Charlie Hebdo trở lại sạp báo cùng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed

13/01/2015 14:34 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Bức biếm họa vẽ Nhà tiên tri Mohammed đang khóc, tay cầm tờ giấy có ghi "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie), dưới dòng chữ "Tha thứ là tất cả", trên nền màu xanh lục, đã xuất hiện trên trang bìa số ra mới nhất của tuần báo trào phúng Charlie Hebdo.

Đây là ấn bản đầu tiên của Charlie Hebdo, kể từ sau khi xảy ra vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn tờ báo, khiến nhiều họa sĩ biếm và tổng biên tập báo thiệt mạng. Bức tranh biếm họa Mohammed đã xuất hiện như dự đoán của nhiều người, dù việc này có thể sẽ lại chọc giận một số tín đồ Hồi giáo cực đoan, những người luôn chống lại việc mô tả hình ảnh Nhà tiên tri dưới bất kỳ hình thức nào.

Các phóng viên và nhân viên còn sống sót của Charlie Hebdo sau vụ thảm sát diễn ra hôm thứ Tư tuần trước (7/1) đã thề sẽ gìn giữ truyền thống của tờ báo, không cần biết đối tượng bị châm biếm là các tôn giáo, chính trị gia, người nổi tiếng hay sự kiện tin tức nổi bật trên thế giới.

Các phóng viên Charlie Hebdo đang phải làm việc tạm tại văn phòng của tờ Liberation

"Chúng tôi sẽ "không khuất phục" trước những kẻ cực đoan đang tìm cách bịt miệng tờ báo" - Richard Malka, luật sư của Charlie Hebdo đã tuyên bố hôm 12/1 - "Trong từng số báo được xuất bản suốt 22 năm qua, chưa có nhân vật nào thoát khỏi việc trở thành đề tài của tranh biếm họa, từ Giáo hoàng, Chúa Jesus, các linh mục, giáo sĩ Do Thái, cho tới Nhà tiên tri Mohammed. Sẽ là điều "đáng ngạc nhiên" nếu hình ảnh biếm họa Mohammed không xuất hiện trên số báo mới".

Làm việc trong tòa soạn của đối thủ... để hồi sinh

Kể từ ngày thứ Sáu tuần trước (9/1), các nhân viên còn sống sót của Charlie Hebdo đã bắt đầu làm việc trở lại trong văn phòng của đối thủ, tờ Liberation. Họ tác nghiệp cùng các thiết bị mượn từ nhiều cơ quan báo chí Pháp.

Tòa soạn Charlie Hebdo hiện vẫn bị cảnh sát phong tỏa để phục vụ công tác điều tra. Lối vào tòa soạn phủ đầy hoa, bút chì và nến, do người dân Paris mang tới, để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố. Sự kiện tấn công tòa soạn tờ báo này đã mở đầu cho các hoạt động khủng bố, bắt cóc con tin kéo dài 3 ngày, gây chấn động nước Pháp. Đặc nhiệm Pháp sau đó đã bắn chết 2 tên khủng bố Charlie Hebdo là anh em Cherif và Said Kouachi cùng kẻ đồng lõa Amedy Coulibaly. Tuy nhiên chúng đã kịp ra tay giết hại 17 người vô tội.

Trước khi bị tấn công khủng bố, Charlie Hebdo đang đứng trước nguy cơ phá sản sau 44 năm hoạt động. Lượng phát hành của tuần báo này chỉ đạt mức 60.000 bản mỗi tuần. Nhưng kể từ khi được cả thế giới biết đến, dù theo một cách thức đáng buồn, Charlie Hebdo đã nhận được cam kết hỗ trợ từ Chính phủ và các tập đoàn truyền thông Pháp.

Sau vụ khủng bố, tạp chí cũng trở thành biểu tượng cho sự tự do ngôn luận của nước Pháp. Cuối tuần trước, khoảng 1,5 triệu người đã tập trung tại Paris để tham gia cuộc tuần hành chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại. Những người tham gia tuần hành đã cầm trên tay khẩu hiệu "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie) để ủng hộ tờ báo.

Được biết số báo mới nhất của Charlie Hebdo đã được in tới 3 triệu bản. Ngoài việc bán ở Pháp, chúng còn được dịch ra 16 ngôn ngữ và phát hành tới 25 quốc gia, để đáp ứng sự quan tâm đặc biệt của nhân dân thế giới.

Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm