Nhớ Trần Lập và Lưu Quang Vũ

14/03/2017 10:56 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Tôi bất giác nhớ đến những câu thơ của Lưu Quang Vũ khi đứng ở độ cao 3143m của Phanxipan ngắm nhìn biển mây bồng bềnh trắng xóa vờn trên những đỉnh núi hùng vĩ trong dãy Hoàng Liên Sơn. 

“Trên mái nhà, cao vút rừng cây

Trên rừng cây, những đám mây xô dạt

Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng

Thơ tôi là mây trắng của đời tôi….”  

Có một cái gì đó vừa kiêu hãnh vừa mong manh trong những vần thơ ấy. Và tôi cũng bất giác nhớ đến Trần Lập với những ca từ “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi / Để ta khắc tên mình trên đời….”. Hai người nghệ sĩ tài hoa này tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng  những cống hiến của họ thật đáng nể phục!

Ra đi ở tuổi 42 vào tháng 3 năm 2016, nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập được tôn vinh như một “tượng đài rock Việt”. Sự nghiệp âm nhạc của anh in đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ bởi anh đã sống nhiệt thành và không dung thứ với lối sống "chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá”, luôn cháy sáng hết mình để “Khám phá thế gian này rực rỡ / cuộc sống này bao la còn bao điều muốn tìm / khám phá những con người quanh ta / cùng những đỉnh cao xanh / để cuộc sống thêm tuyệt vời”. 

Anh  tâm niệm rằng “Để sống có ý nghĩa hơn / dù mùa đông buốt giá / lá rơi như giọt máu đỏ / vẫn tin rằng rồi xuân sẽ tới / mầm sống đâm chồi đón nắng vàng”. Sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, thái độ sống tích cực của anh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả một thế hệ thanh niên trong giai đoạn giao thời giữa hai thế kỉ XX – XXI. 

Những ca khúc của anh không chỉ khơi dậy đam mê, khát vọng cho thế hệ trẻ mà còn làm lan tỏa những điều tốt đẹp – tử tế trong công chúng “Đôi bàn tay thật nhỏ bé / suốt đời người cậy trông / ngọn lửa nhỏ bé, nhiều đôi tay kết che cùng…”. Đặc biệt, live show cuối cùng mà anh tham gia và là nhân vật trung tâm mang tên “Đôi bàn tay thắp lửa” đã truyền đi một thông điệp thật ý nghĩa: mỗi người hãy chung sức để làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn!

Nói về Trần Lập, về số phận ngắn ngủi nhưng vinh quang của anh, mối liên tưởng đến nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cứ ngày một rõ nét. Không phải chỉ vì ở họ có điểm chung về số phận và sự nghiệp, dù Lưu Quang Vũ thuộc thế hệ cha chú của Trần Lập. Cũng không đơn giản chỉ cùng là sự yêu mến và ngưỡng mộ của công chúng đối với 2 nghệ sĩ tài năng của nền văn nghệ Việt Nam. Một cái gì đó cao cả hơn, vượt qua cả sự hữu hạn của cuộc đời. Một lẽ sống cao thượng gửi gắm trong những câu chữ. Một ước vọng đáng trân trọng về giá trị của con người.

 Những vở kịch nắm bắt hiện thực cuộc sống một cách sắc sảo và tinh tế làm khuynh đảo sân khấu Việt những năm 80 của thế kỉ XX hẳn nhiều người còn nhớ: Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Lời thề thứ chín, Hồn Trương Ba, da hàng thịt… Những xung đột giữa cái mới và cái cũ, cái thiện với cái ác, cái đẹp và cái xấu khiến người ta phải suy ngẫm, phải trăn trở nhưng luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong đời: Tin ở hoa hồng, Mùa hạ cuối cùng, Điều không thể mất… Tất cả những điều đó cho đến nay chưa có một kịch tác gia nào lấp được khoảng trống Lưu Quang Vũ để lại, dù hơn ¼ thế kỉ đã trôi qua.

Điểm nổi bật mà chúng ta dễ dàng nhận thấy ở cả Lưu Quang Vũ và Trần Lập là tình yêu thiết tha với cuộc sống. Cùng có thời trai trẻ trải qua không ít khó khăn, từng có lúc tưởng như khó có thể gượng dậy, 2 người nghệ sĩ vẫn tràn đầy niềm tin yêu với những điều nhỏ bé, giản dị và ý nghĩa của thiên nhiên, của đất nước, của tình người. Cảm hứng về đất nước, về thiên nhiên tươi đẹp trên mọi miền Tổ quốc là khởi nguồn của nhiều vần thơ, nhiều ca từ lay động lòng người:

Ước chi được hóa thành ngọn gió

Để được ôm trọn vẹn nước non này

Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá

Để mát rượi những mái nhà nắng lửa

Để luôn luôn được trở lại với đời…

(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi – Lưu Quang Vũ)          

Và:

Bình minh lên, thênh thang trên đất Việt

Thơm hương nắng, ban mai gió ngút ngàn

Đồng lúa chín, đàn cò trắng chắp cánh bay lên

Từng đoàn thuyền lướt sóng khơi xa theo cánh hải âu…                       

(Đất Việt – Trần Lập)

Cũng xuất phát từ tình yêu đối với quê hương đất nước, nhà viết kịch và nhạc sĩ không ngừng tìm tòi chất dân tộc, dân gian cho tác phẩm của mình. Đề tài lịch sử, dã sử và nét văn hóa vùng miền có mặt trong nhiều kịch bản của Lưu Quang Vũ như Ngọc Hân công chúa, Ông vua hóa hổ, Nàng Si-ta, Hồn Trương Ba, da hàng thịt… Lấy xưa để nói nay, dùng quá khứ để đối thoại và thức tỉnh hiện tại là một thủ pháp nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ đã thể hiện một cách xuất sắc. Với chất văn hóa Champa đậm đà trong Nàng Si-ta,  công chúng nhận được bài học về lòng thủy chung son sắt không bao giờ cũ. 

Tình yêu được điểm tô bởi lòng thủy chung để trở nên bất tử cũng là điều mà Trần Lập ngợi ca thông qua một truyền thuyết vùng Tây Bắc hiện diện trong ca khúc Hoa ban trắng của anh: “Từ đây người Mường người Thái lấy tên nàng ban cho loài hoa / Nghe tiếng khèn gọi rộn ràng chiều biên cương rừng ban trắng ngàn / Khăn piêu đẹp tình sơn nữ trái tim mình dâng cho người thương / Lại nghe tiếng gọi chim trời rừng ban trắng lặng lẽ đáp lời”. 

Những Men say, Bài ca sông Hồng, Chim hót trời xanh, Người đàn bà hóa đá… tuy nói những điều không mới nhưng chất rock, chất hiện đại hòa quyện nhuần nhuyễn với chất dân gian, chất truyền thống lại làm nên nét riêng say đắm của nhạc sĩ –ca sĩ không thể trộn lẫn.

Là những người mang sứ mệnh thắp lên ngọn lửa yêu thương trong con người, cả thi sĩ và nhạc sĩ đều trân trọng những khoảnh khắc được gần bên người thân, đều tôn vinh những xúc cảm giản dị, dịu dàng và ngọt ngào của tình yêu. Đó là điểm tựa vững chắc cho những hành trình vươn tới lí tưởng cao đẹp nhưng cũng đầy chông gai:

Khi anh mất lối trên con đường xa

Trong đôi mắt em ấm lửa  soi lối về

Khi anh vấp ngã mắt em luôn dịu êm

Rồi đốt cháy lên cho niềm kiêu hãnh tới…

(Mắt đen – Trần Lập)

Để rồi lòng tràn ngập niềm biết ơn với người đồng hành trong tình yêu:

Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá

Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài

Chỉ một người ở lại với anh thôi

Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi

Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới

Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương…..

(Và anh tồn tại – Lưu Quang Vũ)

Và tình yêu là một giá trị muôn đời, bền vững, rất lung linh nhưng cũng rất mong manh, đòi hỏi mỗi người cần nâng niu, như một báu vật:

Xin như cơn mơ cho bông hoa sẽ mãi mãi trong tim ta

Xin cho đôi bàn tay nâng niu chớ vô tình có đánh rơi

Vì tình yêu kia mong manh như thủy tinh….

(Bông hồng thủy tinh – Trần Lập)

Yêu tha thiết cuộc sống, say đắm từng vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ của đất nước, thương da diết từng phận đời trẻ nhỏ lang thang hè phố như cát bụi hay xót xa thay cho giấc mơ của anh hề mua vui trong rạp xiếc, cả Lưu Quang Vũ và Trần Lập đều có một tâm hồn chân thành và hướng thượng vô cùng đáng kính trọng.

Bằng sự nghiệp của mình, bằng những tác phẩm phản ánh trung thực tiếng lòng mình, hai người nghệ sĩ ấy luôn mong muốn đóng góp được nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa cho cuộc đời. Những chuyến đi, những trang viết, những bản nhạc cứ đầy dần lên, khi trải nghiệm đã đủ nhiều ở tuổi chạm ngưỡng tứ tuần. Ngoảnh đầu nhìn lại, họ hài lòng với những thành quả của mình. Nhìn về phía trước, vẫn thấy còn quá nhiều điều phải làm. Để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Phải chăng vì thế mà dự cảm của họ về một ngày  nào đó không còn được tiếp tục sáng tác nữa đã vang lên?

Nắng đã tắt dần trên lá im

Chiều đã sẫm màu xanh trong mắt tối

Đường đã hết trước biển cao vời vợi

Tay đã buông khi vừa hết cung đàn

Gió đã dừng nơi cuối chót không gian

Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm

Người đã sống hết tận cùng năm tháng

Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên

Anh vẫn chưa nói được cùng em

Bài hát ấy vẫn còn là dang dở….

(Bài hát ấy vẫn còn là dang dở -Lưu Quang Vũ)

Đã thắp bao ngọn lửa trong lòng các bạn trẻ, đã nhìn thấy hàng triệu cánh tay giơ lên hòa cùng những giai điệu của mình với sự đồng cảm mà ca sĩ - nhạc sĩ nào cũng ao ước, anh vẫn thảng thốt:

Ngày hôm qua như trong giấc mơ

Bao xa cách chỉ như một chớp mắt

Bài ca ngọt ngào tìm quá khứ

Vẫn chưa vơi trên đôi bờ môi

Còn nguyên dấu vết bên nhau ta sống những tháng năm qua

Một ngọn nến thắp lên vẫn cháy trong bão giông

Và còn mãi cháy sáng trong đời, cháy sáng lung linh màu….                

(Ngày hôm qua – Trần Lập)

Dẫu sao, bằng tất cả nhiệt huyết cống hiến cho cuộc đời, Lưu Quang Vũ và Trần Lập đã để lại thế gian những điều đẹp đẽ nhất. Sẽ không chỉ những người yêu thơ, những rockfan mến mộ các anh, mà bất cứ công dân Việt nào cũng tìm thấy những an ủi, những sẻ chia, những thức tỉnh trong tác phẩm của hai nghệ sĩ tài hoa. Đó hẳn là điều mà các anh mong muốn nhất!

Phùng Ngọc Châm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm