15/06/2014 08:12 GMT+7 | Bảng D
(giaidauscholar.com) - Hai năm trước tại Kyiv, ĐT Anh đã gặp vô vàn khó khăn trong trận tứ kết gặp Italy mà nguyên nhân chủ yếu đã được giới chuyên môn kết luận sau này là do để lỏng Andrea Pirlo. Hai năm sau tại Manaus, một lần nữa họ mắc sai lầm tương tự.
Thay đổi của Prandelli
Lẽ thông thường, tại Juventus cũng như tại chính ĐT Italy trong thời gian qua, Andrea Pirlo luôn được đặt vào vị trí tiền vệ trụ duy nhất, vai trò của anh là một nhà tổ chức (“regista”). Daniele De Rossi được xác định là người đóng vai trò “cận vệ”, cùng một cái tên khác – trong trận này là Marco Verratti – thi đấu bên cạnh Pirlo như hai tiền vệ con thoi.
Cấu trúc bộ ba tiền vệ này xuất hiện trong mọi sơ đồ chiến thuật của Italia, ví dụ như 3-5-2, 4-3-2-1 hay gần đây là 4-3-3.
Tuy nhiên, HLV Cesare Prandelli đã tạo ra một sự thay đổi nhỏ mà không nhỏ: ông chọn De Rossi cho vị trí tiền vệ trụ, còn Pirlo thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm lệch trái. Verratti ở vị trí tiền vệ trung tâm lệch phải di chuyển nhiều hơn so với hai người đàn anh, đảm bảo việc liên kết giữa tuyến giữa và các cầu thủ phía trên trong sơ đồ 4-3-2-1.
Phía trên, Claudio Marchisio và Antonio Candreva đóng vai hai tiền vệ tấn công, ngoài ra Mario Balotelli sẵn sàng lùi sâu để nhận bóng nếu các tiền vệ dạt sang hai biên.
Không cản nổi “Andrea Da Vinci”
Sự thay đổi này đã phát huy một tác dụng lớn: Pirlo không bị bó buộc dưới sâu trên trục giữa sân nhà, thay vào đó là một vị trí giúp anh có thể di chuyển thoải mái hơn, thoát khỏi việc bị kèm cặp dễ dàng.
Raheem Sterling đã cố gắng để theo kèm Pirlo, nhưng việc lão tướng người Italy có thể dâng cao hơn thường lệ đã không ít lần khiến Sterling không kịp quay về - anh vẫn có nhiệm vụ tấn công để đảm nhiệm.
Hơn nữa, Pirlo ở vị trí này có rất nhiều lựa chọn để chuyền bóng nếu bị áp sát: nếu Sterling tiến tới, De Rossi gần như chắc chắn sẽ thoải mái; nếu Danny Welbeck rời cánh phải bó vào trung lộ, Giorgio Chiellini sẽ thoải mái hơn; nếu Jordan Henderson dâng cao để áp sát anh thì tiền vệ công Claudio Marchisio sẽ sẵn sàng.
Không quá khó hiểu khi Pirlo đã thực hiện tới 108 đường chuyền trong trận này với tỉ lệ thành công lên tới 95%. Nói một cách đơn giản, Anh hoàn toàn không thể “bắt chết” đối thủ như đã rục rịch trước trận.
Mối liên hệ giữa Pirlo và De Rossi cũng được thể hiện tuyệt vời khi cả hai đã chuyền cho nhau tổng cộng 50 lần. Như đã nói, việc Sterling là cầu thủ thường xuyên phải theo Pirlo đã giúp cho De Rossi hoàn toàn thoải mái cầm bóng. Lẽ dĩ nhiên, đội phó của Roma hoàn toàn thoải mái với việc triển khai – anh là một chân chuyền loại ưu.
De Rossi đã thực hiện tổng cộng 105 đường chuyền với tỉ lệ chính xác 94% - chỉ thua kém chút ít so với Pirlo. Ngoài ra anh đã có 2 pha tắc bóng thành công, 3 lần cắt ngang đường chuyền của đối thủ. HLV Prandelli và cả De Rossi đã giải phóng Pirlo khỏi việc phòng thủ - giờ anh chỉ còn một việc duy nhất để làm, cũng là việc anh giỏi nhất: phân phối bóng.
Đã có những thời điểm, tỉ lệ kiểm soát bóng của Italy lên tới 68% - con số rất tuyệt vời. Dù các bàn thắng đều đến ở những tình huống không phức tạp, nhưng rõ ràng các cơ hội liên tục đến là thành quả của sự kiểm soát thế trận mạnh mẽ này.
Nhường lại thế trận trong gần 15 phút cuối nhưng Italy vẫn trội hơn Anh về tỉ lệ kiểm soát bóng cuối trận với 56%. Họ đã thực hiện 561 đường chuyền, nhiều hơn đối thủ 136 lần, trong đó, bộ đôi Pirlo – De Rossi đã đóng góp 35%.
Sau hai năm nghiên cứu đối phó với Pirlo, cuối cùng người Anh vẫn thất bại!
Dũng Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất