Vào ngày 4/12/2014, Paddle8 kết hợp cùng Tổ chức Nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận Sàn Art (Việt Nam), bán đấu giá trực tuyến một số tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam trên trang paddle8.com. Sự chú ý của một công ty danh tiếng trên thị trường nghệ thuật đương đại quốc tế như Paddle8 với Sàn Art là điều rất đáng mừng cho các nghệ sĩ nội địa.
Mua tranh như mua váy
Hoạt động đấu giá có tuổi thọ hơn 2.500 năm, thường diễn ra tại những địa điểm công cộng, đông đúc ồn ã. Năm 2005, eBay khởi đầu hoạt động này trên mạng với những món hàng thông dụng và việc “đấu giá” theo tốc độ phủ sóng của internet dần trở nên quen thuộc.
Trong thị trường nghệ thuật, chỉ vài năm trở lại đây các nhà đầu tư và giới sưu tầm mới bắt đầu cởi mở hơn với công nghệ và để ý tới hình thức đấu giá trực tuyến. Hình ảnh những phiên đấu giá trong khán phòng tráng lệ, “kín cổng cao tường” truyền thống như ta hay thấy tại Christie’s hay Sotheby’s với những người chủ trì (auctioneer) lịch lãm, dí dỏm, thông minh, giờ được thay thế bằng một cuộc đấu ảo “mình ta với ta” trên sàn trực tuyến. Vài cú click, một chút chờ đợi, và một tác phẩm nghệ thuật đã thuộc quyền sở hữu của bất cứ ai.
Những nhà đấu giá nghệ thuật đương đại trực tuyến (online auction house) nổi bật nhất hiện nay trên thế giới có thể kể tới là artnet Auctions - Mỹ (artnet.com/auctions), Paddle8 - Mỹ (paddle8.com), Auctionata - Đức (auctionata.com), Saffronart - Ấn Độ (saffrontart.com)… Alexander Gilkes, đồng sáng lập Paddle8, cho biết dịch vụ này thu hút ở chỗ nó biến những trải nghiệm sưu tầm của khách hàng trở nên tuyệt đối dễ dàng nhờ công nghệ, “giúp cho việc đấu giá một kiệt tác của Picasso hay Damien Hirst cũng thuận lợi như bạn đang mua một chiếc váy trên trang bán đồ thời trang cao cấp Net-a-Porter…
“Sàn Art đã có một bộ sưu tập nghệ thuật rất đa dạng, nhiều phong cách, hình thức thể hiện, đề tài. Tôi rất thích sự trừu tượng trong tranh ý niệm (conceptual painting) của Trần Xuân Anh, bởi tác phẩm này phản ánh nhiều sự tương đồng về tư duy và ý tưởng với những nghệ sĩ đương đại hiện đang hoạt động tại các kinh đô nghệ thuật lớn như New York hay London hiện nay. Tôi hy vọng, một cộng đồng quốc tế gồm hơn 400.000 nhà sưu tầm của Paddle8 sẽ chú ý tới những tác phẩm này”, Alexander Gilkes cho biết.
Xu thế “ảo” thế “thật”
Trong phỏng vấn mới nhất với tờ Euro Am Sonntag của Đức, ông Jacob Pabst, Giám đốc điều hành artnet Auctions, nhận định rằng thành công và sự xuất hiện ngày càng nhiều những nhà đấu giá nghệ thuật đương đại trực tuyến phản ánh thực tế thị trường nghệ thuật kinh doanh theo lối cổ điển hiện tỏ ra kém hiệu quả. “Những nhà bán đấu giá truyền thống thường tổ chức đấu giá 2 lần một năm thông qua bộ máy tổ chức hết sức cồng kềnh; bởi vậy họ chỉ có thể nhận những tác phẩm chắc chắn bán được với giá cao. Chúng tôi không có cấu trúc tài chính như vậy, không sở hữu tác phẩm, không tổ chức triển lãm hay in ấn ca-ta-lô. Đó là nền tảng cho dịch vụ tốt và giá cả vừa phải”.
Đến với các nhà đấu giá nghệ thuật đương đại trực tuyến, người bán/nghệ sĩ có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Trong đấu giá truyền thống, chi phí vận chuyển, bảo hiểm, in ấn vào khoảng vài nghìn USD cho mỗi tác phẩm tầm giá 50.000 USD, chưa kể phí dịch vụ 20-25% trên giá bán tác phẩm. (Ngay cả với các cuộc đấu giá online, nhà Christie’s vẫn tiếp tục thu các mức phí cố định bởi họ không muốn gián tiếp... triệt hạ các buổi đấu giá offline của chính mình!). Đến với những nhà đấu giá nghệ thuật trực tuyến, những chi phí và điều phiền toái này không còn nữa. Ai cũng có thể tham gia đấu giá bằng cách đăng ký và chiêm ngắm tác phẩm 24/7! Chưa hết, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, nghệ sĩ cũng có cơ hội được mang tác phẩm của mình ra đấu giá sau khi đã trải qua thẩm định.
Hướng tới tác phẩm giá hạng trung
Trở ngại lớn nhất khiến các nhà đấu giá nghệ thuật đương đại trực tuyến khó lòng nâng mức giá trần của các tác phẩm là bởi độ tín nhiệm của các nhà sưu tầm và người tham gia đấu giá trên mạng không tỷ lệ thuận với giá tiền của tác phẩm.
“Khách hàng cảm thấy thoải mái nhất ở mức giá khoảng 10.000 USD. Họ muốn mua tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi hơn là nghệ sĩ mới […] bởi còn e ngại về nguồn gốc xuất xứ, độ nguyên bản... Chúng tôi cũng cần thêm thời gian để xây dựng thương hiệu và sở hữu được sự tin tưởng đó”, Ben Hartley, Giám đốc toàn cầu của Công ty Auctionata cho biết.
Đáng chú ý, báo cáo thị trường của Quỹ Nghệ thuật châu Âu năm 2013 chỉ ra xu hướng mức giá tại các sàn đấu giá nghệ thuật đương đại trực tuyến đang đi lên đáng kể sau mỗi năm. Trong một vài trường hợp cực kỳ đặc biệt, artnet Auctions đã đấu giá qua mạng thành công tác phẩm Flowers (1978) của Andy Warhol ở ngưỡng 1,4 triệu USD. Paddle8 cũng có kỷ lục với một bức khác của Warhol là Cowboys And Indian với giá 200.000 USD.
Việc phân khúc thị trường tác phẩm nghệ thuật có giá hạng trung qua mạng Internet thực sự đang còn rất nhiều tiềm năng để ngỏ, cả Christie’s và Sotheby’s đều khẳng định họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc tổ chức các cuộc đấu giá nghệ thuật đương đại qua mạng để theo kịp xu hướng thời đại số. Paddle8 và artnet Auctions đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nhằm tăng mức độ trải nghiệm trên sàn đấu giá trực tuyến cho khách hàng, thu hút những tác phẩm độc đáo hơn để tạo dựng niềm tin trong cộng đồng. Paddle8 không giấu tham vọng mở rộng sang những lĩnh vực sưu tầm khác như trang sức, thời trang, sách và khai thác nhiều thời kỳ khác nhau của nghệ thuật chứ không chỉ dừng lại ở nghệ thuật đương đại… Công ty Auctionata thì cung cấp thêm trải nghiệm “sàn đấu giá trực tuyến thời gian thực” (Streaming Live Auction), theo đó, người tham gia đấu giá có cơ hội được nói chuyện trực tiếp với các curator, tư vấn viên, yêu cầu được xem các tác phẩm từ nhiều góc độ…
Nguyễn Danh Quý
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần