Arsenal thanh lý Andrei Arshavin: Lạc lối ở xứ sở sương mù

09/06/2013 13:27 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Arshavin vừa chính thức chấm dứt cuộc phiêu lưu ở Arsenal khi bản hợp đồng của anh đáo hạn. Khi cầu thủ người Nga đặt chân đến nước Anh 4 năm trước, có lẽ không ai nghĩ anh lại ra đi không kèn không trống như thế này.


Sân Tivoli-Neu, Innsbruck, Áo, 2008. Nga gặp Thụy Điển ở lượt trận thứ 3 của vòng bảng. Arshavin trở lại sau án treo giò khiến anh vắng mặt 2 trận đầu tiên  của vòng bảng, ghi 1 bàn và kiến tạo 1 bàn để đưa Nga lọt vào tứ kết. Trước đó, anh đã là ngôi sao sáng nhất giúp Zenit St Petersburg giành Cúp UEFA mùa giải 2007-2008.

Người hùng ở Áo, người thừa ở Anh

Nhưng phải đến trận đấu kể trên, nhiều người mới được tận mắt chứng kiến khả năng của cầu thủ mang áo số 10. Bằng tốc độ và kĩ thuật của mình, Arshavin đã khiến Thụy Điển khốn khổ, và trở thành vị cứu tinh cho ĐT Nga.

Lúc đó, Arshavin dường như có tất cả: tốc độ, nhãn quan chiến thuật, khả năng khống chế bóng tinh tế và hình bóng của một ngôi sao hàng đầu. Arshavin tiếp tục là đầu tàu giúp Nga đánh bại Hà Lan 3-1 ở tứ kết, và chỉ chịu thua đội sau đó lên ngôi vô địch là Tây Ban Nha ở bán kết.

Arshavin ngay lập tức anh trở thành món hàng “hot” trên thị trường chuyển nhượng. Barcelona đã từng muốn mua anh, trước khi Arshavin cập bến Arsenal. Arsenal bỏ ra số tiền kỉ lục khi đó là 15 triệu bảng, và vụ chuyển nhượng cũng chỉ được xác nhận sau khi thị trường chuyển nhượng mùa Đông đóng cửa được 24 giờ. Khi đó, anh 28 tuổi, đang ở độ tuổi chín của sự nghiệp và đã sẵn sàng cho một thử thách mới. Nhiều người đã nghĩ như thế, và có lẽ bản thân Arshavin cũng đã nghĩ vậy.

5 năm sau, Arshavin rời Arsenal không kèn không trống, sau khi hợp đồng của anh với đội chủ sân Emirates kết thúc. Arshavin chỉ ghi được 1 bàn ở mùa giải vừa qua, và mùa trước đó là 2 bàn.

Vì sao Arshavin thất bại?

Có một vài ý kiến cho rằng Arshavin đã không được thi đấu nhiều ở vị trí sở trường: không phải đá cánh, không phải trung phong, mà là ở vị trí nhạc trưởng, nơi mọi đường tấn công đều qua chân anh. Ở Zenit, anh là ngôi sao sáng nhất. Ở Arsenal, Arshavin cũng chẳng khác gì những người còn lại. Trên lí thuyết, Arshavin rất phù hợp với lối đá kĩ thuật và phối hợp nhỏ của Arsenal. Nhưng thực sự thì càng về sau, anh càng tỏ ra lạc lõng so với các đồng đội.

Arshavin cũng hơi thấp bé (chỉ cao có 1m72) so với giải đấu đậm chất thể lực và mạnh ở không chiến như bóng đá Anh. Trước đó có rất ít cầu thủ nhỏ con và khéo léo có thể thành công lâu dài ở xứ sở sương mù, ngoại trừ Gianfranco Zola ở Chelsea. Những tiền đạo thành công nhất ở Premier League đều có sự pha trộn giữa thể lực dồi dào và kĩ thuật khéo léo, như Thierry Henry, Wayne Rooney, David Ginola, Didier Drogba hay Eric Cantona. Phải đến gần đây, những người như Mata, Cazorla, Hazard mới tạo được dấu ấn của mình khi Premier League dần “latin hóa”.

Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là Arshavin đã đến Anh với cảm giác no đủ và tỏ ra xao nhãng. Theo lẽ thường, với một người đã 28 tuổi nhưng chỉ chơi bóng ở trong nước, khi đến với Premier League, anh ta sẽ rất nỗ lực, khao khát giành được những thành công. Nhưng có vẻ như ở quê nhà, Arshavin đã có mọi thứ mà anh muốn, và vì vậy coi việc chuyển sang Arsenal chỉ giống như là một chuyến phiêu lưu thú vị vào cuối sự nghiệp, gần giống như việc các cầu thủ sang Mỹ hay Trung Quốc chơi bóng như bây giờ vậy.

Quãng thời gian ở Anh của Arshavin không chỉ toàn màu đen. Những CĐV Arsenal sẽ không thể nào quên 4 bàn thắng vào lưới Liverpool ở mùa giải 2008-2009, hay pha lập công quyết định mang về chiến thắng 2-1 trước Barcelona ở Champions League năm 2011. Tiếc rằng, các CĐV Arsenal chỉ nhớ đến Arshavin ở 2 mùa giải gần đây nhiều hơn, khi anh chẳng cho thấy bất kì hình bóng nào của chàng trai đã bùng nổ ở Innsbruck 5 năm về trước.

THANH HOÀI
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm