06/12/2014 11:00 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Công Vinh đã có một siêu phẩm, trong trận hoà “kịch tính” Indonesia tỷ số 2-2 ở ngày ra quân AFF Cup 2014; tiền đạo xứ Nghệ tiếp tục đóng góp 1 bàn thắng nữa trong chiến thắng “3 sao” của đội tuyển Việt Nam trước Lào ở lần thứ 2 xuất trận; Hoàng Thịnh, Minh Tuấn và Thành Lương cũng đã ghi điểm cao, giúp Việt Nam vượt qua Philippines 3-1, giành vé vào chơi bán kết với ngôi đầu bảng A… Nhưng, thuyền trưởng Toshiya Miura mới là người xuất sắc nhất!
Hoa anh đào ở xứ sở nhiệt đới
Có một dạo, cứ nhắc đến xe motor hay xe gắn máy, là nghĩ ngay đến nhãn hiệu và là thương hiệu toàn cầu Honda (đọc Honda Toichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới, NXB Văn hoá Sài Gòn). Honda cũng tựa như hoa anh đào vậy, một biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Và Honda đã là nhà tài trợ chính thức cho đội tuyển Việt Nam, với lễ ký kết hợp đồng diễn ra đồng thời ở khách sạn Park Hayatt, TP.HCM, hôm VFF ký hợp đồng với HLV Toshiya Miura, dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
Toshiya Miura, một người Nhật, ký hợp đồng với đội bóng được tài trợ bởi Honda và đá giải đấu cũng do một nhãn hàng khác của Nhật Bản là Suzuki tài trợ chính (tên gọi AFF Suzuki Cup bắt đầu xuất hiện, thay thế cho Tiger Cup, kể từ năm 2008 đến nay). Song song với đó là văn hoá Nhật, lối sống Nhật và tính cách Nhật…, được đề cập hàng ngày, trên các diễn đàn mạng, báo chí và các trường học. Đội ngũ HLV và cầu thủ Nhật Bản, cũng đang phủ khắp (theo bề rộng) Đông Nam Á.
Chỉ đem đến Việt Nam một bản “CV” (lý lịch trích ngang) không thật bắt mắt, với tỷ lệ các thất bại tại những đội bóng từng kinh luôn trội hơn nhiều so với chiến thắng và đặc biệt, chưa từng có kinh nghiệp huấn luyện một đội tuyển quốc gia, lẽ dĩ nhiên, Toshiya Miura chịu nhiều ánh mắt ngờ vực.
HLV Toshiya Miura mang đến "luồng gió mới" cho đội tuyển Việt Nam.Ảnh: Thanh Hà
Honda, Suzuki hay phim ảnh, sách vở và cả vốn ODA Nhật Bản, có thể dễ dàng được đón nhận ở Việt Nam, nhưng bóng đá là một phạm trù khác biệt, đặc biệt ở cabin ban huấn luyện. Chả thế mà, trong quá khứ đến hiện tại, không một HLV Nhật Bản nào từng thành danh khi cầm đội tuyển quốc gia xứ mặt trời mọc, chứ đừng nói nắm đội tuyển nước khác. Bóng đá Nhật Bản cấp độ đội tuyển luôn hướng ngoại, thậm chí thời kỳ đầu khi J-League chưa lớn mạnh, họ còn dùng khá nhiều các cầu thủ nhập tịch.
Nhưng, thời thế khác rồi. J-League đã trở thành giải đấu số 1 châu lục về sức hút và chất lượng; cầu thủ Nhật Bản chiếm lĩnh đỉnh cao ở các giải vô địch quốc gia châu Âu và Hàn Quốc. HLV Nhật khiêm tốn hơn, nhưng họ đang phủ sóng gần như cả Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Khi bóng đá chỉ là một trong rất nhiều những “gói kích cầu”, Nhật Bản đã và đang cho thấy tầm ảnh hưởng của họ lớn như thế nào. V-League với trưởng giải người Nhật, đã hô khẩu hiệu, hướng về xứ mặt trời mọc.
Chúng ta đã phải đặt câu hỏi: Liệu hoa anh đào có thể nở ở xứ sở nhiệt đới không? Về mặt tự nhiên, thì không thể, song há chẳng phải người Nhật rất giỏi trong việc “thuần hoá” các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, để sống chung với nó và phát triển cùng với nó?! Toshiya Miura đang trên hành trình như thế, với bóng đá Việt Nam.
Tinh, thông và quái như Miura
Sau trận chung kết Cúp QG 2014 giữa Hải Phòng và B.Bình Dương, lúc trà dư tửu hậu, Trưởng giải V-League, Tanaka Koji đã chia sẻ rằng, cảm giác chấp nhận sai lầm của người trẻ dễ dàng hơn là phải chịu đựng những người giàu kinh nghiệm phạm phải điều này. Thoạt nghe thì khá mông lung, song nếu có chút hiểu biết nào về người Nhật Bản và sự kiên định của họ: Sẵn sàng lao vào lửa, chấp nhận thương đau, như “Bản lý lịch đời tôi” của Honda Soichiro, người sáng lập hãng Honda, sẽ rõ.
Ông Tanaka Koji đang nói về bóng đá, với những cộng sự - thuộc cấp của ông ở VPF, Công ty được thành lập cách đây vài năm, để đại diện cho VFF tổ chức – điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong một bài viết trên Thể thao & Văn hoá, chúng tôi đã thử làm một phép liên tưởng giữa câu nói của ông Tanaka Koji với phong cách và phương thức làm bóng đá của HLV trưởng đội tuyển Việ Nam, Toshiya Miura, và rồi thấy, nó cực kỳ liên quan, cực kỳ logic.
Tất cả đều biết là, kể từ sau Asian Games 17, với màn ra mắt khá ấn tượng của HLV Miura cùng đội tuyển Olympic Việt Nam, dòng máu trẻ tiếp tục được bơm vào đội tuyển Việt Nam. Rất nhiều tuyển thủ quốc gia lúc này chỉ mới ngoài đôi mươi và đang trải qua kỳ AFF Cup đầu tiên trong sự nghiệp. Từ Nguyên Mạnh, đến Tiến Thành, Ngọc Hải, Hoàng Thịnh, Huy Hùng, Minh Tuấn, Minh Tùng, Thanh Hiền, Hải Anh, Hồng Quân, Huy Toàn…, đến gần 2/3 đội hình và phần lớn đều được tin dùng.
Thể lực và khát vọng là những điểm sáng đầu tiên của đội tuyển Việt Nam, dưới triều đại Toshiya Miura, điều này có thể cảm nhận bằng mắt thường. Lối chơi khá đa dạng, từ đánh giãn biên đến “vỗ mặt” ở trung lộ, với các đường ban ngắn và trung bình, nhanh, mạnh và dứt khoát, được triển khai, nhưng nó cũng chẳng lạ lẫm gì so với thời các HLV tiền nhiệm. Vậy, cho đến thời điểm này, chi tiết nào làm nên sự khác biệt của thuyền trưởng Toshiya Miura?! Đấy là độ quái trong dụng binh.
Không một cầu thủ nào biết chắc mình sẽ được ra sân trong trận đấu vào ngày hôm sau, điều đó khiến họ bị hối thúc và nỗ lực không ngừng, để luôn trong tâm thế sẵn sàng. Hãy nhìn vào Công Vinh, sau khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị, trận hoà Indonesia 2-2, phần nào sẽ cảm nhận được. Tất nhiên, Vinh đã là quái kiệt rồi và rất giỏi trong việc tạo hình ảnh. Thế còn Nguyên Mạnh, Tiến Thành ở trận đấu với Philippines thì sao, sau khi họ đã dính “phốt” nặng trong ngày ra quân?!
Xáo trộn đội hình ở giải đấu chính thức, là điều xưa nay hiếm và chẳng đặng đừng. Song khi cần, HLV trưởng phải hành động. Toshiya Miura sẵn sàng phê phán học trò một trận thắng đậm (nhưng kém vui và kém thuyết phục, như đấu với Lào hay đá giao hữu với Malaysia), nhưng có thể khen họ, ngay cả khi thất bại (cùng Olympic Việt Nam ở Asian Games 17). Thuật dùng người của ông Miura kể cũng “dị” thật.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất