22/01/2015 08:01 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Tới thời điểm này, với những phản ứng trái chiều về dự án lấn biển tại vịnh Hạ Long, nhiều khả năng ý tưởng của tập đoàn Tuần Châu sẽ khó lòng được triển khai trên thực tế. Vắn tắt, đó là kế hoạch xây dựng ba khu biệt thự nổi trên biển hình ba đóa hoa có tổng diện tích gần 400 ha tại phía Nam đảo Tuần Châu hiện tại. Khoảng 20 triệu mét khối đá, cát và vật liệu xây dựng sẽ được sử dụng để san lấp biển, tạo quỹ đất cho "ba đóa hoa" này.
Chỉ là dự án được đề xuất, tất nhiên kế hoạch của Tuần Châu phải được sự thẩm định của Hội đồng Di sản Quốc gia, cũng như ngành quản lý văn hóa các cấp. Thế nhưng, chưa cần chờ tới những ý kiến ấy, rất nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: Khu vực dự kiến xây dựng nằm trong vùng đệm của Di sản Thế giới Hạ Long. Và, nếu được triển khai, rất chắc chắn, UNESCO sẽ tiếp tục yêu cầu VN giải trình về hoạt động bị coi là gây ảnh hưởng tới tính nguyên trạng của di sản.
Cần nhớ, vài năm qua, tại các kỳ họp lần thứ 33, 35 và 37, vịnh Hạ Long liên tục bị UNESCO khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý di sản, đặc biệt là các hoạt động lấn biển mở đô thị và khai thác than gây ảnh hưởng tới môi trường. Câu hỏi đặt ra: Tại sao, khi Quảng Ninh đang nỗ lực vận động để UNESCO rút Hạ Long ra khỏi danh sách khuyến nghị, một doanh nghiệp vẫn đề xuất tiếp tục cách làm đang bị coi là “thách thức” này?
Sự thực, không chỉ ở một DSTG như Hạ Long, việc đổ đất lấn biển từng xuất hiện khá nhiều tại các khu du lịch biển của VN trong vài năm qua. Kinh phí nhỏ nếu so với việc phải giải phóng mặt bằng, tạo được quỹ đất để xây dựng đồng bộ và hoành tráng ngay tại không gian sát biển - đó là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp liên tục thực hiện các dự án này tại Rạch Giá, Nha Trang, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Ví dụ gần nhất chính là dự án xây khu đô thị "vành trăng khuyết" Đa Phước đang được triển khai tại vịnh Đà Nẵng, với việc san lấp một phần vịnh để có được 210 ha mặt bằng.
Thế nhưng, chính trong một cuộc hội thảo quốc tế năm 2013 về du lịch Đà Nẵng, các chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về cách xây dựng này. Như phân tích của họ, tại các nước phát triển, việc lấn biển xây đô thị là cách làm của quá khứ, và cũng chỉ được triển khai tại những khu vực có địa hình quá xấu, hoàn toàn không có tiềm năng về du lịch. Còn lại, khi yếu tố sinh thái tự nhiên đang là xu hướng chính trong du lịch hiện đại, việc tự làm hẹp biển, biến cảnh quan tự nhiên thành cảnh quan... nhân tạo là điều vô cùng lãng phí và đáng tiếc tại những bãi biển tự nhiên của Việt Nam.
Có nghĩa, không còn dừng ở chuyện bảo tồn, việc khai thác tài nguyên du lịch biển tại VN đang gặp vấn đề về cách tư duy. Bao giờ chúng ta mới đủ sức quay lưng với cách khai thác theo kiểu ăn xổi, để tự lựa chọn những hướng phát triển bền vững, hiệu quả nhưng lại đòi hỏi sự khoa học và kiên nhẫn?
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất