25/06/2018 11:05 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Giữa dòng phim Hè đầy rẫy ngôn tình, remake hoặc bom tấn nước ngoài, Ống kính sát nhân xuất hiện theo kiểu “một mình một chợ” bởi sự khác biệt trong chọn thể loại (tâm lý tội phạm) và phong cách làm phim (cổ điển, gợi nhớ những phim ly kỳ hồi hộp của Alfred Hitchcock).
1. Là sản phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng và là sản phẩm chào sân của nhà đầu tư-sản xuất phim Việt mới: Mockingbird, nên Ống kính sát nhân thể hiện sự tâm huyết, chỉn chu của những “tân binh” mới gia nhập làng phim Việt.
Dạo ê kíp làm phim Ống kính sát nhân mới công bố thông tin ban đầu về bộ phim, thông tin tác phẩm lấy ý tưởng từ vụ án nghệ sĩ Thanh Nga và tựa ban đầu đầy bí ẩn: Thanh tra K đã lập tức thu hút chú ý của dư luận.
Đến khi trailer tung ra, Ống kính sát nhân như “thôi miên” người xem, bởi sự dụng công trong từng khung hình và từng thước phim chứa đựng bao điều bí ẩn tò mò về tính cách nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật.
Câu chuyện phim đến khi ra rạp quả thật mang nhiều yếu tố hồi hộp, ly kỳ, không bõ công người xem đã mua vé. Ngay cảnh mở đầu, Ống kính sát nhân đã làm khán giả rùng mình với cảnh một đứa bé đang chơi trò trốn tìm trong quang cảnh đường phố vắng hoe không một bóng người. Trong lúc đứa bé còn đang úp mặt vào cột điện nhẩm đếm thì một bóng đen xuất hiện từ phía sau lưng em và màn hình tối thui, cắtcảnh.
Số phận cậu bé sau đó ra sao, bóng đen đó là ai, bộ phim để dở ở đó và đi vào câu chuyện về thanh tra K.Sau khi vô tình gây ra cái chết cho một nữ đồng nghiệp, thanh tra K bị đình chỉ công tác và vì thế khi thị trấn xảy ra vụ vợ chồng nghệ sĩ cải lương Liên Hoa bị sát hại, anh không được cấp trên giao việc.
Thanh tra Dương, người đảm nhận vụ án, nhanh chóng tìm ra thủ phạm là tay thợ chụp ảnh tên Tốn nhờ dựa vào lời khai của người quản gia và cậu con trai 7 tuổi của nhà Liên Hoa - hai người chứng kiến vụ việc. Với con mắt nhà nghề, thanh tra K nhận ra Dương đã bắt nhầm người. Anh quyết tâm tự mình phá án, cùng với sự giúp sức của Cẩm Phô, hôn thê của Tốn.
Dấn ấn cá nhân của biên kịch-đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng đặt để vào phim khá rõ. Dễ thấy đó là sự ảnh hưởng một chút từ những phim Alfred Hitchcock và Vương Gia Vệ ở cách xây dựng bối cảnh, màu sắc phim khá cổ điển. Là sự kỹ tính, chăm chút từng món đạo cụ, chọn lựa bối cảnh, cách đặt sáng cho đến cả sự khắt khe yêu cầu diễn viên để mặt mộc.
Có thông tin, có hôm ra hiện trường, nhìn thấy ánh sáng không như mong muốn, vị đạo diễn 9X này sẵn sàng dừng lại buổi quay chờ lúc khác. Chính vì vậy mà từng góc máy, cảnh trí trong phim, vẫn là những con dốc, góc phố, những căn biệt thự bỏ hoang, những ngôi nhà gỗ xinh xinh ở Đà Lạt, dù quen thuộc đều hiện ra lạ lẫm, mới mẻ, mang lại hứng thú cho người xem.
Dấu ấn của Hoàng còn được thấy ở cách kể chậm chạp, từ tốn, dẫn dắt người xem từ từ tìm hiểu ai là thủ phạm song song với việc khám phá tâm lý hung thủ. Một cảm giác khá thích thú và mới lạ khi có một đạo diễn còn rất trẻ như Hoàng nhưng lại sở hữu phong cách làm phim chững chạc như vậy.
2. Tất nhiên sản phẩm đầu tay của Nguyễn Hữu Hoàng vẫn còn sạn. Phim để lại nhiều thắc mắc chưa được giải đáp chẳng hạn cách mà thanh tra K vô tình sát hại nữ đồng nghiệp, động cơ người quản gia tiếp tay cho thủ phạm chưa thuyết phục, ngay cả hoàn cảnh “tình ngay lý gian” của Tốn cũng vậy.
Bù lại diễn xuất của các diễn viên rất tốt. Hứa Vĩ Văn hoàn toàn thoát khỏi hình ảnh hào hoa lịch lãm thường thấy trên phim để vào vai một người đàn ông trung niên, mang nhiều ẩn ức. Diễm My 9X sau Cô Ba Sài Gòn một lần nữa chứng tỏ diễn xuất lên tay với vai diễn người phụ nữ mang nhiều tâm trạng.
Ấn tượng nhất là vai phản diện của Khương Ngọc. Từ tạo hình cho đến diễn xuất của anh toát lên vẻ ma quái, bí ẩn. Vai diễn người cha yêu con mù quáng trong phim thực sự là một thử thách vì phải vừa thể hiện sự tỉnh táo nhưng vừa phải thể hiện trạng thái tâm lý không bình thường. Cảnh gần cuối phim khi hung thủ bị lộ diện, Khương Ngọc đã có màn trình diễn xuất thần với rất nhiều cung bậc cảm xúc: đau đớn, điên cuồng, giận dữ… hai diễn viên gạo cội Nguyễn Chánh Tín và Thương Tín dù xuất hiện không nhiều nhưng vẫn chứng tỏ phong độ nghề nghiệp.
Chọn một lối đi khác biệt trong luồng chảy hiện có của phim Việt, Ống kính sát nhân như một phép thử của những người trẻ. Thành công hay chưa thành công, tùy vào góc nhìn người xem, nhưng chí ít với sự lựa chọn của Nguyễn Hữu Hoàng và Mockingbird, đã cho thấy sự dũng cảm của những người trẻ. Mà điện ảnh rất cần sự khác biệt.
Dương Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất