Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam: 'Hát, trước hết để cho mình'

07/03/2017 07:33 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ngày 7/3 vừa qua, trên Zing MP3, sản phẩm âm nhạc Bài hát viết cho em của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam và Hồ Tiến Đạt chính thức phát hành. Điều gì thôi thúc một nhiếp ảnh gia có phong cách và bận rộn như Nam đến với âm nhạc?

“Là người sống bằng cảm xúc, đôi khi tôi thấy những chuyện khó nói, khó bày tỏ cần được giải tỏa bằng phương tiện nghệ thuật. Tôi từng có hội họa, có thơ ca, có văn học, giờ thì là âm nhạc"- nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam bắt đầu câu chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN). "Hát giúp mình nhẹ nhàng hơn, ổn định tâm lý, cân bằng cảm giác, và nói được điều mình muốn nói một cách đầy cảm xúc”,

* Đang ở tuổi trung niên, điều gì khiến anh chuyển vai để trở thành một"ca sĩ trẻ"?

- Nếu có ý định làm ca sĩ trẻ tôi phải bắt đầu việc này sớm hơn, chừng 20 năm trước, chứ không phải bây giờ. Tôi hát cho mình, dùng cảm xúc thật, tình cảm thật đặt vào từng chữ mình thốt lên. Việc hát như thế nào không quan trọng bằng việc mình cảm thấy nó đã đủ cảm giác chưa.

Tôi đi tìm mình khi hát, cảm giác ấy từng có nhưng không nói được, giờ cất lên thành nhạc. Đôi khi tôi cảm thấy mình đã rơi rớt đâu đó trong cuộc đời, nay hát để gom lại, nhằm giữ lấy chính mình mà thôi.


Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam với sản phẩm âm nhạc phát hành ngày 7/3. Ảnh: Tiến Lợi

* Xuất thân trong gia đình nghệ thuật, rồi theo học một ngành nghề khác, vậy mà anh đến với nhiếp ảnh. Rồi anh có thú sưu tập băng đĩa, sáng văn chương, hội họa. Tất cả điều này có ảnh hưởng đến quyết định tập hát và đi hát của anh gần đây không?

- Chuyện hát hò không phải là một quyết định liên quan tới công việc. Tôi hát chỉ vì thích hát và được phép bày tỏ cảm xúc của mình. Tình cờ gặp đúng Mộc Saigon Band, với những tâm hồn đồng điệu thì hát. Có duyên gặp được những bài hát đúng tâm trạng, đúng cảm giác, đúng câu chuyện thì hát. Được làm bạn với những người viết nhạc như nhạc sĩ Quốc Bảo, Đức Trí, Việt Anh…, hay mới nhất là Hồ Tiến Đạt, Châu Đăng Khoa, Kai Đinh... thì hát. (cười)

Những vinh hạnh này nếu ở 20 năm trước tôi không thể có. Và 20 năm trước tôi nghĩ mình không đủ sâu sắc cho những lựa chọn của mình. Những thú chơi bạn vừa đề cập, thói quen chọn nhạc và nghe nhạc là một phần không thể thiếu trong hành trình dẫn đến cách hát ngày hôm nay. Tôi nghĩ bây giờ mình mới cất tiếng hát có khi là điều may mắn.

Tuy nhiên như bạn nói, làm cái gì cũng cần phải có chuyên môn sâu thì mới làm việc đó tốt được. Người như tôi, cầm bản nhạc lên không xướng âm được thì không nên gọi là ca sĩ, tôi chỉ là người hát có cảm xúc thôi. Nếu muốn làm ca sĩ, tôi phải học nhiều hơn nữa.

* Là một người có kinh nghiệm nghe nhạc, nếu tự tách mình ra để làm một khán giả, anh thấy mình hát thế nào? Khi đi hát, anh có ngại những gièm pha, thị phi?

- Tôi thường bật nhạc mình hát để nghe khi chạy xe, nghe nhạc mình hát để tìm thấy mình. Nghe nhạc của người khác hát khi muốn biết cuộc sống quanh mình ra sao. Chả biết thế là hay hoặc dở nữa, nên không thể tự nhận xét về mình.

Như đã nói, tôi chỉ hát sao cho có cảm xúc nhất, với mình như thế là đủ, và sẽ luôn là như thế. Chính vì vậy, tìm thêm được một người đồng cảm là vui, người không thích sẽ có rất nhiều chọn lựa khác để nghe trong thời điểm hiện tại.

 Cho đến nay, may mắn là tôi chưa vướng phải dèm pha hoặc thị phi gì về chuyện hát hò, có lẽ một phần do tôi tìm kiếm sự đồng điệu ở người nghe hơn là khẳng định một điều gì đó. Một khi đã đồng điệu thì tôi thấy mình có được yêu thương nhiều hơn.

* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.


Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm