18/11/2019 08:22 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Tối 17/11, tại Hà Nội, Công đoàn giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” năm 2019 với chủ đề “Thầm lặng” nhằm tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã và đang vượt khó, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà giáo tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước đã tham dự chương trình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Trong những năm qua, giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện với bước đi khẩn trương nhưng chắc chắn, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đều cần đổi mới phương thức dạy và học. Đối với giáo dục phổ thông, cần khơi dậy được sự sáng tạo và năng lực cá nhân của từng học trò, đặc biệt chú trọng phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để thu hẹp sự chênh lệch với giáo dục ở vùng đô thị và các vùng thuận lợi.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự cảm phục trước những tấm gương của các thầy cô giáo đang hàng ngày, hàng giờ vượt qua khó khăn để cống hiến cho giáo dục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhà giáo vừa cần có tri thức vừa phải có tấm lòng. Tất cả các thầy cô giáo đều cố gắng để vượt qua chính mình, tiếp tục phát huy thành tích tốt, khắc phục những tiêu cực, hạn chế còn tồn tại thì chắc chắn sự nghiệp đổi mới giáo dục sẽ thành công, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước sẽ ngày càng nâng lên.
Chia sẻ tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: Có mặt trong chương trình hôm nay là 183 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho hàng triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp “trồng người”. Đó là những cô giáo mầm non nơi vùng cao Tây Bắc lấy niềm vui của con trẻ làm động lực để vượt qua khó khăn, thiếu thốn, sự đơn độc giữa núi rừng. Đó là những giáo viên gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên mà tên của họ, sự hy sinh của họ đã được lưu truyền như huyền thoại với bà con dân bản… Rất nhiều những thầy cô giáo khác từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến núi cao đang đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, giản dị mà cao quý như thế.
Bộ trưởng mong rằng dù trong hoàn cảnh nào, các cô giáo, thầy giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương về trí tuệ, đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Năm học 2018-2019, giáo dục nước nhà tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, có tính chất bản lề trên chặng đường đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. Cuối năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được ban hành, ngành Giáo dục bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị các điều kiện triển khai đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Để triển khai được chương trình này, có hai điểu kiện tiên quyết là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Trong năm 2019, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ dạy học tốt, quản lý tốt mà còn bắt nhịp với đổi mới giáo dục. Khi Bộ trưởng đi thăm và trò chuyện với các thầy cô giáo ở nhiều vùng miền khác nhau, dù ở nơi thuận lợi hay khó khăn thì điểm chung lớn nhất là các thầy cô đều sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới. Vì vậy, người đứng đầu ngành Giáo dục hy vọng, tâm thế này cùng với quá trình được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng sẽ giúp các thầy cô tự tin trở thành nhân tố quan trọng quyết định thành công của công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà.
Điểm nhấn của chương trình “Thay lời tri ân” là những phóng sự giàu cảm xúc; những nhân vật khách mời đặc biệt, lay động lòng người. Mỗi năm chương trình “Thay lời tri ân” lại kể những câu chuyện khác nhau về tấm gương những nhà giáo đang tận tụy hy sinh cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Cô giáo Khoàng Hà Pơ, điểm trường Huổi Lính A, Trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, mỗi tuần vài lần lại vào rừng hái nấm, tìm măng để làm thức ăn cho các học trò nhỏ. Đây cũng là cách để thời gian trôi đi nhanh hơn, cô bớt cô đơn và nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ con vì gia đình cô Pơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cách trường hơn 200km.
Sinh con được tròn 6 tháng, cô Khoàng Hà Pơ phải nén lòng nhờ bố mẹ và chồng chăm con gái còn chưa biết bò để quay về với lớp, với các học trò nhỏ ở điểm trường. Hiện nay, con gái cô đã gần 2 tuổi, nhưng cô mới chỉ về thăm được vài lần vào kỳ nghỉ hè và dịp lễ tết.
Thầy Vàng Văn Anh, Trường Mầm non xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) là nam giáo viên hiếm hoi của giáo dục mầm non Lai Châu nói riêng và bậc mầm non cả nước nói chung. Hiện nay, thầy Vàng Văn Anh đang phụ trách lớp trẻ 3 tuổi, với 28 cháu. Hàng ngày, thầy ân cần chăm sóc, từ lau mặt, rửa chân tay, đến cho các cháu ăn, dỗ các cháu ngủ, không chút ngại ngần hay nề hà bất cứ việc gì của một người trông trẻ.
Dẫu đôi lúc không khỏi chạnh lòng trước những ánh nhìn nghi ngại hay những câu trêu đùa của một số người, nhưng với tình yêu dành cho trẻ em vùng cao và lòng tâm huyết với nghề nuôi dạy trẻ, thầy Vàng Văn Anh vẫn kiên định bước đi trên con đường mà mình đã chọn và luôn tự hào là “mì chính cánh” của ngành giáo dục mầm non.
Việt Hà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất