Phim lịch sử Việt Nam: Khó với người làm, khó cả với người xem

24/08/2015 05:20 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức từng nhận định: “Phim lịch sử Việt Nam hiện nay đang rất vênh, chưa xứng với tầm vóc của lịch sử dân tộc…”. Mới đây, khi hỏi lại ý này tại một buổi giao lưu, họa sĩ Mạnh Đức khẳng định nó vẫn chưa thay đổi, đôi lúc còn yếu hơn.

Nguyễn Mạnh Đức cho rằng: “Phim lịch sử còn lèo tèo và manh mún, khá ít ỏi so với phim lịch sử của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc. Không phải vì Việt Nam chúng ta thiếu tầm vóc, mà là do các nhà làm phim chưa nhận thức được vai trò của những bộ phim cổ trang, mang tính lịch sử”.

Dịp 2/9 năm nay dự kiến có 3 phim truyện làNhà tiên tri (ĐD: Vương Đức), Mộ gió (ĐD: Nguyễn Hữu Phần), Người trở về (ĐD: Đặng Thái Huyền), 1 phim tài liệu là 70 năm đất nước:Niềm tin và ánh sáng (ĐD: Đào Trọng Khánh - Hoàng Dũng) và 1 phim hoạt hình là Kim Đồng (Hãng phim hoạt hình Việt Nam) được công chiếu.

Mộ gió đã ra mắt năm vừa rồi, không thành công, năm nay được chiếu lại. Xét ở khía cạnh phim lịch sử, Nhà tiên triKim Đồng tương đối gần với thể loại này.

Tránh minh họa lịch sử

Bộ phim hoạt hình Kim Đồng và phim truyện Nhà tiên tri đã chiếu mở màn tại Trung tâm chiếu phim quốc gia tuần qua. Với những trẻ em đã đọc truyện về Kim Đồng, họ sẽ tò mò khi xem phim, ít nhiều bị thu hút bởi nội dung câu chuyện, vốn có sức hút, đầy tính bi tráng.

Nhưng một câu chuyện hay như vậy đòi hỏi cần được đầu tư nhiều hơn khi lên phim. Là phim thiếu nhi, nhưng màu sắc của phim Kim Đồng khá trầm, không hề bắt mắt. Thiếu nhi có thể chấp nhận tạo hình 3D thô sơ, nhưng ít ra nhân vật đó phải có nét gì đó đáng yêu, hoặc có những hành động gây chú ý, khiến các em chú ý.

Đáng tiếc, tạo hình nhân vật 3D trong phim này khô cứng, đôi mắt của Kim Đồng không mấy thiện cảm. Chuyện phim bám sát câu chuyện văn học, thiếu sáng tạo, gần như minh họa lại lịch sử, minh họa lại những gì khán giả đã biết về Kim Đồng.

Bộ phim truyện Nhà tiên tri cũng rơi vào việc minh họa giống phim Kim Đồng, dù phim được đầu tư lớn hơn rất nhiều. Thế mạnh là phim đã cung cấp một hệ thống chi tiết giúp khán giả hình dung rõ hơn về một thời kỳ đầy gian khổ của dân tộc ta và của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ nơi ăn ở, làm việc, sinh hoạt cho đến cách ứng xử với chiến sĩ, họp bàn tác chiến…

Hệ thống chi tiết đó đã được kể lại bằng hình ảnh khá mạch lạc, đi kèm là những câu thoại ngắn gọn, cô đọng, trong đó sưu tầm không ít những những câu nói của Hồ Chí Minh được sử sách, báo chí ghi chép lại. Song hành đó là những bước tiến về kỹ thuật hình ảnh, kỹ xảo.

Tất cả tạo nên cảm giác thông tin rất đầy đủ, như một tác phẩm báo chí bằng hình ảnh. Nhưng một tác phẩm điện ảnh cần nhiều hơn thế, kể cả làm phim về lịch sử, thì lịch sử trong phim cũng cần có đời sống riêng.

Nhân vật cũng cần được bồi da đắp thịt, thông qua diễn suất của diễn viên, để đem lại những cảm xúc thú vị cho khán giả. Hơn nữa, tiết tấu phim chậm, đều, thiếu kịch tính nến rất khó thu hút khán giả ngày nay.

Cần một cách nhìn mới

Không bình luận về các phim vừa nêu trên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chỉ muốn chia sẻ quan điểm của anh về cách làm phim lịch sử hiện nay. Anh nói: “Cái khó nhất của phim lịch sử vẫn là việc xác định vị trí, điểm nhìn của sự thật.

Lý tưởng nhất là nên nhìn từ nhiều hướng khác nhau, càng đa diện càng tốt, nếu chỉ nhìn một chiều, cực đoan, thì hoặc sẽ là phản động, hoặc sẽ là tuyên truyền thuần túy, khô cứng.

Cơ chế nào cũng có ràng buộc của nó, ít hay nhiều mà thôi, người bỏ tiền ra đầu tư (dù nhà nước hay tư nhân) luôn có quyền quyết định của mình. Cho nên, vấn đề còn lại là người làm phim phải xác định cho sản phẩm của mình một đời sống xã hội, phải xem nó là một sản phẩm văn hóa, luôn cần sự đa diện, có như vậy mới mong thoát được phần nào sự minh họa xơ cứng”.

Lâu nay chúng ta vẫn than phim lịch sử khó làm là do thiếu đầu tư đúng mức về kịch bản, bối cảnh, đạo cụ, trang phục, kĩ xảo… - nói chung những cái mà có tiền là có khả năng thuê mướn, hoặc làm được.

“Xác định vị trí, điểm nhìn của sự thật” như lời đạo diễn Những người viết huyền thoại nói tuy không mới, nhưng thật sự lại là “hạng mục” ít được đặt nặng trong khâu làm kịch bản, sản xuất phim lịch sử lâu nay. Đó là chưa nói nhiều nơi vẫn tự xem cách trình bày sự thật (việc đương nhiên) là điều gì đó rất “nhạy cảm”.

Như Thể thao & Văn hóa từng đề cập, cuối tháng 8/2014, các phim Mất xác, Sống cùng lịch sử, Mộ gió, Đam mê, Scandal 2 - Hào quang trở lại… cùng ra rạp, nhưng trong hai tuần ở Rạp Kim Đồng (Hà Nội), phim lịch sử Sống cùng lịch sử không bán được một vé. Điều này cho thấy phim lịch sử Việt Nam không chỉ khó với người làm, mà còn khó với người xem.

Ngọc Diệp - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm