10/05/2014 13:31 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) - Đến nay, sau khoảng hai tuần ra rạp, có thể khẳng định hai phim Xui mà hên (ĐD: Trần Công Thành) và Bí mật lại bị mất (ĐD: Nhật Cường - Lý Hải) đã chính thức thất bại nhiều mặt, trong đó có cả chất lượng phim và bán vé. Thế nhưng nhìn từ góc độ khán giả, thất bại này lại là điều đáng vui hơn đáng lo.
Điểm giống nhau đầu tiên: hai phim này đều thuộc hành động hài nhảm, một thể loại tưởng dễ làm, nhưng để làm cho ra chất thật khá nan giải, làm hấp dẫn như Hong Kong, Hàn Quốc… càng khó hơn gấp bội. Kế đến, cả Trần Công Thành, Nhật Cường, Lý Hải đều lần đầu tiên làm phim chiếu rạp tại Việt Nam, tự tin thì có thừa, nhưng kinh nghiệm lại quá thiếu, nên tác phẩm còn nhiều vụng về.
Đi theo vết xe đổ
Có cảm tưởng cả hai phim đều nghĩ hài là mảnh đất béo bỡ để bán vé nên tập trung toàn bộ sức lực cho điều này, dẫn đến câu chuyện bị bóp méo. Nếu không quá tham hài thì kịch bản Bí mật lại bị mất hoàn toàn có thể xây dựng nên một câu chuyện gay cấn, bởi nó đủ các thành tố tạo dựng: một báu vật được cất trong chùa mà các sư thầy đều giỏi võ; một băng trộm báu vật chuyên nghiệp; một chuyện tình đẹp của thằng khờ và cô gái đẹp… Thế nhưng danh hài Nhật Cường đã để hài lấn lướt, thậm chí đè bẹp, thành ra phim mất trục chính.
Cũng tương tự, Xui mà hên đáng lý là câu chuyện cảm động, thu hút nếu nhà làm phim nhấn nhá vào hành trình tìm kiếm chiến thắng hợp lý tại giải vua đầu bếp của Thành. Nhưng rồi cũng bị hài và các tuyến phụ lấn lướt nên mất trục chính. Trong đó cũng có chuyện tình đáng lý sẽ đẹp vì cách trở, éo le, nhưng cuối cùng lại thiếu nhấn nhá nên mờ nhạt, có mà cũng như không.
Vết xe đổ ở đây chính là sự thành công về bán vé của một số phim hài nhảm gần đây khiến các nhà sản xuất và đạo diễn của hai phim này nối gót làm theo. Thế nhưng họ cũng không đủ tự tin và không đủ duyên để chỉ tập trung vào hài nhảm mà còn ôm đồm nhiều thể loại, thông điệp, thành ra dang dở đủ kiểu.
“Gu” mới của khán giả
Bí mật lại bị mất và Xui mà hên ra rạp dịp 30/4 và 1/5, khi mà nhiều cơ quan nghỉ lễ đến gần một tuần, thế mà vẫn khá ế ẩm, hoặc bán vé không như mong muốn. Nếu việc bán vé phản ánh đúng chọn lựa của khán giả hiện nay thì đúng là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lâu nay giới chuyên môn, báo giới đã quá ngán ngẩm với “gu” thất thường của khán giả, khi nhiều phim quá dễ dãi lại đông đảo người xem, khiến các nhà sản xuất ăn quen làm tới. Điều này dẫn đến việc điện ảnh có tăng về số lượng nhưng thụt lùi về chất lượng.
Nếu với các nền điện ảnh hùng mạnh, hài nhảm là một món tráng miệng bổ sung trong thực đơn đã rất phong phú, thì với các nền điện ảnh còn non yếu, việc hài nhảm giữ thế thượng phong là điều đáng lo. Nó không chỉ phản ánh một lối đi sai khi quá chạy theo thị trường, trong khi thực tế thì Hollywood đang chi phối và chiếm lĩnh phần lớn thị trường điện ảnh thế giới. Mà còn cho thấy chúng ta đang rất mờ nhạt trong việc tìm kiếm tiếng nói riêng cho nền điện ảnh còn non yếu của mình, điều mà các nền điện ảnh như Hàn Quốc, Iran, thậm chí Thái Lan… đã làm được.
Với nghệ thuật nói chung, mọi chiến lược và định chế từ cấp quản lý vĩ mô sẽ khó mà thay thế nổi cái “gu” của người tiếp nhận, nên định hướng tốt nhất vẫn là từ người tiếp nhận. Nếu họ cảm thấy cần thiết phải có những tác phẩm tử tế, thì việc chọn mua vé, mua tác phẩm là một quyết định công bình, sáng suốt. Nền điện ảnh và thị trường điện ảnh tại Việt Nam cũng vậy, nó đang rất cần những “gu” mới của khán giả.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất