22/05/2014 08:05 GMT+7 | Phim
Điểm tên một số phim siêu anh hùng đang và sẽ làm mưa làm gió: Người Nhện siêu đẳng 2 (ra mắt đầu tháng 5, doanh thu gần 180 triệu USD), Dị nhân: Ngày cũ của tương lai (X-Men: Days Of Future Past) ra mắt 23/5, phim làm lại Ninja rùa (Teenage Mutant Ninja Turtles), Đại chiến Robot phần 4 (Transformers: Age Of Extinction) đều sẽ ra vào mùa Hè này. Ngoài ra có Biệt đội siêu anh hùng (The Avengers) và một phim về siêu nhân và người dơi sẽ ra mắt vào năm tới.
Theo cây bút Tim Wainwright của The Atlantic, phim siêu anh hùng vẫn đang ở giai đoạn “ấu trùng”, các kiệt tác sẽ đến trong tương lai, tương tự dòng phim cao bồi viễn Tây thập niên 1950. Nhưng vấn đề là Hollywood đang không ngừng sản xuất những phim siêu anh hùng chất lượng trung bình. Vậy nên, tương lai xuất hiện kiệt tác nghệ thuật của phim siêu anh hùng càng trở nên mù mờ.
Điện ảnh một thời thiết yếu như gà nướng
Trước tiên, hãy quay lại với thời hoàng kim của điện ảnh phương Tây thập niên 1950. Năm 1950, điện ảnh là ngành kinh doanh lớn thứ 3 nước Mỹ, sau cửa hàng tạp hóa và xe hơi, theo tác giả Edward Jay Epstein trong cuốn sách The Big Picture. 6 hãng phim lớn của thời đó (MGM, Warner Bros., Paramount, Twentieth Century-Fox và RKO) có thể sản xuất bất cứ thứ gì mà không lo thất bại doanh thu. Họ sở hữu chuỗi rạp chiếu riêng, hợp tác phân phối một thứ sản phẩm (phim ảnh) mà thời đó cũng cần thiết như món gà nướng vậy.
Rất khó tưởng tượng độ phủ sóng của điện ảnh thời đó: mỗi tuần, 90 triệu người Mỹ, chiếm 60% dân số, đến rạp phim. Nếu so sánh, công chúng thời những năm 1950 của điện ảnh còn đông hơn giải Super Bowl ngày nay. Nhưng trong thế giới cạnh tranh khắc nghiệt hiện đại, uy thế đó đã chấm dứt.
Trong vòng 20 năm tới, sẽ có 2 thứ đe dọa nền công nghiệp điện ảnh, là truyền hình và xu hướng phá vỡ độc quyền. Các hãng phim sẽ vất vả hơn trong việc giành được sự quan tâm của công chúng. Người Mỹ trước đây mua trung bình 20 đến 30 vé xem phim mỗi năm. Hiện nay, họ mua khoảng 4 vé. Theo tỷ lệ thuận, các hãng cũng sản xuất ít phim hơn nhưng phải chi thêm tiền để quảng bá (khoảng 35 triệu USD mỗi phim).
Cùng lúc đó, thị trường điện ảnh được toàn cầu hóa. Thị trường Mỹ và Canada ngày càng rộng hơn nhưng cũng bị cào bằng. Tương lai của phòng vé là bên ngoài Bắc Mỹ. Điều đó có nghĩa sẽ có ít phim hơn, nhưng toàn phim “khủng”, được quảng bá ầm ĩ và an toàn, với khả năng sinh lời được đảm bảo ở mức cao.
“Nhà máy điện ảnh” và chủ nghĩa trung bình
Để đảm bảo khả năng thu hút khán giả, các hãng phải sản xuất phim kinh phí lớn, dù đây là một rủi ro. Hollywood có cách giải quyết an toàn: bám riết vào phần tiếp theo của những phim ăn khách hoặc chuyển thể các cuốn sách ăn khách. Cách này ăn tiền. 13 trong số 14 phim ăn khách nhất 2013 là chuyển thể hoặc phần tiếp theo.
Đừng hiểu nhầm là Hollywood đang cố phục vụ thị hiếu khán giả. Với cách làm phim có hệ thống này, họ đang nhào nặn ra thị hiếu khán giả. Xem nhiều thì sẽ thích.
Với giới phê bình, vấn đề của các phim siêu anh hùng Hollywood (đều là bom tấn) nằm ở chất lượng của chúng. Không tệ, nhưng không xuất sắc, chỉ trung bình. Một dạng trung bình có chủ đích. Phim siêu anh hùng chính xác là sản phẩm theo chủ nghĩa trung bình của “nhà máy Hollywood”, có điều đang chuyển từ độc quyền của một số hãng lớn sang chỗ cạnh tranh, khi "nhà nhà đều sản xuất" thể loại phim này.
Hollywood biết rõ công chúng của họ muốn gì. Họ muốn những phim mới từa tựa như bộ phim trung bình họ xem trước đó và thấy khoái.Và Hollywood có quy trình sản xuất phim sao cho hiệu quả nhất. Kịch bản được một đội biên tập viên sửa chữa trước khi đem cho các chuyên gia phân tích rằng cốt truyện thế này phù hợp với phim kinh dị hay phim siêu anh hùng. Khi bản nháp đầu tiên của phim hoàn thành, các công ty chiếu phim sẽ chiếu thử để lấy ý kiến từ các bậc cha mẹ ở California.
Từ bản nháp đầu tiên, các phim sẽ trải qua nhiều lần trau chuốt khác mới đến mắt khán giả, để chắc rằng công trình 200 triệu USD, mức chi phí trung bình của phim bom tấn, không phải là sự lãng phí lớn. Các hãng phim vừa ngại rủi ro vừa thạo thu thập phản hồi của khán giả nên muốn chắc chắn rằng phim sau phải nhắc khán giả nhớ đến phim trước. Các yếu tố quen thuộc sẽ được gia tăng, những chỗ dở được khắc phục, nhưng đồng thời những chỗ hay cũng được gia giảm cho vừa với “chiếc áo” trung bình.
60 năm trước, công chúng hồn nhiên hơn khi đến rạp chiếu, họ muốn xem phim hay. Ngày nay, khi đến rạp, hầu hết mọi người muốn xem những thứ quen thuộc, gồm các diễn viên, cốt truyện và tạo hình cũ mới. Nhắc lại trường hợp Người Nhện siêu đẳng 2 ở trên, độ chênh giữa đánh giá của giới phê bình và khán giả cho thấy bộ phim đúng là trung bình theo tiêu chuẩn phê bình. Vấn đề nằm ở chỗ rất đông khán giả lại khen hay, và họ là những người bỏ tiền mua vé.
Hạ Huyền (theo The Atlantic)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất