Phim 'Lạc giới': Một cảm giác lưỡng lự

16/10/2014 14:05 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Phim Lạc giới (KB - ĐD: Phi Tiến Sơn) vừa ra mắt báo chí TP.HCM để chuẩn bị công chiếu tại rạp vào ngày 17/10. So với Đam mê vừa tái chiếu gần đây, Lạc giới là một cố gắng đáng kể của Phi Tiến Sơn về mọi mặt; song hành đó là việc “lót đường” khá tốt về mặt truyền thông, tạo được sự háo hức nơi người xem. Thế nhưng…

Cũng như Đam mê (năm 2012), như Bước khẽ tới hạnh phúc (ĐD: Lưu Trọng Ninh, 2014), như Tối nay 8 giờ! (ĐD: Lê Hoàng, 2011)…, Lạc giới có cái nền kịch bản đủ “bột” để trẻ trung, tươi mới, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề tuổi tác (?), cả 3 đạo diễn đã không “gột” nên thứ hồ hấp dẫn. Thế nên mới có ý kiến cho rằng: họ đã đến tuổi nghỉ hưu trong cương vị đạo diễn phim tình yêu, nhất là ở khá cạnh “tiếng sét ái tình”.

Thừa chất lãng mạn

Có một điểm chung trong nhiều phim của Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh, Lê Hoàng… và Phi Tiến Sơn là chất thi vị và sự ngây thơ (theo nghĩa lạc quan). Giữa bể đời nhiều xao động, thực dụng, họ thường đưa ra những tình huống phim thật thơ mộng, lãng mạn đến khó tin. Và cũng vì tính mơ mộng, nên với cái kết, họ thường vội vàng đưa ra một bài học, một luận đề.

Phim Lạc giới kể chuyện tên tội phạm “lưỡng giới” là Trung (do Trung Dũng thủ vai) đã cùng lúc quan hệ luyến ái với nữ ý tá Kim (Mai Thu Huyền) và bệnh nhân Hải (Nguyễn Bình An). Họ sống trong một bối cảnh cô quạnh, buồn, nhưng đẹp như trong truyện dành cho tuổi mới lớn. Họ gần như nhìn thấy nhau là luyến ái nhau tức thì. Nếu cảm hứng lãng mạn không đủ dạt dào thì khó mà tạo ra được bối cảnh “đương nhiên” như vậy.

Phim có thông điệp rõ ràng: “Trong cuộc sống chúng ta hãy nên tôn trọng sự khác biệt”. Nhìn ở khía cạnh này thì Lạc giới đã diễn đạt khá kín đáo, thoát được tính giáo điều sống sượng như Bước khẽ đến hạnh phúc.

Một chủ đích lãng mạn khác là ở niềm tin và mong muốn của đạo diễn, nơi câu chuyện phải diễn ra đúng như ý của họ. Đành rằng đây là đặc thù nghề nghiệp, thế nhưng, khi câu chuyện không đủ tự nhiên, tinh tế và sinh động, thì mong muốn đó thành ra gượng gạo.

Luyến tiếc

Kết thúc phim, khán giả vẫn còn lấn cấn câu hỏi rằng liệu Trung đã thật sự yêu Hải hay chưa? Có thể trong kịch bản thì đã yêu rồi, nhưng khi lên phim thì cứ thấy thiêu thiếu. Giá như tình yêu này cụ thể và sâu đậm hơn chút xíu thì Trung đã thật sự “lạc giới”, ở đây mới “gần lạc giới” mà thôi.

Phim do Joel Spezeski đạo diễn hình ảnh, người xem dễ dàng nhận thấy sự đầu tư và hiệu quả ở điểm này. Thế nhưng, do Lạc giới là câu chuyện nội tâm, vốn cần sự chuyển biến tâm lý và cảnh cận hơn nhiều hơn cảnh toàn, nên nhiều thước phim đẹp đã vô tình “bội phản” tâm lý nhân vật, làm khán giả mất tập trung. Giá như việc hòa trộn, cắt cúp cảnh cận hợp lý hơn nữa thì đây đã là bộ phim tâm lý có hiệu quả về hình ảnh đẹp; điều mà Lấy chồng người ta (ĐD: Lưu Huỳnh) đã làm tốt hơn rất nhiều.

Phim cũng có nhiều hành động mang tính biểu tượng, nhưng lặp lại rời rạc, vốn ít liên quan đến “ẩn ức chính” của câu chuyện; ví dụ việc Hải bắn cung, vắt sữa dê, ông chủ quán (NSƯT Thành Lộc) bắt ruồi đoán giới tính… Giá như phim tập trung nhiều hơn vào hành động, biểu tượng tạo ẩn ức tính dục cho 3 vai chính, đặc biệt là y tá Kim thì hợp lý hơn.

Chính các cảm giác lưỡng lự như vừa nêu đã làm cho Lạc giới đánh mất cơ hội trở thành phim lôi cuốn. Tuy nhiên, với các khán giả thích phim Việt và thích chủ đề giới tính, thì đây vẫn có thể là phim giải trí được.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm