19/02/2014 18:57 GMT+7 | Champions League
(giaidauscholar.com) - Cặp đấu giữa Bayern Munich và Arsenal, ngoài sự hấp dẫn về chuyên môn, còn là màn tranh tài giữa hai cái tên theo đuổi cùng một triết lý.
Mô hình của Bayern Munich vẫn được đánh giá là có tính tổ chức hơn so với Arsenal.
Những mặt tương đồng
Bóng đá hiện đại đang là cuộc cạnh tranh giữa hai mô hình tiếp cận thành công: hoặc đổ thật nhiều tiền trong một khoảng thời gian, hoặc xây bằng một quá trình bài bản. Chelsea, Man City, Real Madrid và PSG chọn mô hình thứ nhất. Bayern Munich và Arsenal tìm thành công theo hướng thứ hai.
Cách xây dựng của Bayern Munich và Arsenal đều có những điểm tương đồng dễ nhận ra. Cả hai đều rất chú trọng xây dựng tuyến trẻ. Tuyến trẻ của Bayern Munich hoạt động từ năm 1902, và luôn tuân thủ theo tầm nhìn chiến lược: “Tạo ra những cầu thủ trẻ để giúp Bayern Munich giữ vị thế là đội bóng toàn cầu trong những thế kỷ tiếp theo” cùng nhiệm vụ: “Phải trở thành học viện đào tạo bóng đá trẻ tốt nhất”. Trong khi đó, tầm quan trọng của đội trẻ đối với Arsenal thế nào thì ai cũng biết rõ. Phạm vi của nó không chỉ bó hẹp ở nước Anh, mà còn mở ra khắp các châu lục trong đó có Việt Nam với mô hình học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG.
Cả hai sử dụng sân bóng mới gần như cùng một thời điểm. Bayern Munich chính thức sử dụng sân Allianz Arena làm sân nhà kể từ cuối năm 2005, trong khi Arsenal cũng bắt đầu chuyển sang ngôi nhà mới Emirates, sau đó một năm. Cả Bayern Munich và Arsenal đều có hệ thống cấu trúc lương thưởng chặt chẽ, và hướng đến cùng một triết lý chi tiêu. Chủ tịch của Bayern Karl-Heinz Rummenigge đúc kết bằng một câu trên tờ Kicker: “Chúng tôi không chi quá những gì chúng tôi có”. Còn HLV Arsene Wenger thì tóm gọn triết lý của Arsenal bằng hai câu nói ẩn dụ: “Chúng tôi không mua siêu sao. Chúng tôi tạo ra họ” và “Nếu tôi đưa cho bạn một chai rượu ngon, bạn sẽ cảm nhận nó trước rồi mới hỏi nguồn gốc nó ở đâu”.
Khác biệt ở cách vận dụng
Tuy vậy, vẫn có thể thấy rõ những luồng suy nghĩ trái chiều trong cách vận dụng giữa Bayern Munich và Arsenal. Arsenal, dưới bàn tay của Arsene Wenger, rất trung thành với triết lý của mình, thậm chí là bảo vệ nó một cách cực đoan. Mỗi khi dư luận lên tiếng kêu gọi Wenger chi tiêu ông lại sử dụng phép lý luận quen thuộc của một giáo sư kinh tế “không dễ để tìm ra được cầu thủ có giá trị phù hợp” làm tấm bình phong biện hộ cho việc khư khư không chịu sắm tân binh. Mùa đông năm nay, khi Arsenal trải qua cơn bão chấn thương ở mọi tuyến, những gì Wenger đối phó là đem về một tiền vệ 31 tuổi (Kallstrom) dưới dạng cho mượn.
Trong khi đó, Bayern Munich, một mặt trung thành với những cầu thủ cây nhà lá vườn, mặt khác sẵn sàng hướng ngoại như lời phát biểu của cựu giám đốc thể thao Christian Nerlinger “Chúng tôi sẵn sàng chiêu mộ những cầu thủ chất lượng cao. Chúng tôi đầu tư theo chất lượng, không phải số lượng. Chúng tôi sẵn sàng đổi ba người thừa chỉ để lấy một Ribery”.
Một sự khác biệt nữa giữa Bayern Munich và Arsenal, đó là quan điểm về việc giữ sao. Arsenal những năm gần đây liên tục trở thành trạm trung chuyển của các ngôi sao. Họ mua về những viên ngọc thô, mài sắc, rồi sau đó bán đi khi nhận ra thời điểm những món hàng được giá. Trong khi đó, Bayern Munich vẫn sẵn sàng giữ chân các ngôi sao bằng mọi giá. Cách đây 5 năm, chủ tịch Uli Hoeness từng lôi câu chuyện về khu đất dành cho giới thượng lưu ở vùng Schlossallee làm lý do để từ chối lời đề nghị từ Real Madrid lên tới 100 triệu euro dành cho Ribery.
Thế nên, Bayern Munich vẫn được coi là đội bóng có cách thức hoạt động hiệu quả hơn, dù mô hình tiếp cận hoàn toàn giống với Arsenal.
Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất