03/01/2012 14:26 GMT+7 | Phim
Không đề cập đến phim truyền hình Việt Nam, dù số tập phim sản xuất trong năm qua khá khổng lồ, ước đoán hơn 7.000 tập (trong khi một nước như Trung Quốc cũng chỉ sản xuất khoảng 10.000 tập); riêng phim một tập, năm 2011 Việt Nam đã và sắp hoàn thành khoảng 30 phim chiếu rạp; khoảng 1.000 phim ngắn, trong đó gần 400 phim ngắn tham dự các cuộc thi có quy mô.
Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng
Yếu ở khâu tổ chức sản xuất
Có một giai đoạn chúng ta hay than vãn chuyện thiếu đạo diễn giỏi hoặc vắng bóng các nhân tố mới để cầm trịch sáng tạo. Tình hình này đã bắt đầu thay đổi. Trong khoảng 20 phim của điện ảnh tư nhân ra rạp trong năm 2011, có gần một nửa là tên tuổi mới. Bên cạnh đó là hàng trăm gương mặt tinh khôi (vừa tốt nghiệp hoặc đang tập tành làm phim ngắn) với khát vọng làm phim dài đầu tay.
Nói như vậy để thấy một điều rằng, lúc này việc tổ chức sản xuất phim là hết sức quan trọng, trong khi thực tế thì cho thấy, chúng ta còn quá thiếu, quá nghiệp dư và bất cập.
Vinh quang hay thất bại của một bộ phim thường gắn với đạo diễn, nhưng phim là công việc của tập thể, công sức của đạo diễn chỉ quyết định một phần.
Trong khoảng 10 phim được xem là thành công (về doanh thu hoặc tiếng tăm) của điện ảnh Việt trong 6-7 năm qua, phần lớn đều gặp vấn đề trong việc tổ chức đoàn phim. Đó là những tình huống phát sinh (tiền đầu tư, số ngày quay, kỷ luật làm việc…) chi phối đến tiến độ và chất lượng chung của tác phẩm. Giới làm nghề cho rằng việc tổ chức được một đoàn phim gọn gàng, hiệu quả như Cánh đồng bất tận là điều không dễ làm được trong tình hình hiện nay.
Như TT&VH từng đề cập, yếu nhất trong việc tổ chức sản xuất là dựng phim. Phần lớn các đạo diễn ở Việt Nam đều “tự xử” khâu này. Những người giỏi nghề dựng như Hàm Trần còn quá thiếu và chưa được trọng vọng đúng mức. Các nhà sản xuất thường “tự hào ngầm” khi phim của mình được mang sang Thái Lan để dựng hay xử lý hậu kỳ, nhưng điều đó cho thấy chúng ta quá yếu kém trong khâu này.
Tạo hình nhân vật nam chính trong phim Lửa phật
Loanh quanh chuyện phân loại phim
Tại các hội thảo điện ảnh hay các LHP ở Việt Nam trong mấy năm qua, băn khoăn và bất đồng lớn nhất có lẽ thuộc về các câu hỏi đại loại: Thế nào là một phim hay? Có nên phân biệt phim nghệ thuật với phim thương mại không? Và những điều này khiến họ không thể quy ước với nhau thế nào là phim thành công. Từ đó họ tự chia thành hai phe, một bên ủng hộ cách làm kiểu Để Mai tính, Long Ruồi… với thước đo chính là doanh thu; một bên ủng hộ kiểu Bi, đừng sợ! với thước đo là chất nghệ thuật, giới phê bình, các giải thưởng…
Tại nhiều nước, băn khoăn này đã được vượt qua từ lâu bởi cách phân loại phim, dòng nào có cách làm ấy, phim nào có BGK và khán giả nấy. Vì chúng ta chưa tiến hành phân loại phim nên các bên đều bối rối, nhất là phía sản xuất và phát hành, họ không thể phân khúc thị trường để đưa ra các quyết sách hợp lý. Cũng vì thiếu phân loại phim nên mùa giải nào chúng ta cũng bị soi mói về tính công bằng, thật khó cho BGK khi trước mắt họ, các phim quá khác nhau về quan niệm và tiêu chí; kiểu như Mùi cỏ cháy, Vũ điệu đam mê với Long Thành cầm giả ca... Đơn cử như khi chấm giải các phim kiểu Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng… thì BGK phải hiểu biết về góc máy và các kỹ xảo tạo hình võ thuật, nếu không, chắc chắn sẽ chấm sai.
Và cũng vì chưa phân loại phim nên khâu tổ chức đoàn phim còn nhiều tù mù, kém hiệu quả. Đơn cử như chuyện Hoài Linh đảm bảo doanh thu cho các phim của hãng Phước Sang, vì nó đúng phân khúc hài hước; nhiều đoàn phim khác tưởng có Hoài Linh là thắng lớn, nên mời vào các thể loại khác, thất bại là chuyện đương nhiên.
Chưa thể hy vọng những điều này sẽ được giải quyết tốt và đồng bộ trong năm 2012, nhưng chúng ta phải xem đây là việc cần lưu ý vun trồng bài bản và lâu dài.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất