Phim 'Công binh, đêm dài Đông Dương': Câu hỏi ám ảnh, nỗi đau kéo dài

18/06/2016 16:04 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Số phận 2 vạn thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm công nhân năm 1939 đến giờ ra sao, đó là câu hỏi đang ám ảnh nhiều người Việt, trong đó có cả giới nghiên cứu.

Tối 16/6, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), lần đầu tiên bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương (2013) của đạo diễn Việt kiều Lê Lâm được giới thiệu trọn vẹn.

Bi kịch tha hương của 2 vạn con người

Năm 1939, khi Pháp tuyên chiến với Đức, chính quyền của Pháp ở Đông Dương đã cưỡng bức 2 vạn thanh niên Việt Nam (trong đó 95% là nông dân mù chữ) sang Pháp làm lính thợ phục vụ cho kĩ nghệ chiến tranh Pháp.

Trước đó, trong Thế chiến thứ I, lực lượng lính thợ Việt Nam sang Pháp vẫn được gọi là "lính khố xanh", "lính khố đỏ" khi trở về Việt Nam được chính quyền thuộc địa ưu đãi. Nhưng, những công binh sang Pháp vào Thế chiến thứ II có số phận bi thảm hơn nhiều.

Sang Pháp, họ bị đưa vào xưởng vũ khí làm công nhân nhồi thuốc súng và được chuyển vào ở nhà tù (vốn được xây để nhốt lính Đức) trong điều kiện sống tồi tệ nhất. Nhưng chưa đánh, "mẫu quốc" đã thua Đức.

Lực lượng công binh Việt Nam không phải lính, không phải tù binh của Đức, nhưng cũng không được về nước, tiếp tục ở lại đây lao động như nô lệ. Cho đến khi cống hiến cả cuộc đời bên đất Pháp, họ không hề được các chế độ bình đẳng như dân Pháp.

Đạo diễn Lê Lâm cho biết, bộ phim mới chỉ tiết lộ một phần. Tư liệu lưu trữ 120 giờ phỏng vấn với các nhân chứng có những câu chuyện còn "khủng khiếp" hơn.

Thời điểm đạo diễn Lê Lâm làm hậu kì, các nhân chứng đã lần lượt qua đời vì hầu hết đã trên 90 tuổi. Bởi vậy, có thể nói, Công binh, đêm dài Đông Dương rất có giá trị về mặt tư liệu lịch sử.

Một câu hỏi lớn đặt ra sau buổi chiếu phim, số phận của thế hệ sau của đội ngũ công binh sinh sống bên Pháp thế nào, gia đình của họ tại Việt Nam ra sao? Điều này ngay cả giới sử học nước nhà cũng chưa thực sự đào sâu nghiên cứu.

Nỗi đau kéo dài

Sau buổi chiếu phim, ông Lê Hoàn Nam, cháu của ông Lê Cao Phan (một công binh đã qua đời bên Pháp) đã chia sẻ câu chuyện đau lòng của gia đình.

"Suốt tuổi trẻ ông tôi đi theo các công trình xây dựng của Pháp ở Việt Nam. Đến năm 1939, khi đến tuổi về hưu, ông vẫn  bị bắt sang Pháp làm lính thợ và qua đời bên đó. Gia đình gồm bà và 10 người con tan nát hết, chẳng còn ruộng vườn, làng xóm thì nghi ngờ” – ông Lê Hoàn Nam chia sẻ - “Nhiều người con đã hận ông. Khi cha tôi qua đời, ông để lại di nguyện phải tìm được ông tôi về. Tôi đã cố gắng nhiều năm, đã liên lạc với cả Đại sứ quán Pháp nhưng chưa có kết quả".

Khi bộ phim này chiếu bên Pháp, đạo diễn Lê Lâm cho biết, mỗi buổi chiếu ở một thành phố thường có vài người con của các công binh tới dự. Họ đều chung một tâm trạng ngỡ ngàng, khi bây giờ mới biết cuộc đời của cha mình và nguồn gốc của mình.

Đạo diễn Lê Lâm cho biết: "Bộ phim đã được chiếu ở nước Pháp suốt một năm trời. Nhưng với tôi, việc được chiếu tại Việt Nam mới là điều ý nghĩa nhất. Tôi làm phim này với mong muốn tìm lại nhân phẩm cho những công binh, cũng như con cháu của các vị ấy".

Trong buổi giao lưu, nhà sử học Trương Trung Quốc cho biết, sự kiện này chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam, thậm chí chưa được quan tâm nghiên cứu. "Sau năm 1945, cộng đồng người Việt tại Pháp phân hóa rất mạnh. Nhưng ai cũng đều khao khát độc lập, có điều cách thực hiện khác nhau. Đã hơn 70 năm trôi qua, cần nhìn nhận sự kiện này một cách khách quan, trung thực, với tấm lòng bao dung, chia sẻ hơn" - ông Dương Trung Quốc nói.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm