Italy: Rót mãi những chén chua cay này…

27/06/2016 12:25 GMT+7 | Euro 2020

(giaidauscholar.com) - Tôi biết dẫn cái lời dịch nhảm nhí này, hẳn là cậu em Trương Anh Ngọc rất bực. Tôi có thể hình dung vẻ mặt của Ngọc, một tay đút trong túi quần jean và một tay kia sẽ vung lên, mặt vênh hất ngược đám tóc mái dài mà nhất định rằng, lời dịch đó sẽ chẳng liên quan, rằng nó làm hỏng cả một ca khúc đẹp. Ừ thì rõ là nó chẳng liên quan gì đến bản gốc tiếng Italy của cái bài cực nổi tiếng (L’Italiano) đó rồi, nhưng mà nó lại có liên quan đến cuộc du hành sang Pháp của các bạn áo thiên thanh mà cụ thể chính là ở trận đối mặt với Tây Ban Nha hôm nay. Chẳng phải chính Ngọc cũng nói rằng, Italy đến với EURO 2016 với một gương mặt nhạt nhòa đó sao?

Tôi luôn hình dung ngôi vô địch là một nàng công chúa đang được vua cha kén rể và rồi anh tài khắp nơi đổ về, họ sẽ phải quyết đấu với nhau để giành được nàng. Ở góc nhìn đó, tuyển Italy  - một gã trung niên  tóc nâu óng, da màu mật ong, tóc tai bù xù, áo linent trắng cho trong quần nhưng cúc ngực mở một cách hơi buông tuồng, cẩu thả đầy cố ý… Gã ta cầm một thanh gươm không sáng lóa nhưng là gia bảo truyền thống nhiều đời. Gã say, đương nhiên rồi nên dáng đi lảo đảo, không vững vàng. Ấy vậy song chớ có mà mơ gã sẽ ngã nhoài,  đừng tưởng sự trì trệ nhìn thấy kia sẽ là một yếu tố khiến gã sớm bỏ cuộc. Cũng đừng có mà tin vào những lời trần tình khá “thật lòng” của ông Conte,  rằng Italy chẳng phải ứng cử viên cho ngôi vương tại kỳ EURO lần này, rằng vòng bảng quy tụ những đối thủ cứng cỏi. Những trần tình này, ngầm nói rằng, chúng tôi có bị rớt ngay từ vòng loại cũng bình thường, tôi biết trước rồi và chẳng ảo tưởng. Hỡi ôi, thật bất hạnh cho những đối thủ đã tin điều đó.

Nguyên bản của lời dịch của ca khúc L'Italiano mà tôi đã dẫn trên là như thế này: “Để tôi hát/với cây đàn guitar trong tay/để tôi hát/một bài hát chậm/để tôi hát/vì tôi tự hào/Tôi là một người Italy.” Niềm tự hào đó lý giải vì sao dù đoàn quân được cho là già nua của huấn luyện viên Antonio Conte với tuổi đời trung bình  cao nhất có mặt tại giải đấu đã sớm đập tan mọi suy nghĩ rằng họ đến đây để góp mặt cho vui. Không hề! Tham vọng giành người đẹp của tuyển Ý không thua kém bất cứ chàng trai nào dù trẻ trung bồng bột hay đã từng trải. Bằng chứng là họ chẳng mấy tốn sức trong ba trận đấu đầu tiên mà vẫn giành vị trí tối ưu nhất để tiến gần người đẹp. Đầy kinh nghiệm bất chấp thời gian tuổi tác có là một cản trở, tuyển Italy dễ dàng xỏ mũi cả những đứa trẻ tinh ranh của tuyển Bỉ, lẫn sự khỏe khoắn mạnh mẽ của Thụy Điển. Sự ngôn ngoan còn ở chỗ họ vẫn cứ diễn cái bài cũ mèm bao đời nay, lần nào cũng sử dụng y như vậy: Thủ thế, nhạo báng đối thủ, nhìn họ tức điên lao đến với sự cuồng nộ rồi khôn khéo, xỉa một phát chí mạng. Đối thủ, đương nhiên chết như trong phim, phim chứ không phải opera mà còn ngân thêm được một khúc hát. Sau khải hoàn khoanh tay bình thản, không bộc lộ sự hân hoan, cũng chẳng ngạo mạn, tệ hơn, chẳng ai nhìn thấy một nhược điểm nào. Với bản lĩnh đó, nào ai biết được tuyển Italy sẽ đi đến đâu? Kẻ nào sẽ cản bước gã lãng tử này? Tây Ban Nha, liệu có làm được điều đó?

Bước sơ sảy của Tây Ban Nha đã đẩy họ gặp nhau quá sớm. Một nhà vua đang trong cơn nguy khốn, sức lực phần lớn tiêu hao, vũ khí thất lạc trong nỗ lực để bảo vệ ngai vàng. Nhưng nguy khốn cũng chính là vũ khí nguy hiểm. Khi sức mạnh bị suy yếu, Tây Ban Nha không còn lãng mạn và hoa mĩ nữa, chàng ta thực dụng và đầy toan tính, do vậy những chiến thắng đều nhàn nhã như đã định trước. Ngay cả việc thua Croatia thì cũng chẳng thể là yếu tố “xét lại năng lực” khi mà đội bóng này ở trận đấu với Bồ Đào Nha đêm qua đã gục ngã ở những phút bù giờ cuối cùng. Ở trận gặp Italy, các chàng trai Tây Ban Nha chắc chắn sẽ dàn thế trận quay lưng vào sông, sự điềm đạm bình tĩnh tự tin của họ không dễ bị phá vỡ cho dẫu bị kích động, trêu ngươi…

Hy vọng rằng, sáng mai tôi không nhìn thấy tuyển Italy trong gương mặt một kẻ thất tình vừa tỉnh dậy sau một cơn say cùng tận mà niềm đắm đuối đến tuyệt vọng với đối phương vẫn còn nguyên đau đớn…

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm