Phim 'Kiều @': Khi đạo diễn làm nghệ sĩ xiếc trên dây

24/02/2021 07:59 GMT+7 | Giải trí

(giaidauscholar.com) - Trước Tết Tân Sửu đúng 2 ngày, giới làm phim nhận một cú sốc lớn khi TP.HCM - nơi chiếm hơn 42% thị phần chiếu phim của cả nước - quyết định dừng hoạt động các rạp phim vì lý do phòng dịch Covid-19. Từ đó, nhiều nhà sản xuất, nhà phát hành đã tuyên bố hoãn lịch chiếu phim Tết và các phim đã dự tính. Nhưng thật bất ngờ, khi phim Kiều @ (đạo diễn: Đỗ Thành An) theo đúng kế hoạch, vẫn ra rạp dự kiến vào ngày 26/2 (tại các rạp chiếu còn mở cửa). Đây có thể xem là một nước đi khá liều lĩnh và đầy can đảm của nhà sản xuất.

Đoàn phim Kiều @ viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du

Đoàn phim Kiều @ viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du

Sáng ngày 20/1, đoàn làm phim Kiều @ (đạo diễn: Đỗ Thành An) đã đến thăm khu tưởng niệm và viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Phim kể về nhân vật Phấn (Cao Thái Hà thủ vai) bị ngưng tim tại bệnh viện, từ đây linh hồn cô thoát xác và bay ngược về quá khứ để tìm hiểu lý do khiến cô phải chết. Cô thấy chị hai mình - Hương (Phan Thị Mơ) - lên Sài Gòn học tập để đổi đời, nhưng rồi bị Định (Trần Trung) dụ dỗ biến thành tình nhân và gái làm tiền cho hắn ta. Từ đây, bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình, bị kịch tình chị duyên em chồng chất lên mỗi nhân vật trong phim.

Sợi dây mang tên “một cú máy”

Sơ lược như thế để thấy kịch bản phim tuyến tính, có những cao trào và nút thắt nhưng không phải quá đặc biệt hoặc khác thường. Nhưng qua cách dựng phim, người xem thật sự được thưởng thức một bữa tiệc thị giác sinh động và khác lạ. Sự khác lạ ấy đầu tiên và trên hết đến từ phong cách nghệ thuật one shot (tạm dịch là một cú máy) mà đạo diễn lựa chọn khi quay bộ phim này.

One shot là kỹ thuật quay và dựng phim mà khi những gì chiếu trên màn ảnh khiến cho khán giả cảm thấy mọi thứ được quay thật liền lạc, không đứt đoạn. Đây là một thủ pháp quay phim khó, rất ít khi các đạo diễn chọn lựa. Hiện tại trên thế giới mới chỉ có 30 phim trên 90 phút quay theo thể thức này, Kiều @ của Đỗ Thành An là bộ phim thứ 31.

Chú thích ảnh
Phấn - do Cao Thái Hà thủ vai - là ví dụ cho bi kịch gia đình vì hiểu lầm, thiếu sự chia sẻ

Sở dĩ ít đạo diễn chọn sử dụng kỹ thuật quay one shot là bởi 2 lý do. Thứ nhất, kỹ thuật quay phim quá khó mà tính hiệu quả luôn là một đáp án lấp lửng. Thứ hai, chi phí quá đỗi tốn kém, hầu hết các phim điện ảnh quay one shot trên thế giới đều có kinh phí hàng chục triệu USD.

Tuy nhiên, có một điều an ủi cho những nhà làm phim one shot đi sau là đã có những phim one shot đi trước gặt hái được rất nhiều thành công, thậm chí còn bước vào hàng kinh điển của điện ảnh thế giới. Đây cũng là động lực để đạo diễn Đỗ Thành An kế thừa và phát triển trong những thước phim thuần Việt về nàng Kiều thời hiện đại. Quan trọng hơn, câu chuyện và mắt nhìn của một linh hồn khá phù hợp với cách kể một cú máy.

Phim truyền đi thông điệp mạnh mẽ về gia đình: cha mẹ nên gắn kết, sẻ chia và đặt mình vào vị trí con cái để yêu thương đúng cách. Anh chị em trong một nhà nên có sự thấu hiểu, đồng cảm, thay vì nghi kị và oán hận thì mới ngăn được những bi kịch không nên có.

Một điều mới lạ trong thủ pháp one shot của Đỗ Thành An đó là anh đã tạo ra được một “cú máy linh hồn”. Những gì khán giả được thấy trên phim là cái nhìn dưới con mắt chủ quan của một linh hồn. One shot mới lạ của Kiều @ chính là điểm này. Chỉ khác với những kỹ thuật quay one shot khác trên thế giới - vốn làm cho góc quay không bị rung lắc khi di chuyển - ở đây, khán giả có thể cảm nhận rất rõ sự rung của máy quay theo nhịp điệu, tình tiết phim. Như thể đây là một linh hồn thật sự chứ không còn là một góc máy chủ quan nữa.

Chú thích ảnh
Hương - do hoa hậu Phan Thị Mơ thủ vai, với nhiều giông tố và thách thức về nội tâm

Có thể nói, với điều này, Đỗ Thành An đang tự biến mình thành một nghệ sĩ xiếc đi dây. Một sự lơ là, chểnh mảng dù nhỏ nhất, cũng không được phép xuất hiện ở đây. Người xem theo dõi hơn 120 phút phim sẽ cảm nhận được lằn ranh giữa sự “suýt sến” của cốt truyện với sự nghệ thuật kể chuyện một cú máy là khá mong manh. Đi được giữa sự mong manh ấy mà vẫn giữ chân được khán giả là nan đề của bộ phim này. Đỗ Thành An tự đặt ra bài toán khó và bắt mình phải giải, rất may, anh đã giải được trong gang tấc.

Vì sao vẫn quyết đưa phim ra rạp lúc này?

Như từ đầu đã đề cập, điều mà ai cũng dễ băn khoăn là tại sao nhà sản xuất vẫn quyết đưa phim ra rạp trong giai đoạn này, khi mà các rạp phim ở TP.HCM và một số tỉnh tạm thời phải đóng cửa? Chiếu phim lúc này gần như sẽ cầm chắc thua lỗ? Nhà làm phim mong cầu điều gì khi hầu hết người dân cả nước hiện nay đang phấp phỏng dõi theo từng diễn biến của đại dịch?

Chú thích ảnh
Phim xây dựng được nhiều biểu tượng, cây cầu là một biểu tượng như vậy

Về điều này, đạo diễn Đỗ Thành An chia sẻ: “Việc tổn thất về doanh thu, lợi nhuận là điều có thể hình dung ra được, nhưng chúng tôi vẫn quyết định công chiếu, vì đoàn phim mong muốn được chia sẻ phần nào khó khăn của cộng đồng. Nếu thấy khó khăn mà quay lưng, trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, chắc cũng sẽ được cảm thông, nhưng chúng tôi không muốn tiếp tục quay lưng. Hơn nữa, chúng tôi cũng hy vọng rằng với tinh thần phòng chống dịch hiệu quả, Việt Nam sẽ sớm có lại được cuộc sống bình thường mới, để tất cả các hoạt động giải trí, trong đó có phim ảnh, sớm được diễn ra bình thường hơn”.

Diễn biến của dịch bệnh hiện nay còn khá phức tạp, nhưng nỗ lực của ngành y tế đang cho thấy những dấu hiệu khả quan. Hy vọng Kiều @ ra rạp sẽ góp một liều thuốc tinh thần giúp khán giả bớt căng thẳng trước cơn đại dịch mang tính toàn cầu này.

Bảo Bình

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm