Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu: ‘Thể thao không có rào cản về chính trị’

29/04/2015 06:08 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Bắt tay vào làm thể thao ở thành phố mang tên Bác từ cái ngày Miền Nam mới hoàn toàn được giải phóng, nên chỉ cần có ai đó gợi lại là cả quá trình phát triển thể thao ở TP HCM lại như bày ra trước mắt ông Lê Bửu, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, ông dành cho Thể thao Văn hóa Cuối tuần cuộc trò chuyện. 

Câu chuyện bắt đầu về cá nhân ông, bởi đây là cách tốt nhất để những thế hệ thanh niên giờ đây hiểu được một người gắn bó với lịch sử thể thao thành phố và nước nhà.

"Ông Hai lựu đạn"

Ông Lê Bửu rất thích cái biệt danh “Ông Hai lựu đạn” mà ai đó đã đặt cho mình. “Nó đúng với tính cách của tôi”, ông thừa nhận. Ở tuổi tròn 80, giọng nói ông vẫn sang sảng. Ngồi trao đổi tại một quán cà phê sang trọng đất Sài thành mà ông vẫn chỉ gọi một ly nước lọc cho “lành” cơ thể, cho mát, cho thanh cái giọng nói của mình.

Ở tuổi 80,  ông vẫn duy trì thói quen luyện tập thể dục thường xuyên, đều đặn đi bộ 30 đến 40 phút mỗi sáng. Còn các chiều Ba – Năm – Bảy, muốn kiếm ông, cứ ghé vào sân vận động Hoa Lư...


Với người đối diện, ông xưng hô đủ kiểu. Lúc tao – mày, khi ông – con, lúc  chú – cháu, rồi tôi – anh, và anh –  tui, tùy vào cảm xúc câu chuyện mà chúng tôi dẫn dắt,  khơi gợi. Ông có lý do của mình khi không bao giờ giữ cách xưng hô đặc trưng của một vùng miền cụ thể. Với ông, Việt Nam là một dân tộc kết đoàn từ Bắc chí Nam, cũng y như con người của ông: Sinh trưởng tại đồng bằng sông Cửu Long, tập kết ra Bắc, rồi trở vào Nam làm thể thao, xong lại ra Bắc tiếp tục vai trò lãnh đạo toàn ngành TDTT. 

Nhưng dù thế nào thì ông vẫn là là Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Giám đốc Sở TDTT TPHCM, một trong những nhân vật lãnh đạo đã trở thành “huyền thoại” của thể thao TPHCM trong những ngày đầu gian khó.

Nhưng ông không muốn nói nhiều về mình. Nên câu chuyện của chúng tôi chuyển sang chủ đề thể thao TPHCM 40 năm về trước.

Dân cường – nước thịnh

“Khi hay tin miền Nam giải phóng, chúng tôi vui lắm, hạnh phúc lắm. Nhưng ngay khoảnh khắc ấy, tôi không thể cầm được nước mắt khi nhớ đến những người đồng đội của mình đã ngã xuống. Giá như lúc ấy, họ cùng tôi tận hưởng tin vui này”, ông bắt đầu kể lại.

Khi đất nước thống nhất, Tổng cục TDTT đã thành lập một lực lượng cán bộ trẻ, có năng lực, tâm huyết lên đường làm nhiệm vụ tiếp quản, gây dựng lại thể thao các tỉnh, thành phía Nam. Ông có mặt trong đoàn cán bộ đó và thực hiện nhiệm vụ tiếp quản từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Mũi Cà Mau rồi được giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn gây dựng và phát triển phong trào TDTT.

Sau khi Thành ủy quyết định thành lập Sở TDTT TP.HCM, ông giữ vai trò Phó Giám đốc Sở. “Khi ấy, TP.HCM chỉ còn 1 đến 2  hồ bơi, cơ sở vật chất hầu như không còn nguyên vẹn. Điều tôi làm đầu tiên là đề xuất giữ lại tất cả đất đai, cơ sở vật chất thể thao của chế độ cũ. Giữ đất trước, tính phương án phát triển sau”, ông hồi tưởng.

Ông kể tiếp: “Năm 1976, bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đó là Chủ tịch UBND TP.HCM) gọi tôi lên và hỏi: “Phong trào TDTT TPHCM coi bộ còn yếu quá, tính sao đây”? Tôi nói: “Bác Hồ có dạy Dân cường – Nước thịnh. Không chi bằng xây dựng phong trào TDTT quần chúng, cả nước cùng luyện tập TDTT bằng cách thành lập những CLB TDTT tại gia đình, khu phố, địa bàn, nông thôn… Người người luyện tập, nhà nhà luyện tập. Có vậy dân mới cường – nước mới thịnh”.

Vậy là ngày 2/9/1976, Lễ phát động phong trào đi bộ đồng hành được tổ chức với sự góp mặt của hàng vạn người, nòng cốt là lực lượng học sinh, quân đội, công an… Đấy cũng là lần đầu tiên mọi người tại thành phố biết đến khẩu hiệu và phong trào thể thao: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Và kể từ đó, ông Lê Bửu trở thành một kiến trúc sư cho các công trình phát triển thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao mà cho đến nay, TP.HCM vẫn là cái nôi đi đầu của các nước: Hội khỏe Phù Đổng (giải đấu thể thao lớn nhất cấp trường học), xây dựng những giải pháp về con người thể thao (sự ra đời của trường Nghiệp vụ TDTT), gìn giữ và phát triển cơ sở vật chất thể thao (CLB Phan Đình Phùng, SVĐ Hoa Lư, Tao Đàn, đổi tên sân Cộng Hòa thành Thống Nhất – thể hiện ý chí đoàn kết toàn dân), xây dựng thư viện thể thao cấp quận huyện…

Khi đề xuất thí điểm hai địa bàn phát triển TDTT quần chúng tại TP.HCM là quận 4 và huyện Củ Chi, ông lý giải: “Quận 4 là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, là quận nội thành nghèo nhất, nhiều tệ nạn nhất. Củ Chi là huyện ngoại thành anh hùng nhất,  nơi đã nhiều chiến sĩ ngã xuống vì độc lập dân tộc. Chi bằng chọn 2 nơi này thí điểm phát triển phong trào TDTT để giảm bớt tệ nạn, lại vừa thể hiện tinh thần toàn dân rèn luyện thân thể, cùng tạo sức mạnh trong công cuộc bảo vệ và phát triển tổ quốc ”. Ông cười sảng khoái nhớ lại cuộc trò chuyện cách đây 39 năm cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Thể thao không chỉ là “ăn – ngủ và đấm đá”

Thưa ông, vào thời điểm năm 1975, nếu so với TDTT phía Bắc với nhiệm vụ chính là nâng cao sức khỏe toàn dân, trực tiếp phục vụ công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, thì thể thao tại phía Nam, đặc biệt là tại TP.HCM đã khá phát triển (về mặt thể thao thành tích cao). Vậy khi đó làm thế nào để những nhà quản lý như ông tận dụng được thế mạnh này?

-Quan điểm của chúng tôi là không bỏ sót một ai, không bỏ sót bất kỳ nhân tài nào. Thể thao không có rào cản về chính trị.  Ai mong muốn cống hiến, chúng tôi đều lắng nghe, tiếp nhận. Thật sự, TDTT TP.HCM phát triển nhanh chóng trong những ngày đầu, đó là ở sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng ở toàn dân.


Cũng cần phải nói thêm rằng, tôi cảm nhận mình hạnh phúc vì Thành ủy, UBND, các đồng chí lãnh đạo giai đoạn ấy hết sức chăm lo cho TDTT. Tôi không nói TDTT được ưu ái mà quan trọng là các vị lãnh đạo xem TDTT là giải pháp quan trọng, là con đường cho công cuộc xây dựng và ổn định xã hội.

Dù hiện nay TP.HCM cùng với Hà Nội vẫn là 2 trung tâm TDTT hàng đầu cả nước, nhưng được biết là ông vẫn rất nhiều băn khoăn, trăn trở với thể thao thành phố, đặc biệt là mảng TDTT cho mọi người với mục tiêu "Dân cường - Nước thịnh" như Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

-Thể thao không chỉ là “ăn – ngủ và đấm đá”, đấy là những vận động viên chuyên nghiệp, vận động viên thành tích cao. Phải coi việc phát triển TDTT quần chúng ngang tầm với việc phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Đừng quên lời dạy “Dân cường – Nước thịnh” của Bác Hồ. Không sức khỏe thì chẳng làm gì được. Năm 1992, tôi nhận chức Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT và chắc mọi người cũng nhớ đến Chỉ thị 01 về việc cấm hút thuốc và bia rượu trong ngành TDTT. Mình phải làm gương, mọi người mới nể.

Nói thật, bây giờ, tôi chỉ thấy người già luyện tập thể thao thường xuyên còn giới trẻ thì không ham thích thể thao như trước nữa. Trước đây, làm gì có video game, internet game, giờ thì nhan nhản thanh thiếu niên tụ tập. Rồi các quán nhậu tràn lan. Đừng quên thời của tôi, chính thể thao đã góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy. Giới trẻ mê thể thao thì lấy thời gian đâu mà dồn vào các thói hư tật xấu. Rảnh rỗi chỉ sinh nông nổi. 

Mọi giải pháp thay đổi đều từ con người cả. Lãnh đạo phải quyết liệt trong chủ trương. Với tôi, người lãnh đạo cần có 9 chữ T “Tình – Trung Thực – Thẳng Thắn ––Tự Tin - Tâm – Tầm”. Chỉ cần sở hữu 9 chữ này, bất kể giai đoạn nào, thời kỳ nào, người lãnh đạo cũng sẽ thành công.

Nhiều người cũng hay hỏi tôi: “Ông có lời nhắn nhủ nào tới các cán bộ TDTT hiện nay để Thể thao Việt Nam, trong đó có cả thể thao thành phố thực sự cất cánh”, tiện thể tôi nói luôn: “Xin hãy nhớ đến 9 chữ T đó, bất kể anh muốn thể thao thành tích cao hay thể thao quần chúng cất cánh”.

Riêng với TP.HCM, vào lúc này, điều kiện thì có nhiều, nhưng công tác TDTT thành phố chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của người dân, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo, thì càng cần phải nâng cao chất lượng công tác quản lý, đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người thông qua việc quy tụ được sức mạnh tập thể từ những người có tâm huyết, có chuyên môn.



Hoàng Triều
Thể thao&Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm