Lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn bí ẩn

05/04/2014 18:03 GMT+7 | Trong nước


(giaidauscholar.com) - 40 năm không ngừng nghiên cứu về đội quân binh mã đất nung được chôn dưới lòng đất trong khuôn viên lăng mộ Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên), nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, các chuyên gia đã giúp chúng ta biết thêm được nhiều điều về di chỉ này.

Ngày 29/3/1974, một số người nông dân của một ngôi làng nhỏ ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, đã tình cờ phát hiện ra nhiều mảnh vỡ của các bức tượng chiến binh đất nung nổi tiếng trong khi đang đào giếng. Phát hiện của họ đã giúp các nhà khảo cổ tìm được khuôn viên khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa và nhiều ngôi mộ xung quanh quần thể này.

Thu hút khách tham quan

Trong khi lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được khai quật, thì đội quân binh mã đất nung của ông đã thu hút sự quan tâm của thế giới và trở thành điểm du lịch nổi tiếng, mỗi năm đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan. Chưa kể, mỗi khi “chu du” ra hải ngoại, đội quân binh mã đất nung luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với công chúng.

Kể từ sau phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã tìm được hơn 600 ngôi mộ có kích cỡ khác nhau, hơn 1 triệu m2 di tích và hơn 50.000 di sản. Năm 1987, khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng và đội quân binh mã đất nung đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Từ năm 2006, một nhóm các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ, Trường Đại học London và Bảo tàng Binh mã đất nung đã phối hợp thực hiện dự án phân tích nhằm cung cấp thêm được những thông tin mới về đội quân đất nung và thế giới của họ. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù các nghệ nhân đã dùng các biện pháp khác nhau để làm tượng chiến binh, song nói chung quy trình làm tượng vẫn được thực hiện trình tự theo 4 bước, gồm làm mô hình, nặn tượng, nung tượng và sơn tượng.

Các tượng binh mã được nặn từ đất sét, nung trong lò ở nhiệt độ thấp, sau khi nung xong được phết một lớp sơn lên bên ngoài để tăng độ bền. Khuôn mặt, kích cỡ, màu sơn không có tượng nào giống nhau, sống động như đội quân thật. Tính cả chân đế, các bức tượng cao 1,8m đến 2m.

Dựa vào những kết quả nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu còn biết được mỗi chiến binh đất nung đều được trang bị các vũ khí bằng đồng và đến nay các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 40.000 đầu mũi tên, nhiều nỏ, kiếm, thương, giáo và nhiều vũ khí khác.

Sau khi đo đạc và xem xét kỹ lưỡng các loại vũ khí này, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng được làm tại nhiều xưởng khác nhau. Tuy nhiên, trông bề ngoài các đầu mũi tên rất giống nhau nên họ đã tiến hành phân tích hóa học, qua đó họ biết được người xưa đã dùng các hợp kim bằng đồng để làm nên các đầu mũi tên. Chúng dễ dàng xuyên thủng áo giáp, giết chết kẻ trúng tên chỉ bằng một phát bắn.

“Kỳ quan thứ 8 thế giới”

Đội quân binh mã đất nung từ lâu vẫn được xem là Kỳ quan thứ 8 của thế giới cổ đại, sau 7 kỳ quan là Kim tự tháp Ai Cập, Vườn treo Babylon, Lăng mộ Halicarnassus, Đền Artemis ở Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ), Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes, Tượng thần Zeus ở Olympia (Hy Lạp) và Ngọn hải đăng ở Alexandria (Ai Cập).

Đội quân binh mã đất nung được đặt trong 3 hầm riêng tại phía Đông của quần thể và được cho là đội quân bảo vệ hoàng đế ở kiếp sau.

Cho đến nay lăng mộ này vẫn chưa được khai quật bởi các chuyên gia còn lo ngại về việc bảo tồn các di sản quý giá trong lăng mộ sau khi được khai quật. Những lo lắng của họ là có cơ sở bởi thực tế cho thấy, lớp sơn trên nhiều bức tượng chiến binh đất nung đã bị bong và bạc màu. Trung Quốc đang có kế hoạch xây tường bao và mái bảo vệ khu lăng mộ tránh bị xâm thực của thiên nhiên.
Cho đến nay, không còn bất cứ tư liệu nào về đội quân binh mã đất nung. Sau khi nhà Tần sụp đổ, các bức tượng này trở nên “vô danh”, cho đến khi chúng “tỉnh giấc” khi những mảnh vỡ đầu tiên được phát hiện vào năm 1974. Sau đó, 3 chiếc hầm lớn được phát hiện. Trong hầm số 1, có hơn 6.000 chiến binh và xe ngựa được dàn trận theo hình vuông. Đây được cho là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng. Các chiến binh đều đội mũ sắt, mặc áo giáp và thậm chí còn cầm cung, mũi tên, giáo, mác và lao. Một đội quân tiên phong gồm 210 chiến binh được xếp thành 3 hàng. Tiếp sau họ là một đội quân được xếp thành 38 hàng. Bên cạnh đó, còn có đội quân ở các cánh và 3 hàng hậu quân. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đội quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu này được thiết lập nhằm thể hiện ý chí thống nhất đất nước của Tần Thủy Hoàng. Hầm thứ 2 gồm nhiều chiến binh được dàn trận một cách phức tạp hơn. Không giống như hầm đầu tiên, nơi xe ngựa và bộ binh được xếp lẫn nhau, hầm số 2 gồm 4 đơn vị bắn cung, lính bộ binh, kỵ binh và xe ngựa được xếp tách biệt. Hầm số 3 được khai quật hồi năm 1989. Đây là hầm chỉ huy, có nhiều tượng sĩ quan cấp cao và 1 xe tứ mã. Cho đến nay, có khoảng 8.000 binh mã đất nung, hơn 100 xe ngựa gỗ và hàng trăm ngàn vũ khí bằng đồng đã được tìm thấy trong 3 hầm. Hiện các nhà khảo cổ vẫn đang tiếp tục khai quật trong các hầm này.

Lăng mộ có đủ thiên văn, địa lý

Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng khu lăng mộ dành cho mình ngay sau khi ông chinh phục được 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Hoa, tạo nên đế chế phong kiến đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, năm 221 trước Công nguyên. Trong khoảng 40 năm, với mồ hôi và xương máu của hơn 700.000 nhân công, khu mai táng rộng gần 56 km2 đã hình thành. Nhiều nhân công đã chết do làm việc quá sức. Ở phía Tây của quần thể này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 3 ngôi mộ tập thể chôn xác những người đã tham gia kiến tạo khu lăng mộ này.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng gần giống như một kim tự tháp bằng đất cao 76m và rộng gần 350m², được thiết kế như một tổ hợp các cung điện đền đài bao quanh bởi thành quách. Để giữ bí mật thông tin về lối vào mộ và của cải trong đó, nhà Tần đã giết hết lực lượng tham gia xây dựng khu lăng mộ bằng cách bít đường ra vào lăng mộ và chôn sống họ cũng như giết hết một số người liên quan đến việc chôn sống này.

Tháng 12/1981 và tháng 5/1982, các nhà địa chất đã sử dụng các thiết bị hiện đại để thăm dò hầm chứa quan tài của Tần Thủy Hoàng. Họ tìm thấy một lượng thủy ngân bất thường trong cấu trúc có diện tích 12.000m2, và điều này trùng khớp với những gì được ghi trong cuốn Sử ký của sử gia đời Tây Hán Tư Mã Thiên.

Theo cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên, được ra đời 1 thế kỷ sau khi lăng mộ Tần Thủy Hoàng hoàn tất, thì: “Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì đưa 700.000 người đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng nung và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung điện, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm 100 con sông, như Trường Giang, Hoàng Hà và biển lớn, bầu trời đêm là những chòm sao được làm bằng ngọc trai. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy đầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy mãi mãi”.

Các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật một phần của quần thể lăng mộ và ở một số khu vực du khách không được chụp ảnh hoặc quay phim. Hiện mới chỉ có một số chức sắc nước ngoài, như nữ hoàng Anh Elizabeth II, được phép đi khắp các hầm để chiêm ngắm đội quân đất nung từ nhiều hướng khác nhau.

Phúc Quyên (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm