần lao động cần cù khéo léo, nếp sống hào hoa thanh lịch, trọng chữ tín? Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhìn thẳng vào những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực: thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động với những lề thói cố hữu. Và gần đây là những biểu hiện của thói vô cảm đáng báo động… Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc, không dễ dàng cho việc định tính, đánh giá chất lượng”.
Với PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, nếu chỉ nhìn Hà Nội thiên lệch từ một phía, về một Hà Nội luôn thanh lịch, hào hoa, anh hùng, trung thực thì đó là một cái nhìn có phần tô vẽ. “Ai cũng phải công nhận Hà Nội bây giờ thay đổi đến chóng mặt. Nhưng sự đàng hoàng không phải chỉ ở những tòa nhà chọc trời, khu đô thị hiện đại. Con người còn phải có nhân cách tử tế, tức là chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến phần đạo đức nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững” - PGS bày tỏ.
Theo ông, để yêu thương và gắn bó với Hà Nội cần có cả sự cảm thông và hiểu biết. Hiểu biết cặn kỹ về Hà Nội qua những quãng đời thăng trầm, vinh nhục. Hiểu biết cả về cái hay cái dở của những con người Hà Nội và những hoàn cảnh, môi trường xã hội đã tạo sinh ra nó. Từ đó giữ lấy những cái hay để yêu mến, phát huy, nhận biết những cái dở để loại bỏ. Và từ niềm hiểu biết sâu sắc ấy mà tự thấy mình có phần trách nhiệm trong những cái hay cái dở đó; tùy theo từng hoàn cảnh, bằng những hành động cụ thể, ít nhiều đóng góp vào việc cải tạo, xây dựng và phát triển thành phố tiến đến một Thủ đô hiện đại văn minh, và giàu tính nhân văn.
“Thà thắp một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi yên mà nguyền rủa bóng tối” - Chính bởi tâm niệm câu nói này của người xưa mà nhiều năm qua dù đi lại khó khăn, PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ vẫn bền bỉ nghiên cứu, tham gia hướng dẫn luận văn, luận án cho các sinh viên, nghiên cứu sinh… Những giải thưởng mà ông gặt hái được từ những công trình nghiên cứu của mình, những danh hiệu mà ông đã nhận chính là sự ghi nhận xứng đáng nhất cho những đóng góp của ông - một người lặng lẽ yêu và cống hiến cho Hà Nội.
Đặng Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất