12/11/2012 07:10 GMT+7 | Truyền hình thực tế
(TT&VH) - Vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát truyền hình do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức diễn ra cùng thời điểm với vòng chung kết hai cuộc thi khác đang rất “hot” của VTV: Vietnam Idol và Giọng hát Việt. Tuy nhiên, điều đáng nói là Tiếng hát truyền hình dường như đang muốn tìm lại chính mình, trở lại với bản sắc của mình trước sự bùng nổ và chạy đua truyền hình thực tế ca nhạc hiện nay.
Trong tình hình chung của việc tìm kiếm tài năng ca hát qua những cuộc thi trên truyền hình, sự hiếm muộn tài năng là điều mà ai cũng thấy. Các thí sinh đoạt giải nhất trong các cuộc thi, đa số chỉ dừng lại ở mức “tài năng triển vọng”. Cuộc thi Tiếng hát truyền hình cũng không ngoại lệ.
Trở lại với chính mình
Bốn thí sinh vào chung kết xếp hạng (đêm 9/11 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM) của cuộc thi này có đến 3 thí sinh nhận giải hát hay nhất của các dòng nhạc: Lưu Hiền Trinh (nhạc nhẹ), Ajun Y’Jalin (nhạc truyền thống cách mạng và phong cách acoustic) và Lê Quang Huy (nhạc dân ca/âm hưởng dân gian). Tuy nhiên, xét về chất giọng, kỹ thuật hoặc cá tính âm nhạc, các thí sinh cũng chưa thể hiện được điều gì quá đặc biệt mà chỉ ở mức “triển vọng” như đã nói trên. Và việc hát hay nhất một dòng nhạc cũng chỉ là trong phạm vi của cuộc thi. Bởi ngay trong đêm 9/11, thí sinh Lê Quang Huy còn có chuệch choạc khi biểu diễn bài thi Tùy hứng lý ngựa ô (Trần Tiến), bài hát thuộc dòng nhạc mà anh là người hát hay nhất.
Công luận đã có lúc than vãn về những “ngôi sao”, “thần tượng” từ các cuộc thi, bởi rất nhiều người ca hát cũng “tầm tầm” và thường mất hút trên thị trường sau khi họ nhận danh hiệu nói trên. Hay nói cách khác, những kịch bản nước ngoài chưa phù hợp với thực tế Việt Nam và nó trở thành như một sự “ngoa ngôn”.
Cuộc thi Tiếng hát truyền hình bắt đầu từ năm 1991, nhưng năm 2006, Tiếng hát tryền hình được thay bằng kịch bản Super Star - một format truyền hình thực tế - để trở thành Ngôi sao Tiếng hát truyền hình trong bối cảnh liên tiếp nhiều năm sau đó nhiều chương trình truyền hình thực tế như Vietnam Idol, Ngôi nhà âm nhạc, Hợp ca tranh tài, Giọng hát Việt ra đời.
Ngoài yếu tố giải trí hấp dẫn, phần lớn các cuộc thi đã có những biểu hiện “lệch lạc” - nặng về kinh doanh, ít chú trọng đến yếu tố âm nhạc Việt, trong đó điều đáng nói nhất là các cuộc thi vắng bóng những ca khúc truyền thống, ca khúc mang âm hưởng dân ca.
Việc BTC Ngôi sao Tiếng hát truyền hình bỏ cụm từ “ngôi sao” để trở lại Tiếng hát truyền hình như trước đây cho thấy cuộc thi này muốn tìm lại chính mình chứ không muốn “mang màu sắc thị trường” - như nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã phát biểu trong đêm chung kết xếp hạng.
Tôn vinh bản sắc Việt
Khi các ca khúc nước ngoài đang trên đà tràn ngập ở các cuộc thi khác, thì việc Tiếng hát truyền hình 2012 “nói không” với nhạc ngoại, nó như sự cảnh tỉnh đối với nhiều người và cũng là một cách để tôn vinh và thúc đẩy nhạc Việt Nam phát triển.
“Bản sắc Việt” được xem như “slogan” của cuộc thi, yếu tố đầu tiên của bản sắc Việt có lẽ là thí sinh không hát nhạc nước ngoài mà chỉ hát nhạc Việt. Ở Tiếng hát truyền hình năm nay, ngoài ca khúc “nhạc trẻ”, thí sinh còn hát ca khúc truyền thống cách mạng, ca khúc mang âm hưởng dân gian và ca khúc sở trường thể hiện theo hình thức “mộc” (acoustic).
Khi các ca khúc nước ngoài đang trên đà tràn ngập ở các cuộc thi khác, thì việc Tiếng hát truyền hình 2012 “nói không” với nhạc ngoại, nó như sự cảnh tỉnh đối với nhiều người và cũng là một cách để tôn vinh và thúc đẩy nhạc Việt Nam phát triển.
Nếu truyền hình thực tế, các kịch bản mua của nước ngoài đều theo xu hướng trao quyền lớn nhất cho khán giả để họ quyết định các “ngôi sao”, “thần tượng”, thì ở Tiếng hát truyền hình đang ngược lại. Giải Nhất là do ban giám khảo chấm điểm với bài thi riêng, còn khán giả bình chọn thí sinh được yêu thích nhất thì có bài biểu diễn riêng và đây cũng chỉ là một giải phụ của chương trình.
Một sự đổi mới khác ở Tiếng hát truyền hình 2012 là ban giám khảo trẻ trung hơn, nhưng là những gương mặt ca sĩ, nhạc sĩ có trình độ, có uy tín hiện nay (NSƯT Thanh Lam, NSƯT Thanh Thúy, nhạc sĩ Việt Anh, Lưu Thiên Hương).
Có thể nói đã khá lâu, những giai điệu đã gắn bó một thời với khán giả như: Sông Đăkrông mùa xuân về, Trở về dòng sông tuổi thơ, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa… vắng bóng trong nhiều cuộc thi hát truyền hình, nay lại vang lên tại Tiếng hát truyền hình 2012. Đặc biệt là các ca khúc như: Tùy hứng lý ngựa ô, Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Giai điệu tổ quốc, Khát vọng… như nhắc nhở mọi người về truyền thống và cội nguồn của dân tộc.
Và việc dám “xa lánh” yếu tố thị trường để xây dựng “bản sắc Việt” của cuộc thi Tiếng hát truyền hình là một điều rất đáng hoan nghênh.
Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất