Phim cấm người dưới 17 tuổi nhìn từ 'Blue Is the Warmest Color' (Kỳ 1)

30/10/2013 13:49 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Được/ bị xếp hạng NC-17 gần như đồng nghĩa với doanh thu thấp và không được phổ biến với đông đảo khán giả, nhưng đó không nên là rào cản để những khán giả trưởng thành tiếp cận với nghệ thuật.

Theo Los Angeles Times, năm nay, phim Cành cọ vàng Blue Is the Warmest Color chính là tác phẩm điện ảnh thuộc loại NC-17 (phim có chất lượng nghệ thuật nhưng không phù hợp cho khán giả chưa trưởng thành) đáng chú ý nhất được công chiếu. Nhờ đó, chủ đề phim NC-17 lại nóng lên.

NC-17 = doanh thu thấp

NC-17 (No One Under 17 Admitted- Cấm người dưới 17 tuổi) là mức xếp hạng phim dựa theo lứa tuổi do MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ) dành cho bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất trong năm này.

Điều đó có nghĩa không một khán giả dưới 17 tuổi nào được xem bộ phim. Xếp hạng này cũng có nghĩa vài rạp sẽ không chiếu phim này, vài cửa hàng sẽ không nhập DVD về bán và vài phương tiện truyền thông sẽ không quảng bá cho phim.

Hai diễn viên chính Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux trong một cảnh phim Blue Is the Warmest Color.

Viện MPAA đề ra mức xếp hạng NC-17 vào năm 1990 để thay thế mức xếp hạng X – vốn dành cho các phim khiêu dâm. Trước đó, nhiều phim bị dán nhãn X như Midnight Cowboy, A Clockwork Orange, Last Tango in Paris và phim hoạt hình Fritz the Cat. Về sau, những phim đó được xác định là không phù hợp với trẻ em nhưng không phải là phim khiêu dâm.

NC-17 là một cái nhãn bất lợi với việc phát hành phim. Các nhà làm phim thường chọn cách biên tập, cắt sửa thêm một chút để phim được giảm xuống hạng R – khán giả dưới 17 tuổi vẫn được xem, nhưng phải có sự hướng dẫn của người lớn, một mức xếp hạng phổ biến hơn và tạo ấn tượng dễ tiếp nhận hơn.

Phim càng được chiếu ở nhiều rạp đồng nghĩa với nhiều tiền hơn, thứ mà không nhà sản xuất nào không muốn. Điều này cũng cho thấy đóng góp quan trọng của lớp khán giả trẻ đối với ngành công nghiệp điện ảnh.

Vì thế, không ngạc nhiên khi phim NC-17 thường có doanh thu thấp, phim ăn khách đến giờ vẫn là Showgirls (1995) với chỉ hơn 20 triệu USD. Đây là một phim nổi tiếng và tai tiếng, do ngôi sao Elizabeth Berkley đóng vai chính.

Nhiều hãng phim nhỏ, không phải là thành viên của MPAA, lại chọn cách đưa phim ra khỏi hệ thống xếp hạng, chiếu phim không dán nhãn độ tuổi nhưng điều đó khiến phim khó tiếp cận các rạp hơn. Trước đây, làm theo cách này có các phim Happiness, Requiem for a Dream, The Pillow Book…

Đó đều là những phim có doanh thu thấp hoặc cực thấp. Không chỉ kiếm được ít tiền, phim NC-17 còn gặp bất lợi về mặt tiếng tăm do hạn chế khán giả. Blue Is the Warmest Color nổi như cồn một phần do những tranh cãi hậu trường.

NC-17, thì sao?

Đó là trường hợp Blue Is the Warmest Color của đạo diễn Abdellatif Kechiche, ra mắt tại Mỹ hôm 25/10. Tính đến ngày 27/10, doanh thu quốc tế của phim vào khoảng 5,2 triệu USD, theo Box Office Mojo.

Doanh thu đó là cao hay thấp? Ở Mỹ, trong cuối tuần qua phim thu về hơn 100.000 USD chủ yếu ở New York và Los Angeles, được xem là cao so với mặt bằng doanh thu phim nước ngoài ở Mỹ.

Theo New York Times, ở New York, một số rạp chiếu đã quyết định bỏ qua xếp hạng của MPAA. IFC Center, một hãng phát hành có tên tuổi, đã không quay lưng với khán giả trẻ.

Trong một thông cáo báo chí, hãng này cho biết: "Đây không phải là phim dành cho thiếu nhi, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, phim không phải là không thích hợp với đối tượng thiếu niên trưởng thành và tò mò về cuộc sống, những người đang tìm tòi các thử thách về cảm xúc và cơ hội để trưởng thành hơn nữa". Vì thế, IFC sẽ chấp nhận cho đối tượng khán giả nói trên xem Blue Is the Warmest Color.

Theo New York Times, Blue Is the Warmest Color một khía canh nào đó vẫn có thể coi là phim dành cho tuổi teen: nhân vật chính gặp mối tình đầu, đang học trung học với những rắc rối của tuổi mới lớn như lựa chọn con đường tương lai, áp lực gia đình, bài vở…

Dù các nhân vật chính là người Pháp, nhưng câu chuyện đời của họ vẫn tạo được sự đồng cảm ở những khán giả cùng lứa ở các đất nước khác. Bài viết trên New York Times cho rằng phần hình ảnh đã khiến bộ phim bị dán nhãn NC-17, còn thông điệp hoàn toàn hướng đến thanh thiếu niên.

Theo Time, trong vòng 5 năm qua có không đến 10 phim bị xếp hạng NC-17 và nếu đã bị xếp hạng này thì đều có cảnh nóng rất bạo. Nếu xem, khán giả nên chuẩn bị cho những tổn thương tinh thần chứ không phải là bị kích thích tình dục.



Kỳ 2: Khi cái nhãn NC-17 đã lỗi thời
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm