Tự sự Andrea Pirlo (Kì cuối): Trên đỉnh vinh quang

10/07/2015 06:28 GMT+7 | Italy

(giaidauscholar.com) - Quá chán nản với việc phải ngồi dự bị ở Inter Milan, tháng 6/2001, Andrea Pirlo quyết định chuyển sang kình địch cùng thành phố của họ AC Milan với giá gần 16 triệu euro.

Nhưng khởi đầu ở đội bóng mới không như ý, khi Pirlo vẫn chỉ là phương án B với HLV Fatih Terim, rồi Carlo Ancelotti.

“Không lẽ nào tôi để cậu ấy đá chính”

“Chừng nào cậu ấy đi bóng qua được tôi trong một trận đấu 3 người mỗi bên đã”, Ancelotti đặt điều kiện khi được hỏi khi nào ông sẽ cho tiền vệ mới của mình đá chính. “Tôi lớn hơn cậu ta 20 tuổi và đầu gối đã rệu rã, không lẽ nào tôi để cậu ta đá chính”.

Nhưng vào đầu mùa giải sau, Ancelotti đã hoàn toàn bị Pirlo thuyết phục. Anh là tiền vệ tổ chức đá lùi không thể thiếu của Milan, đứng ngay trên hàng thủ, với Gennaro Gattuso và Clarence Seedorf bảo vệ anh ở hai bên. Sau này, Pirlo luôn nói về Ancelotti như một người cha, HLV quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh, người mà anh đã gắn bó trong 8 năm đỉnh cao sự nghiệp của mình, từ 2001. Năm 2009, Pirlo thậm chí đồng ý tái hợp cùng ông ở Chelsea, nhưng Milan đòi quá nhiều tiền và còn muốn cả Branislav Ivanovic, nên thương vụ đã đổ vỡ.

“Pirlo là một trong những cầu thủ hiếm hoi mà HLV phải trao đổi rất ít, hoặc không cần phải nói gì cả”, Ancelotti nói. “Cậu ấy tự mình hiểu được mọi chuyện và là tiền vệ trung tâm giỏi nhất thế giới”.

Các danh hiệu nhanh chóng chứng minh nhận xét của Ancelotti. Mùa 2002-03, Milan giành Champions League, Cúp quốc gia Italy và Siêu Cúp châu Âu. Năm 2004 là chức vô địch Serie A và Siêu Cúp Italy. Thêm một Champions League và Club World Cup năm 2007, rồi Serie A 2011.

“Anh ta hẳn định cầu hôn tôi”

Bị coi là người thừa ở Milan mùa Hè đó, Pirlo chuyển sang Juventus, nơi anh giành 4 chức VĐQG liên tiếp, cùng với một Cúp quốc gia và 2 Siêu Cúp Italy nữa.

Nhưng chỉ các danh hiệu không thể nói hết về Pirlo. Trong một trận giao hữu tháng 9/2012 giữa Italy và Malta, Andre Schembri theo Pirlo như hình với bóng. “Anh ta mà có nhẫn hẳn tôi nghĩ anh ta định cầu hôn tôi”, Pirlo đùa. HLV Malta không phải là người đầu tiên làm như thế. Trong trận lượt về vòng 2 Champions League mùa 2009-10, Sir Alex Ferguson đã phân riêng tiền vệ năng nổ nhất của ông, Park Ji Sung, mỗi một việc là bám theo Pirlo.

“Tôi coi đó là sự xúc phạm với các đối thủ của tôi”, Pirlo viết trong tự truyện của anh. “Họ là những người đàn ông, những cầu thủ giỏi, nhưng lại được yêu cầu ra sân để phá hủy thay vì sáng tạo, bị buộc phải hành xử thiếu tính mã thượng và hào sảng, nhưng quả là họ cũng khiến tôi khốn khổ”. Trận đó, Man United thắng 4-0 (Pirlo không nhắc gì đến tỉ số trong cuốn sách của anh).

Vẻ đẹp và cảm hứng, với Pirlo, là điều quan trọng nhất trong bóng đá. Chính vì thế mà anh thực hiện pha đá phạt đền kiểu Panenka, cũng như học theo thần tượng của mình, Juninho của Lyon, trong mọi pha đá phạt trực tiếp.

Trong số các thủ thành trên thế giới, Joe Hart có lẽ là người căm ghét Pirlo nhất. Anh là nạn nhân của pha Panenka ở EURO 2012, nhưng còn tệ hơn là ở vòng bảng World Cup 2014, khi thủ môn của Man City 2 lần bị Pirlo đánh lừa trong các pha đá phạt và đứng nhìn bóng đập vào xà ngang. Không ai ngạc nhiên khi thấy Hart đá chân vào bảng quảng cáo và lớn tiếng la mắng chú bé nhặt bóng ở Manaus, Brazil. Anh đã bị một bậc thầy biến thành gã hề trên sân.

Tất cả những điều đó, những đường chuyền, bao gồm các pha chọc khe, lốp bóng và cả những quả tạt, hay các cú sút phạt thần sầu, cùng một tư duy bóng đá thiên tài, đã giúp Pirlo sống mãi trong lòng những người yêu bóng đá đẹp. “Âm nhạc sẽ không được chứng kiến một tài năng như thế trong 100 năm nữa”, Joseph Haydn viết về cái chết trẻ của người cùng thời với ông, Wolfgang Amadeus Mozart. Với Pirlo giờ đã nói lời chia tay, bóng đá thế giới sẽ hy vọng không phải chờ đợi Mozart mới của mình lâu như thế.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm