05/06/2019 22:33 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Qua theo dõi buổi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại hội trường chiều 5/6, cử tri tại nhiều địa phương cho rằng, các đại biểu đặt câu hỏi và các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các ngành liên quan trả lời rất thẳng thắn, không né tránh những thiếu sót, hạn chế và đưa ra những giải pháp thiết thực để khắc phục khó khăn…
Cử tri cũng đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước cũng như nỗ lực của các bộ, ngành trong việc giải quyết, xử lý những vấn đề “nóng” mà xã hội quan tâm, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Đi vào những vấn đề xã hội đang "nóng"
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn trúng, đi sát vấn đề dư luận đang quan tâm. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng trả lời có nhiều thay đổi hơn các phiên chất vấn tại các kỳ họp trước, đi thẳng vào vấn đề đại biểu đang quan tâm, có đưa ra những giải pháp giải quyết…
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ : vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch là lĩnh vực rất rộng nhưng phiên chất vấn chiều nay được đề cập rất sâu, chạm tới nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hiện nay, thể hiện đúng nguyện vọng của người dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tự tin, chủ động phối hợp với các ngành khác để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế để phát triển. Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cần đưa ra một chương trình tổng thể, bài bản, phát huy các lợi thế văn hóa. Trước hết ngành văn hóa chú trọng đến xây dựng con người mới, giữ gìn văn hóa dân tộc, xây dựng văn hóa thời đại mới để việc phát triển văn hóa tương xứng với đời sống kinh tế xã hội.
Cử tri Lê Nguyễn Nhã Phương, trú tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế bày tỏ quan tâm, đồng tình với phần chất vấn của các đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (tỉnh Bến Tre) và Nguyễn Mai Bộ (tỉnh An Giang) liên quan đến vấn đề lợi dụng tâm linh để trục lợi, thương mại hóa tâm linh. Pháp luật quy định rất rõ về quyền tự do tín ngưỡng của công dân, tuy nhiên đối với vấn đề lợi dụng tâm linh, tôn giáo để trục lợi cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm, thậm chí cần xử lý hình sự chứ không chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính. Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao trình độ của người dân, cơ quan chức năng và nhà quản lý phải tích cực quan tâm, vào cuộc để có những giải pháp chấn chỉnh về công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và phòng ngừa mê tín dị đoan.
Cũng liên quan đến du lịch tâm linh, Cử tri Huỳnh Đức Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kon Tum cho rằng hiện du lịch tâm linh đang phát triển mạnh, các địa phương cần quản lý chặt, tránh lợi dụng du lịch tâm linh để trục lợi. Để hạn chế tình trạng trên, địa phương khi cấp phép xây dựng phải đảm bảo hài hòa giữa văn hóa, lịch sử với các công trình du lịch tâm linh. Ngoài ra, thời gian qua, xuất hiện tình trạng lừa đảo trong tổ chức tua du lịch. Điều này không thể riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm được mà cần phải có sự vào cuộc của tất cả các Bộ ngành và địa phương để xử lý. Việc xử lý cần mạnh tay, triệt để hơn bởi xử phạt hành chính không đủ sức răn đe.
Cần các giải pháp cụ thể hơn nữa
Tại Hải Dương cử tri tập trung câu hỏi chất vấn vào việc quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.
Một số cử tri tại Hải Dương cho rằng, phiên chất vấn cởi mở, đa số các câu hỏi đại biểu quốc hội nêu đã chạm tới những tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, cử tri chưa thật sự cảm thấy hài lòng với phần trả lời còn chung chung .
Theo ông Lê Duy Mạnh, cử tri thành phố Chí Linh (Hải Dương), điều cử tri mong muốn được nghe là những giải pháp hoặc đề xuất cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước những hiện tượng như truyền bá mê tín dị đoan, tổ chức các tua du lịch đi nước ngoài rồi để xảy ra việc du khách bỏ trốn.
Cử tri Khổng Quốc Tuân (phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương) cũng cho rằng những câu hỏi liên quan đến vấn đề văn hóa, tín ngưỡng rất nhạy cảm. Bộ trưởng đã có sự cân nhắc, thận trọng trong khi đưa ra câu trả lời, tuy nhiên, một số câu trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự giải đáp hết câu hỏi, chưa đạt được kỳ vọng của cử tri. Giải pháp khắc phục hạn chế hiện nay là hệ thống văn bản lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn thiếu đồng bộ thì vẫn chưa thấy Bộ trưởng nêu.
Sau khi nghe phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, cử tri Dương Đăng Cầm, 70 tuổi ở số nhà 80/2, đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho rằng, nhiều nội dung trả lời của Bộ trưởng còn chưa rõ, cụ thể như xử lý tua du lịch 0 đồng, xử lý vi phạm tại chùa Ba Vàng, thu hút khách du lịch quốc tế…
Cử tri Dương Đăng Cầm mong muốn, Bộ trưởng quan tâm nhiều hơn đến tình trạng đạo đức xuống cấp bởi đây là gốc rễ của nhiều hiện tượng lệch chuẩn văn hóa đang diễn ra hàng ngày.
Nhóm PV TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất