19/05/2012 14:15 GMT+7 | Thế giới Sao
(TT&VH Cuối tuần)- Trên khuôn mặt với những đường nét không được chuẩn mực cho lắm của anh, một “tổ hợp” vết sẹo chạy dài từ đuôi lông mày phải xuống đến cằm. Franck Ribery-“báu vật của bóng đá Pháp” (lời Zinedine Zidane), hiện đang là tiền vệ cánh không thể thay thế của CLB Bayer Munich, đã sống chung với nó gần 30 năm, và có lẽ là cho đến hết cuộc đời của mình, anh không hề có ý định che nó đi. Tạo hóa đã cười cợt vào mỹ học, nhưng Ribery đã cười nhạo lại tạo hóa, bằng sự kiêu hãnh của một cái tôi lớn không bao giờ chối bỏ chính mình.
Có lẽ không nhiều người dám nhìn lâu vết sẹo xấu xí ấy, một ký ức kinh hoàng: Năm lên hai tuổi, Ribery bị đập mặt vào kính chắn gió trong một vụ tai nạn ô tô, để lại một vết rách lớn cần đến hàng trăm mũi khâu. “Tôi ngồi ở phía sau, và bị bay thẳng vào kính trước khi tai nạn xảy ra. Tôi còn quá nhỏ để đếm các mũi khâu, nhưng tôi nghĩ rằng nó phải lên đến hàng trăm. Tai nạn rất nghiêm trọng, nhưng điều kỳ lạ là không ai thiệt mạng. Tôi quả thật đã rất may mắn”, Ribery nhớ lại. Sau này, anh thường xuyên bị chúng bạn trêu chọc vì vết sẹo ấy, và nó thậm chí khiến anh phải rất khó khăn trong quá trình tìm một đội bóng để khởi nghiệp, dù tài năng được bộc lộ từ khá sớm.
HLV Jean-Luc Vandamme, người đã mang anh đến học viện thanh thiếu niên của Lille vào năm 1996, nói về Ribery: “Franck có khả năng dự đoán tuyệt vời. Cậu ta phân tích tình huống nhanh hơn ba lần so với những người khác. Trên sân, cậu ta có thể tạo ra đột biến ngay khi những cầu thủ khác vẫn còn đang mải phân vân. Ai nghĩ rằng cậu ta quá mỏng người, thì người đó thật sự ngốc nghếch. Cậu ta có trí thông minh thực tiễn, giống như mọi cầu thủ lớn khác”.
Ribery thông minh và xảo quyệt nhưng cũng dễ bị kích động
Nhưng thể hình nhỏ bé, vết sẹo và điểm số học tập tồi tệ đã khiến Ribery không thể trụ lại ở trường đào tạo nội trú của CLB Lille, dù được đánh giá rất cao về khả năng chơi bóng. Tính cách có phần quái dị cũng khiến Ribery không thể hòa đồng với bạn học và thường xuyên ẩu đả với những cậu nhóc khác.
Vết sẹo đã đi qua thời kỳ đầy khó khăn ấy của anh, với hành trình zigzag qua hàng loạt những đội bóng nhỏ, để rồi thậm chí đối diện với nguy cơ phải từ bỏ đam mê. Đội bóng đầu tiên mà Ribery khoác áo là Boulogne, nơi anh nhận mức lương bèo bọt 150 euro/tháng. Sau đó, Ribery thử sức ở Ales, một CLB được thành lập từ năm 1923, nhưng chiến tích lớn nhất trong lịch sử của họ chỉ là một chức vô địch Ligue 2 năm 1957. Nhưng cũng chỉ được ba năm, anh rời đội, vì thu nhập quá ít ỏi. Ribery trở về nhà và bắt tay làm… xây dựng cùng gia đình một thời gian. Giấc mơ bóng đá tưởng chừng đã tắt: “Tôi làm mọi thứ, từ đào đường, mắc dây điện, đào và san lập hố”, Ribery nhớ lại. “Làm việc cạnh cha tôi để học hỏi kinh nghiệm”.
Vì sao tôi phải buồn với khuôn mặt mình?
Ribery và vợ Wahiba
Bóng đá, cũng như vết sẹo kinh khủng chạy dài trên khuôn mặt, đã từng làm khổ anh, nhưng Ribery không chối bỏ chúng. Trong một bài trả lời phỏng vấn vào thời điểm diễn ra World Cup 2006, giải đấu mà Ribery đã chơi cực hay khi được sát cánh bên Zinedine Zidane, phóng viên hãng thông tấn AP đặt vấn đề rằng anh có bao giờ muốn tẩy vết sẹo của mình đi không, Ribery đáp: “Đây là khuôn mặt của tôi, và là khuôn mặt mà mọi người vẫn biết. Tôi hạnh phúc với khuôn mặt của mình, và lý do gì để tôi không vui vẻ vì nó nào?”.
Anh luôn vui vẻ chấp nhận bản thân mình, dù đó có là một bản thể xấu xí và khắc khổ. Anh chấp nhận dấn thân một lần nữa vào thế giới bóng đá, dù nó đã đem đến cho anh nhiều sự thất vọng trong những năm đầu khởi nghiệp. Ông Jose Pereira, người đã huấn luyện Ribery từ những ngày đầu, cho biết: “Ngay cả một cái bóng đèn đường cũng biết rằng Ribery là một cầu thủ rất hay, nhưng bạn phải luôn xem cậu ta như một chảo sữa chỉ chực sôi trào. Cậu ta là một tên nhóc lớn lên từ đường phố”.
Ribery, giống như rất nhiều đứa trẻ khác cùng thế hệ của anh, lớn lên trong những con phố nghèo ở ngoại ô Boulogne, trong một gia đình lao động có thu nhập thấp, ít học, nhưng táo tợn và gan lì. “Nếu tôi phải suy nghĩ kỹ, thì đó không phải là tôi nữa. Tôi luôn luôn có thói quen không biết sợ, trước bất kỳ hoàn cảnh nào”, Ribery trả lời AP cách đây 6 năm. Philippe Goursat, HLV đã giúp Ribery vượt qua nỗi thất vọng ở đội Brest (2003-2004), nói rằng Franck giống như một người đã “đánh mất linh hồn” nhưng “vẫn biết chìa tay ra cho những ai muốn giúp đỡ anh”. Trong mắt Goursat, Ribery là một “chú hề dễ chịu, có trái tim mềm yếu”.
Ribery (phải) bên cạnh người tiền bối Zidane- Ảnh Getty
Báo chí Pháp viết rằng lối chơi của anh ở cả CLB và ĐTQG cũng mang hơi hướm đường phố, rất “thông minh và xảo quyệt”, nhưng cũng dễ bị khiêu khích và đánh mất lý trí. Chính HLV Jean-Luc Vandamme, người đã đưa Ribery về lò đào tạo của Lille và đánh giá rất cao tài năng của anh, đã phải ra quyết định buộc anh rời học viện bóng đá thanh thiếu niên của đội vì xô xát với bạn học. Nhưng ước mơ của Ribery những ngày khởi nghiệp thật ra cũng rất giản dị: “Tôi chỉ muốn kiếm tiền để giúp đỡ gia đình, và kể từ khi tôi chuyển sang chơi chuyên nghiệp, mọi việc diễn ra quá nhanh”.
Thêm một cơ hội ở Allianz
Ribery đã sửa đổi phần nào tâm tính sau khi nhận ra mình chỉ có thể tiến xa nếu kết hợp tài năng với kỷ luật và ý chí. Thái độ này gây ấn tượng với Metz, đội bóng đã chìa ra cho anh hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời vào năm 2004. Từ đó, Ribery không dừng lại nữa, và vết sẹo trên mặt thậm chí còn trở thành một “thương hiệu” của anh. World Cup 2006, anh tỏa sáng và cùng Zidane đưa đội tuyển Pháp vào đến trận chung kết. Từ Galatasaray, Marseille cho đến Bayern, Ribery đều là cầu thủ được yêu mến nhất, dù không ít lần cá tính “đường phố” đã làm hại anh, từ scandal ở Nam Phi hai năm trước, cho đến những màn ẩu đả (thậm chí là với chính các đồng đội, như trường hợp xô xát với Arjen Robben mới đây) và những rắc rối đời tư. Một năm trước là scandal mua dâm vị thành niên, và đánh mất cơ hội chơi trận chung kết Champions League một cách lãng nhách vì một pha giẫm chân rất thô thiển với Lisandro Lopez (Lyon) tại bán kết.
Đó là những khoảnh khắc mà vết sẹo trên mặt trở nên nhức nhối. Nó nhắc lại xuất thân của Ribery: không được ăn học đầy đủ, không được lớn lên trong sự bao dung thật sự của những người xung quanh và phải tự tìm ra con đường đi cho bản thân. Nhưng anh cũng mang đến không ít niềm vui, bằng một thứ bóng đá tinh quái, dị biệt, và tạo ra nhiều xúc cảm ở những thái cực khác nhau cho người xem. Những tổn thương mà anh gây ra cho người hâm mộ cũng được chính anh hàn gắn, bằng thứ bóng đá rất khác biệt ấy của mình, trưởng thành qua một con đường cũng thật sự khác biệt. Kể từ thời của David Ginola và Eric Cantona, đội tuyển Pháp mới sở hữu một ngôi sao ở đẳng cấp thế giới có gốc Pháp thực sự, chứ không phải những cầu thủ có gốc gác châu Phi, hay Caribe.
Giờ thì nỗi đau của những người Bavaria hai năm trước, cũng tại trận chung kết Champions League, hứa hẹn sẽ được anh xoa dịu tại Allianz vào ngày 19/5 tới đây. Cũng có thể sẽ lại là một trận đấu mà cầu thủ người Pháp không thể kiểm soát nổi lý trí của anh. Nhưng dù thế nào, thì Ribery vẫn sẽ khiến cho rất nhiều người phải háo hức chờ đợi anh ra sân, vì cách anh sống chung và chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân trong quãng đời đã qua, và nhiều khả năng là trong cả quãng đời còn lại của mình. Chính cá tính ấy làm nên điều khác biệt của anh trên sân, cũng như vết sẹo đã từng là vật cản trở anh trên con đường sự nghiệp, thì bây giờ, qua bao nhiêu biến động, lại trở thành một hình ảnh gắn liền với sự dị biệt của anh.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất