Phát hiện hai khoang bí mật trong đại kim tự tháp ở Ai Cập

19/10/2016 07:08 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Cuối tuần qua, các chuyên gia khẳng định trong đại kim tự tháp hơn 4.500 năm tuổi ở Giza (Ai Cập) có hai "khoang bí mật", sau khi họ chụp quét công trình cổ đại này bằng thiết bị chụp tia X.

Xác nhận này được đưa ra sau khi Bộ Cổ vật Ai Cập thông báo có "hai phát hiện không bình thường" trong kim tự tháp được xây dựng cách đây hơn 4.500 năm, dưới triều đại Vua Khufu. Cụ thể, họ nhận thấy 3 tảng đá có nhiệt độ cao hơn các tảng đá xung quanh, qua đó họ hy vọng có thể tìm thấy căn phòng ẩn bên trong. Các chuyên gia cho biết, họ sẽ tiến hành phân tích thêm nhằm biết được chức năng và kích cỡ của hai khoang này.

Kỳ quan cổ đại duy nhất còn tồn tại

Với độ cao 146m, đại kim tự tháp hay còn được biết đến là kim tự tháp Khufu (được đặt theo tên con trai của pharaoh Sneferu). Kim tự tháp có 3 phòng và mang chức năng giống như các kim tự tháp khác ở Ai Cập, là mộ của các pharaoh.

Kim tự tháp Giza là công trình duy nhất còn tồn tại trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Kim tự tháp bao phủ một diện tích rộng 5,2ha và được xây dựng bằng khoảng 2.300.000 khối đá. Lượng khối đá để xây dựng kim tự tháp này nhiều hơn cả những khối đá được dùng để xây dựng tất cả các nhà thờ, tu viện ở Anh kể từ năm 313.


Đại kim tự tháp ở Giza, Ai Cập

Đại kim tự tháp có thể chịu được nước và những biến động  lớn về địa chất của cơn đại hồng thủy. Kim tự tháp vẫn đứng vững sau một trận động đất lớn hồi năm 1303, tuy bên trong không bị hư hại song nhiều tảng đá vôi đã bị rời ra và sau này chúng đã được chở tới Cairo để xây các nhà thờ Hồi giáo. Kim tự tháp này từng là công trình cao nhất thế giới cho đến khi Tháp Eiffel được dựng lên hồi năm 1889.

"Giờ chúng tôi có thể khẳng định sự tồn tại của một "khoang trống" đằng sau bề mặt phía Bắc của kim tự tháp, trông có hình dáng giống một hành lang dẫn vào bên trong kim tự tháp" - theo các nhà khoa học tham gia dự án Operation ScanPyramids, thuộc trường Đại học Cairo.

Các nhà khoa học còn cho biết, sau khi sử dụng thiết bị chụp tia X và công nghệ tái xây dựng 3D, họ phát hiện ra khoảng trống khác ở sườn phía Đông Bắc của kim tự tháp.

Sử dụng các công nghệ "an toàn"

Trường Đại học Cairo bắt đầu xúc tiến dự án Operation ScanPyramids từ hồi tháng 10/2015 nhằm tìm kiếm những căn phòng ẩn bên trong kim tự tháp Khufu và Khafre ở Giza, cũng như các kim tự tháp Bent và Red ở Dahshur, phía Nam thủ đô Cairo.

Các nhà khoa học đã sử dụng máy ghi nhiệt bằng tia hồng ngoại, thiết bị chụp ảnh bằng tia X và công nghệ tái xây dựng 3D. Tất cả các thiết bị này đều không xâm phạm và không gây hại tới kim tự tháp. 


Các chuyên gia của dự án Operation ScanPyramids khảo sát bên trong đại kim tự tháp

Cụ thể, máy ghi nhiệt bằng tia hồng ngoại dò ra năng lượng hồng ngoại phát ra từ vật thể, chuyển đổi thành nhiệt độ và hiển thị hình ảnh về sự phân bổ nhiệt độ qua đó để lộ các đối tượng ẩn.

Công nghệ quét laser 3D tung ra các mạch ánh sáng hẹp bên trong một cấu trúc để lập một bản đồ chi tiết. Khi quét xong, dữ liệu đó có thể tạo thành một mô hình 3D với chi tiết cao.

Công nghệ tạo ảnh MUON (hạt MUON là hạt hạ nguyên tử lớn hơn electron khoảng 200 lần, có thể xuyên qua đá và hầu hết tất cả các loại vật liệu khác. Các nhà khoa học dùng công nghệ này để đo năng lượng và quỹ đạo của kim tự tháp, sau đó họ có thể tạo được hình ảnh 3D và qua đó có thể phát hiện được những căn phòng bị che khuất. Công nghệ này cũng giống như các tia X, có thể xuyên thấu đá dày hàng trăm mét.

Hồi tháng 5, các nhà khảo cổ đã dùng công nghệ tạo ảnh MUON để khảo sát kim tự tháp Bent tại nghĩa trang hoàng gia Dashu.

Những hình ảnh thu được cho thấy cấu trúc bên trong của kim tự tháp và các nhà khoa học nhìn thấy rõ căn phòng thứ 2 ở độ cao 105m, cao hơn căn phòng kia khoảng 20m.

"Lần đầu tiên, giới nghiên cứu có thể thấy được cấu trúc bên trong của một kim tự tháp nhờ công nghệ tạo ảnh MUON" - Mehdi Tayoubi, đồng Giám đốc dự án ScanPyramids nói.

Nhiều người tin rằng pharaoh Sneferu được chôn trong một căn phòng bí mật, song các hình ảnh quét mới đây nhất đã loại trừ khả năng đó. Hồi cuối năm 2015, Ai Cập bắt đầu quét lăng mộ của vị vua trẻ Tutankhamun tại Thung lũng của các vị Vua, ở Luxor, miền Nam Ai Cập, sau khi nhà khảo cổ Anh Nicholas Reeves cho rằng nhiều khả năng Nữ hoàng Nefertiti được chôn trong một căn phòng bí mật của lăng mộ này.

Ông Reeves cho rằng, thực ra lăng mộ chôn Tutankhamun được xây dựng cho Nữ hoàng Nefertiti, nhưng do vị vua trẻ qua đời đột ngột nên người ta đã vội vàng chôn cất xác ướp của ông ở phòng ngoài của kim tự tháp. Tuy nhiên, nhiều nhà Ai Cập học không đồng tình với giả thuyết đó và cần nghiên cứu thêm.

Việt Lâm (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm