Nick Út - Từ Publitzer đến Paparazzi

02/01/2011 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH CT) - Có một dạo trên các diễn đàn của nhiều tờ lá cải nổi tiếng, dân tình bình luận loạn xạ về bức ảnh chụp Paris Hilton đang khóc khi ra tù. Tác giả của nó là tay máy đã từng đoạt giải Pulitzer, Nick Út.

35 năm sau bức ảnh The terror of war huyền thoại, Nick Út vẫn lăn lóc. Một tay máy đi ra từ khói lửa cuộc chiến vẫn dầm mình trong các mảng thời sự xã hội. Kim Phúc hôm qua, Paris Hilton hôm nay, chẳng có gì làm gã phóng viên ảnh tóc muối tiêu này ngại ngần.

Cách đây 3 năm, trở về Mỹ sau sự kiện cuộc triển lãm ảnh ở Việt Nam bị “tạm hoãn”, Nick Út lại vác máy đi chụp sự kiện cô nàng đỏng đảnh Paris Hilton ra tù. Chính xác hơn là cô ra tù sau vài ngày xộ khám và tiếp theo đó lại phải vào tù do lệnh của tòa. Nick Út có mặt đầy đủ và bức ảnh của anh chụp Paris Hilton rơi nước mắt trong xe được các hãng thông tấn lớn nhất thế giới đăng tải lại. Thậm chí bức ảnh này từng được triển lãm tại Anh.

Viết mail hỏi Nick “Anh cũng là paparazzi sao?”, Nick trả lời “Không, đó là công việc, anh không phải paparazzi bán kiếm tiền, anh làm cho A.P và những chuyện đó là hết sức thường tình”.

Nick tâm sự rằng phóng viên ảnh của một hãng thông tấn khác rất xa với một paparazzi chính hiệu. Ngày Paris Hilton ra tù anh đứng từ 6 giờ sáng cho đến tối mịt để chụp được những giọt nước mắt của cô nàng giàu có bậc nhất Hollywood này. Nhưng chụp thế không có tiền bởi tất cả đã có A.P lo cho anh, từ tiền lương, chỗ ăn ở, cho đến những máy móc cực hiện đại khác.

Nhưng với đám paparazzi, họ tác nghiệp kiểu khác. Một bức hình độc có thể họ bán được cả triệu USD. Các tờ báo lớn đều đặt hàng họ. Máy móc họ toàn những ống kính hàng khủng cỡ 600mm trở lên và họ túc trực ngày đêm ở nhà các siêu sao cỡ Lady Gaga, Madonna hay Anna Nicole Smith. Nick kể bức ảnh Anna Nicole Smith lúc mới qua đời có tay paparazzi đã bán được với giá 500.000 USD.

Sự kiện nam danh ca Michael Jackson qua đời và làm rúng động làng văn nghệ Mỹ, A.P đã cử Nick đeo bám khá nhiều lần người ta bắt gặp Nick đứng chung với đám paparazzi quyết “săn” cho được những bức ảnh vàng. Ông kể có những khoảnh khắc khi Michael còn sống, ông chụp cảnh anh đang mặc pijama ra hầu tòa (2005). Cũng cách đây vài tháng, nhiều tờ lá cải đăng rầm rộ ảnh của cô nàng đỏng đảnh Lindsay Lohan ra tòa nhận trát đi cai nghiện, khá bất ngờ khi nhìn ngay sau lưng cô là một mái đầu muối tiêu, trên tay là chiếc máy Canon gắn ống kính 70-200 đang "nhả đạn". Đó là Nick, người mà bất cứ vụ gì nổi đình nổi đám ở Los Angeles là đều có mặt đúng giờ.


Mình tinh Eva Mendes. Ảnh Nick Út

Chính bởi vị thế đứng chung với đám paparazzi của mình nên nhiều lúc Nick Út cũng bị xem là paparazzi và nhiều ngôi sao khá khó chịu với ông. Tuy nhiên, cũng có nhiều ngôi sao biết ông qua bức ảnh 35 năm trước và họ thường rủ ông đi café hay giúp đỡ ông trong quá trình tác nghiệp. Có lần một số diễn đàn bình luận loạn xạ về bức ảnh chụp Paris Hilton đang khóc khi ra tù, nhiều người gọi đó chuyện tầm phào, bởi hào quang danh giá từ cái tên Nick Út sao lại phải đi chụp chuyện hậu trường làng giải trí, đó là nơi để paparazzi làm việc. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng trong nhiếp ảnh, bất cứ ai, có hào quang hay không đều tìm thấy những mục tiêu của mình. Nếu anh xem đó là vì con người thì bất kể ở thể loại hay lĩnh vực nào, tiếng nói nhân văn của anh vẫn không thay đổi. Kênh CNN từng đưa lên tivi bức ảnh Paris Hilton và chú thích rằng tác giả của nó là người đã chụp Kim Phúc 35 năm trước. Bức ảnh Paris Hilton cũng từng được đem đi triển lãm trang trọng ở Anh. Đáng nói là tác giả của nó lại chụp bằng một máy powershot chứ không phải hàng chuyên dụng khủng khiếp theo cách của paparazzi.

Chuyện tranh cãi chụp ảnh hậu trường ngoài Nick từng có một cái tên: Austin Visschedyk. Austin (với trang web Austinseye.com) năm nay vừa tròn… 17 tuổi, cậu chàng này đã làm paparazzi được vài năm. Austin chụp từ Britney Spears cho tới Paris Hilton. Những nơi cậu lui tới toàn là chốn chơi bời thượng lưu của sao như: Area Night Club, Privilege Night Club, Mr.Chows, Lax… Đồ nghề của cậu là 2 máy Nikon và Canon. Phương tiện hành nghề là… ván trượt. Vậy mà Austin đã rất thành công và giới paparazzi chính hiệu phải kiêng nể. Vậy hóa ra, trong thế giới paparazzi ai cũng có thể trở thành kẻ săn ảnh thành công. Quan trọng là đi hướng nào và có tiêu chí đạo đức ra sao.

Cũng có thể kể ra nhiều trường hợp đám paparazzi sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để đeo bám mục tiêu. Tay máy Phil Ramey đã từng thuê cả một chiếc tàu ngầm với giá 16.000 USD/ngày để đeo bám công nương Diana tắm nắng. Theo tờ New York Times, Los Angeles đang trở thành bãi đào vàng của đám paparazzi, bởi đây là địa điểm gần Hollywood và bởi nghề săn ảnh trộm ngày càng béo bở. "Chẳng khác gì đào vàng", nhận xét của Frank Griffin thuộc Bauer-Griffin, một trong những hãng ảnh nổi tiếng nhất Hollywood. Cách đây 15 năm, khi Frank Griffin chân ướt chân ráo đến Los Angeles, thành phố của những ngôi sao sáng nhất hành tinh này chỉ có khoảng 10-12 paparazzi. Bây giờ, con số đó là 200. Hãng ảnh Frank Griffin có 8 paparazzi, mỗi người được trang bị xe hơi và thiết bị săn ảnh tối tân, được trả lương 3.000 USD/tháng và được chia phần trăm (thông thường là 1/2) tiền nhuận ảnh bán được.

Trong thế giới paparazzi chẳng có chuyện gì là xa lạ với Nick Út. Tuy nhiêu tiêu chí của anh là công việc, không đặt nặng vấn đề tiền bạc (vì đôi khi mục tiêu ấy làm nhiều người phát điên và làm những việc quá lố). Ai cũng muốn ảnh mình được lên bìa, ai cũng muốn bức ảnh của mình gây xôn xao dư luận nhưng đích đến của những tay săn ảnh là khác nhau.

Nhân vật nổi tiếng của Nick có thể liệt kê ra nhiều trang A4 và toàn là nhân vật "cỡ bự" như: Ronald Reagan, Bette Davis, Alice Cooper, O.J. Simpson, Dolly Parton, Barbra Streisand..., mỗi người hiện ra với từng góc cạnh cụ thể không thể hòa lẫn.

Từ Kim Phúc đến Paris Hilton, từ những trận càn trong chiến tranh đến những thảm đỏ Oscar, Grammy, Nick đều có mặt. Và anh bảo rằng chẳng điều gì có thể làm anh buông máy bởi nó đã là thiên nghiệp của anh.

35 năm sau Pulitzer, Nick vẫn lăn lộn khắp mọi nơi. Ngoài những chuyến về Việt Nam thăm quê hay kết hợp công tác, anh cũng đã đi rất nhiều nơi. Nhưng có điều chưa bao giờ thấy sự mệt mỏi hằn lên trong ánh mắt người đàn ông tóc hoa râm này. Anh hào hứng kể về những lá thư từ mọi nơi gửi cho anh. Những lá thư từ Moscow, London, Berlin... gửi đến xin chữ ký và mời triển lãm. Và ở Mỹ có những nơi, sự có mặt của anh đã khiến cuộc triển lãm đông nghẹt người xem.Nick coi những điều ấy là bình thường. Sự nghiệp của anh nằm trong những bức ảnh và khi nó được đem ra công chúng thì hãy để họ tự phán xét.

Hoa Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm