Người đầu tiên thuyết minh "Tây Du Ký" ở Việt Nam trò chuyện về những kỷ niệm với bộ phim đã trở thành kinh điển trong lòng khán giả, nhân chuyến thăm của "Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng.
- Bà có thể cho biết, phim “Tây Du Ký” đã đến với Việt Nam bằng con đường nào?- Bộ phim được sản xuất từ năm 1986. Đến khoảng năm 1989 hay 1990, đài Truyền hình Việt Nam được Đại sứ quán Trung Quốc tặng cho một bản phim “Tây Du Ký”. Đài phải dịch và thuyết minh rất nhanh để kịp phát sóng. Mọi việc được làm rất gấp gáp. Lúc đó trong đài không có người thông thạo tiếng Trung Quốc vì thế phải nhờ bên Bộ Ngoại giao dịch.- Công việc dịch và thuyết minh phim hồi đó được thực hiện như thế nào?- Dịch phim vốn có hai loại, dịch theo văn bản và dịch nghe đuổi. Bản phim này là dịch nghe đuổi vì không có văn bản kèm theo.Dịch phim chuẩn là mỗi câu của nhân vật đều phải dịch hết, nhưng vì không có văn bản nên mấy tập đầu dịch thiếu khá nhiều, diễn viên đối thoại 4 câu thì chúng tôi chỉ dịch và thuyết minh được 2 câu. Điều đó gây khó cho người thuyết minh. Thêm nữa, tôi lại không biết tiếng Trung Quốc, đành tìm cách cân bằng thời gian, làm thế nào để đọc 2 câu mà vẫn phù hợp với thời gian diễn viên nói 4 câu, không thể để trống, khán giả sẽ khó chịu. Không phải dịch và thuyết minh xong rồi mới phát mà chúng tôi dịch đến đâu, đọc đến đó và phát sóng luôn.
NSƯT Kim Tiến và cuốn tự truyện bằng tiếng Trung Quốc của Lục Tiểu Linh Đồng do đích thân ông trao tặng trong đêm giao lưu ở Nhà hát Lớn Hà Nội 25/12. Ảnh: Pham Mi Ly
- Bộ phim đã để lại những dấu ấn gì sâu đậm đối với bà?
- Trong lúc thuyết minh, tôi thấy diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng đóng Tôn Ngộ Không quá hay, người xem không nhận đây là người đóng vai khỉ mà hoàn toàn là một con khỉ, nhưng lại được nhân cách hóa để khán giả đồng cảm với suy nghĩ của nhân vật. Càng xem phim tôi thấy càng yêu quý nhân vật này. Sự thông minh, dí dỏm, quyết đoán của nhân vật được thể hiện ở mọi tập phim.Ngoài ra có nhân vật Trư Bát Giới, một anh chàng vừa lười nhác vừa dối trá, hay tranh công nhưng cũng rất ngô nghê. Cách đánh nhau của Trư Bát Giới cũng rất hài hước, có khi chỉ gõ “keng” một phát vào đầu là yêu quái lăn ra chết. Bộ phim chinh phục được khán giả một phần do cách kể chuyện vô cùng hài hước của nữ đạo diễn Dương Khiết. Những trận đánh nhau với các yêu quái không làm người ta sợ mà làm người ta cảm thấy vui và sinh động.- Trước khi thuyết minh bộ phim, bà đã đọc bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân chưa?- Chưa. Tôi nghĩ nếu đọc và thích cuốn sách trước đó biết đâu cũng là một hạn chế, người ta sẽ có những yêu cầu về các tình tiết và tính cách nhân vật mà phim chưa thể hiện được.Có thể nói, tôi đọc “Tây Du Ký” bằng điện ảnh, qua cách diễn của các nhân vật. Cách tiếp nhận đó tạo nên một ấn tượng rất mạnh.- Thời năm 1989 - 1990, lúc phát sóng bộ phim, điều kiện kỹ thuật như thế nào?- Lúc đó bản phim đã là phim màu rồi, nhưng phát ở hệ băng Umatic cổ, chất lượng không tốt lắm, lại còn là bản sao nữa.- Phản hồi của khán giả đối với bộ phim lúc đó như thế nào?- Khi phim phát sóng thì khán giả có phản hồi rất tốt. Sau mỗi tập chiếu, những người quen, hàng xóm láng giềng đến gặp tôi khen bộ phim rất hay. Khi tôi đi trên đường, khán giả cũng nhận ra và chia sẻ lòng yêu thích đối với bộ phim. Có thể nhiều người cũng đọc hoặc nghe những tích truyện về "Tây Du Ký" rồi, nhưng khi xem một bộ phim hẳn hoi thì người ta thấy sinh động, gần gũi với cuộc sống hơn.NSƯT Kim Tiến đưa cậu cháu trai (trái) đến gặp gỡ diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 25/12. Ảnh: Pham Mi Ly.