Kho phim khổng lồ và hành trình cần tiếp sức

29/06/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Việt Nam là quốc gia có khối lượng phim rất đồ sộ, hiện đang được lưu trữ ở nhiều đơn vị. Vậy nhưng, công cuộc lưu trữ, bảo tồn, phục chế để bảo vệ “di sản điện ảnh” ấy hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Lưu trữ, phục chế phim trong thời đại 4.0 (kỳ 1): 'Phim đang chết đi và chết nhanh hơn ta tưởng'

Lưu trữ, phục chế phim trong thời đại 4.0 (kỳ 1): 'Phim đang chết đi và chết nhanh hơn ta tưởng'

Phim hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý của mỗi dân tộc và nhân loại, là kho báu cần phải được bảo tồn. Liên quan tới việc lưu trữ phim, có nhiều câu chuyện đáng quan tâm ở Việt Nam và trên thế giới.

Chỉ tính riêng Viện Phim Việt Nam - cơ quan lưu trữ quốc gia về hình ảnh động - hiệnđang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại, hàng chục nghìn băng, đĩa trong kho. Một khối lượng phim vô cùng lớn khác hiện đang được lưu trữ ở những đơn vị khác như: Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Kho phim lưu trữ tại Trung tâm Nghiên cứu & Lưu trữ Điện ảnh trực thuộc Viện Phim Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu & Khoa học Trung Ương, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng…

“Di sản” có nguy cơ mất đi

Các chuyên gia cùng những người làm công tác lưu trữ cho biết, do điều kiện khí hậu Việt Nam khắc nghiệt, việc lưu trữ bảo quản phim gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, nhiều thước phim nhựa xuống cấp, nhựa mốc, nhiễm khuẩn, xước, biến dạng…, một số tài liệu không còn khả năng sử dụng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” tại Viện Phim Việt Nam

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Giám đốc Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng, đơn vị này đã sản xuất và phát hành một số lượng lớn cuốn phim tư liệu có giá trị lịch sử và nhân văn, là tài liệu tuyên truyền, nghiên cứu, học tập phong phú và hữu ích. Hiện tại, phần di sản là công sức, xương máu của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng xây đắp nên trong suốt hơn 50 năm qua đang rất cần được lưu trữ, bảo quản một cách an toàn để khai thác sử dụng lâu dài.

“Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, việc tiến hành lưu trữ, bảo quản, số hóa phim phục vụ cho nhiệm vụ chính trị lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách” - Đại tá Hoàng Ngọc Thanh bày tỏ và “phải thừa nhận rằng trong những năm qua công tác lưu trữ, bảo quản phim tại Điện ảnh - Truyền hình Bội đội Biên phòng chưa thực sự được chú trọng đúng mức, dẫn đến rất nhiều tác phẩm đang đứng trước nguy cơ nguy cơ lão hóa rất cao, một số đã bị hư hỏng, xuống cấp hoặc công nghệ trình chiếu đã thay đổi khiến không thể khai thác được”.

Tương tự, bà Đinh Thị Thúy Chinh, Phó trưởng phòng Bảo quản, Viện Phim Việt Nam, cũng nhận định: “Lưu trữ tư liệu hình ảnh động là một công việc hết sức quan trọng. Nhưng, vốn là một loại vật liệu mỏng manh, dễ bị ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nhất là môi trường nóng và ẩm như nước ta, phim điện ảnh có nguy cơ bị hủy hoại”.

Như lời bà, Viện Phim Việt Nam đã đầu tư nguồn lực và nhân lực làm công tác kiểm tra, tu sửa và bảo quản phim rất tốt. Tuy nhiên, đơn vị này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản, khai thác phim. Thực tế, nhiều phim lâu năm có bản phim bị xuống cấp theo thời gian, không thể chuyển sang phim nhựa mới để lưu trữ. Ngoài ra, số lượng phim quá lớn, đòi hỏi trang thiết bị và nhân lực nhiều, trong khi trang thiết bị máy móc dùng cho tu sửa, phục hồi phim nhựa còn hạn chế.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng việc bảo tồn, lưu trữ phim cần được tiếp sức bởi các mô hình xã hội hóa

Hành trình của những người chạy bền

Theo bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Trưởng phòng Bảo quản Tư liệu Điện ảnh, Trung tâm Nghiên cứu & Lưu trữ Điện ảnh, bảo quản phim là công việc nặng về kỹ thuật, không thể thiếu các thiết bị chuyên dụng đặc thù, phục vụ cho việc xử lý phim đạt chuẩn trước khi nhập kho và bảo quản phim theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

Thực tế, hầu hết thiết bị trong Kho phim lưu trữ tại Trung tâm này đều đã qua nhiều năm sử dụng, một số đã hỏng do xuống cấp; một số không hoạt động do thiếu hóa chất hoặc thiếu linh kiện thay thế (máy rửa phim); một số đang hoạt động sau khi đã được sửa chữa hoặc nâng cấp, trong đó một số hoạt động không ổn định. Bên cạnh đó, thiết bị trong kho phần lớn đều thuộc phiên bản thế hệ cũ đã không còn sản xuất nên việc sửa chữa, thay thế hoặc bổ sung gặp không ít khó khăn.

Đạo diễn Đập cánh giữa không trung Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻquan điểm của mình: Mọi người cần nhìn nhận những tác phẩm điện ảnh như một di sản quý giá của quốc gia - dân tộc và phải chấp nhận thực tế là di sản ấy không thể tồn tại quá lâu dài, dù trong điều kiện lý tưởng. Công việc bảo tồn di sản điện ảnh đòi hỏi sự nghiêm cẩn, bài bản và chung thủy lâu dài. Do đó, bảo tồn di sản điện ảnh phù hợp hơn cả khi là trách nhiệm, công việc, sự gắn bó, say mê của những cán bộ, chuyên gia trực thuộc Viện Phim Việt Nam.

“Nhưng như thế là chưa đủ” - Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định nhấn mạnh. “Chúng tôi nhận ra, bảo tồn di sản điện ảnh hay phục chế phim là công việc mà Viện Phim Việt Nam đã làm trong nhiều năm nay. Nó không phải là đường đua cự ly ngắn của một vận động viên đơn độc chạy từ vạch xuất phát đến cái đích. Nó là hành trình của những người chạy bền đáng ngưỡng mộ trong một hành trình không giới hạn và luôn luôn cần sự tiếp sức từ xung quanh”.

Như lời nữ đạo diễn, đã đến lúc, những người trong cuộc cần nghĩ đến việc thử nghiệm các mô hình xã hội hóa phi lợi nhuận để đồng hành với Viện Phim trên chặng đường chạy tiếp sức lâu dài này. Bảo tồn di sản điện ảnh khi được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, chất lượng theo đúng chuẩn quốc tế hiện hành cộng cùng kế hoạch truyền thông sáng tạo, dài hạn, sẽ tạo ra sức hút đủ để khiến dư luận quan tâm.

“Ở đây không có một cuốn phim nào cả!”

“Nếu được giữ trong lồng kính, một cuốn phim có thể tồn tại 500 năm. Nhưng trên thực tế, không có cuốn phim nào như vậy cả. Hãy tưởng tượng 500 năm nữa, nhiều đời con cháu chúng ta sẽ hoang mang thế nào nếu nhìn vào khoảng không trống rỗng và thốt lên: Trời ơi, ở đây không có một cuốn phim nào cả! Hoặc tệ hơn nữa sẽ là: Trời ơi, tất cả những cuốn phim này đã hỏng”(Phát biểu của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp).

(Còn nữa)

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm